Warren Buffett rút lui khiến Berkshire Hathaway ‘trật bánh’, giá cổ phiếu lao dốc mạnh
Di sản đầu tư huyền thoại của Warren Buffett vẫn là điểm tựa lớn, nhưng đà giảm hiện tại cho thấy những thách thức ngày càng rõ rệt với tập đoàn này trong kỷ nguyên mới không có ông.
Cổ phiếu Berkshire Hathaway tiếp tục kém hiệu quả hơn so với thị trường chung sau khi Warren Buffett công bố kế hoạch chuyển giao quyền lãnh đạo. Từ đầu năm 2025 đến nay, hiệu suất của tập đoàn đầu tư này vẫn không bắt kịp chỉ số S&P 500, làm dấy lên lo ngại trong giới đầu tư về tương lai của công ty thời kỳ "hậu Warren Buffett".
Kể từ ngày 3/5, khi Buffett tiết lộ ý định trao lại quyền điều hành cho những người kế nhiệm, cổ phiếu hạng B của Berkshire đã giảm hơn 12% - kéo mức tăng tính từ đầu năm xuống còn 4,5%, trong khi S&P 500 tăng 7% trong cùng giai đoạn. Thông báo này dường như đã làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư, dẫn đến làn sóng rút lui rõ rệt khỏi cổ phiếu Berkshire.
Theo đó, cổ phiếu hạng B của Berkshire đã giảm giá trong 6/7 tuần gần đây và đang hướng đến tháng giảm thứ 3 liên tiếp. Nếu xu hướng này kéo dài đến cuối tháng 7, đây sẽ là chuỗi giảm giá dài nhất kể từ tháng 6/2022.

Một tín hiệu đáng chú ý là cổ phiếu này vừa rơi xuống dưới đường trung bình động 200 ngày – chấm dứt chuỗi 573 phiên giao dịch duy trì trên ngưỡng này, dài nhất kể từ khi cổ phiếu hạng B được niêm yết vào năm 1996.
Dù gặp khó khăn ngắn hạn, Buffett từ lâu đã cảnh báo nhà đầu tư không nên kỳ vọng lợi suất vượt trội từ Berkshire trong tương lai. Với hơn 100 tỷ USD tiền mặt và danh mục đầu tư trải rộng khắp các ngành, ông thừa nhận rằng việc tìm kiếm cơ hội đầu tư đủ lớn để tạo ra tác động đáng kể ngày càng trở nên khó khăn. Quy mô khổng lồ hiện tại vừa là lợi thế, vừa là giới hạn đối với tập đoàn.
Trong thư gửi cổ đông năm 2023, Buffett viết rằng dù Berkshire sở hữu nhiều doanh nghiệp chất lượng cao và có thể vượt nhẹ so với mức trung bình của doanh nghiệp Mỹ, kỳ vọng vào mức sinh lời vượt trội là điều phi thực tế.
“Với danh mục hiện tại, Berkshire có thể đạt kết quả tốt hơn một chút so với trung bình các doanh nghiệp Mỹ khác và quan trọng hơn là có rủi ro tổn thất vĩnh viễn thấp hơn đáng kể. Nhưng bất kỳ kỳ vọng nào vượt quá ‘một chút tốt hơn’ chỉ là mơ tưởng”, ông nhấn mạnh.
Dù đợt sụt giá gần đây gây ra nhiều lo ngại, di sản của Buffett trên thị trường đầu tư vẫn không gì sánh kịp. Kể từ khi tiếp quản Berkshire vào giữa thập niên 1960, ông đã mang lại mức sinh lời kép hàng năm gấp đôi S&P 500. Trong giai đoạn 1964–2024, cổ phiếu Berkshire đạt mức tăng trưởng cộng dồn lên tới 5.502.284%.
Thành tích dài hạn đó là minh chứng rõ rệt cho triết lý đầu tư của Buffett, dù khó có thể lặp lại trong tương lai.
Tuy nhiên, đà giảm hiện tại phản ánh những thách thức mà Berkshire phải đối mặt trong kỷ nguyên hậu Buffett. Dù kế hoạch chuyển giao đã được vạch sẵn, với Greg Abel được kỳ vọng sẽ kế nhiệm, thị trường vẫn đang phân vân về sự chuyển giao này.
Một số nhà đầu tư cũng lo ngại về chiến lược của Berkshire trong bối cảnh kinh tế hiện nay, khi lãi suất duy trì ở mức cao và thị trường chứng khoán ghi nhận mức tăng mạnh ở các nhóm ngành tăng trưởng như công nghệ – lĩnh vực mà Berkshire hiện có ít sự hiện diện.
Bên cạnh đó, tốc độ triển khai vốn chậm trong các thương vụ lớn cũng khiến giới đầu tư đặt câu hỏi liệu Berkshire có còn khả năng tận dụng khối tiền mặt khổng lồ của mình một cách hiệu quả.
Mặt khác, những phát biểu thẳng thắn của Buffett về giới hạn tăng trưởng trong tương lai cho thấy cam kết với sự thực tế thay vì tô hồng kỳ vọng. Ngay cả khi không còn là cái tên dẫn đầu về tăng trưởng, Berkshire vẫn có thể là lựa chọn ổn định và ít rủi ro hơn cho những nhà đầu tư theo đuổi giá trị dài hạn – đúng như những nguyên tắc mà Buffett đã kiên trì theo đuổi suốt hơn 60 năm qua.
Theo CNBC
Chỉ bằng 1 cổ phiếu, cụ ông 80 tuổi vượt Mark Zuckerberg thành người giàu thứ hai thế giới
'Trùm AI' bán hơn 36 triệu USD cổ phiếu, tài sản vươn ngang huyền thoại Warren Buffett