Xáo trộn vị trí các sàn thương mại điện tử Việt Nam
Dù ngôi vị số một của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam vẫn chưa đổi chủ nhưng cuộc chiến lại đang “nóng” ở vị trí số hai và số ba, đồng nghĩa với sự vươn lên của nhân tố mới.
Cuộc “soán ngôi” của TikTok Shop
Theo báo cáo mới đây của Metric, nền tảng số liệu về thị trường TMĐT Việt Nam nửa đầu năm, doanh thu NMV (Net Merchandised Value/ Tổng giá trị các đơn hàng giao thành công trên sàn TMĐT) toàn thị trường đạt khoảng 93.000 tỷ đồng, tăng trưởng tới 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu NMV Quý 1 và Quý 2/2023 lần lượt ghi nhận con số 43.000 và 50.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, bảng xếp hạng thị phần doanh thu NMV sau nửa đầu năm 2023 đã chứng kiến cuộc đổi ngôi giữa Lazada và TikTok Shop. Theo Metric, ở Quý 4/2022, thời điểm Tiktok Shop mới ra mắt được 4 tháng đã có doanh thu bằng 80% doanh thu của Lazada. Đến Quý 1/2023, TikTok Shop chỉ kém Lazada 3,5% doanh thu và Quý 2 năm nay, tân binh này đã nhanh chóng vượt mặt người chơi lão làng Lazada.
Cụ thể, theo Metric, Shopee ghi nhận tổng giá trị của tất cả các đơn hàng giao thành công đạt 59.000 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2023, với 667 triệu sản phẩm được bán ra. Trong khi TikTok Shop đạt mức doanh thu 16.300 tỷ đồng - bằng 27% Shopee, với 117 triệu sản phẩm bán ra. Còn tay chơi kỳ cựu Lazada chỉ đạt 15.700 tỷ đồng doanh thu NMV, tương đương với 117,5 triệu sản phẩm.
Cũng theo Metric, TikTok Shop đã vươn lên thành sàn TMĐT lớn thứ hai tại Việt Nam chỉ sau Shopee. Đặc biệt, thị phần của Shopee từ đầu năm tới nay gần như không có sự thay đổi, điều này cũng đồng nghĩa với việc Tiktok Shop đang lấy đi thị phần từ các sàn TMĐT còn lại.
Trong khi đó, các sàn TMĐT “cây nhà lá vườn” còn lại như là Tiki và Sendo dường như “hụt hơi” trước các đối thủ, với NMV lần lượt chỉ đạt 1.600 tỷ đồng và 112,3 tỷ đồng. Điều này cũng cho thấy tình cảnh ảm đạm của các doanh nghiệp nội trong cuộc chơi trên thị trường TMĐT Việt Nam.
Sự “hụt hơi” của các sàn TMĐT nội địa
Đơn cử như trường hợp của Tiki, từng được kỳ vọng sẽ trở thành một kỳ lân trên thị trường TMĐT Việt Nam và được coi là đối trọng xứng tầm với các “ông lớn” ngoại trong lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam. Tuy nhiên, công ty này đang cho thấy sự chững lại, và đánh mất dần thị phần vào tay các doanh nghiệp ngoại như Lazada (với sự hậu thuẫn của Alibaba), Shopee (có tập đoàn SEA) và Tiktok Shop (với sự chống lưng của gã khổng lồ ByteDance).
Cụ thể, trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022, Tiki ghi nhận doanh thu giảm 7%, trong khi tổng chi phí tăng 4% so với cùng kỳ, theo một báo cáo của Momentum Works. Đáng chú ý, có đến 45% lượng giao dịch này là do Tiki tự phân phối. Giới quan sát đánh giá với thị trường đang phát triển như Việt Nam, cách làm này ngốn nhiều chi phí. Kết quả là sàn thương mại điện tử này ghi nhận lỗ hoạt động 93 triệu USD, lỗ nặng hơn so với năm tài chính trước đó.
Cho đến hết Quý 2 năm nay, tình cảnh của Tiki lại càng “bết bát” hơn khi họ chỉ chiếm 6% NMV, tương ứng khoảng 12.150 tỷ đồng, trong khi Sendo còn kém hơn khi chỉ chiếm khoảng hơn 1,2% tương đương với 112,3 tỷ đồng.
Lý giải điều này, các nhà phân tích cho rằng các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam hầu như chỉ thu hút các nhà bán hàng nội địa, trong khi các sàn đa quốc gia họ không chỉ thu hút nhà bán hàng tại Việt Nam, mà còn rất nhiều nhà bán khác trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc - nơi có chuỗi cung ứng rất phát triển. Điều này tạo ra lợi thế về tối ưu bán hàng. Trong khi nhóm doanh nghiệp Việt bị hạn chế về đa dạng nguồn cung hàng hóa cho khách hàng.
Hơn thế nữa, trong khi các sàn TMĐT trong nước đều là các công ty khởi nghiệp, phải gọi từng vòng vốn để hoạt động thì các sàn ngoại vẫn tiếp tục nhận được hàng trăm triệu USD đầu tư từ tập đoàn mẹ. Mới nhất, Lazada đã được “gã khổng lồ” thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, Alibaba bơm thêm một khoản tiền trị giá 845,44 triệu USD với nỗ lực giúp sàn TMĐT này vượt qua sự cạnh tranh ngày càng gay gắt tại thị trường địa phương.
Nở rộ xu hướng Shoppertainment
Theo báo cáo từ RetailAsia, Shoppertainment (mua sắm kết hợp với giải trí) đã trở thành xu hướng mua sắm ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Báo cáo từ tạp chí này cũng cho biết, khoảng 82% người mua sắm muốn khám phá các thương hiệu mới hoặc thương hiệu khác để mua hàng trực tuyến thông qua các video ngắn và 55% thực hiện giao dịch mua bất ngờ dựa trên các video này, mặc dù có trong tay danh sách mua sắm.
Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam cũng chứng minh rằng số lượng cá nhân xem quảng cáo đọc bình luận và đọc đánh giá trên trang web là một yếu tố khiến người tiêu dùng chọn các trang web hoặc ứng dụng Google AdWords để mua hàng trực tuyến, mạng chiếm lần lượt 29% và 41% người mua sắm trực tuyến.
Bên cạnh đó, theo Google Trend Việt Nam cho thấy, việc sử dụng người nổi tiếng làm đại sứ thương hiệu hay “đốt tiền” vào mã giảm giá để giữ chân khách hàng và không phải là chiến lược bền vững của các thương hiệu. Bằng cách sử dụng shoppertainment, một nền tảng giải trí kết hợp mua sắm, các thương hiệu có thể trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của người tiêu dùng. Shoppertainment sẽ làm mờ ranh giới giữa bán hàng, giải trí và cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng thông qua các trải nghiệm tương tác phong phú như phát trực tiếp, ảnh, video và trò chơi điện tử.
Rõ ràng, sự nổi lên gần đây của TikTok Shop đã cho thấy một xu hướng mua sắm mới đang rất thịnh hành tại Việt Nam. Có vẻ shoppertainment không chỉ giúp việc mua hàng trực tuyến của khách hàng thuận tiện hơn mà còn giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển các kế hoạch kinh doanh trong tương lai.
Temu tạm dừng cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam, chờ Bộ Công thương cấp phép
Từng được định giá 13.800 tỷ đồng, hệ sinh thái Tiki giờ có những gì?