Doanh nghiệp

Xe đạp Thống Nhất bất ngờ chuyển mình, huyền thoại một thời vừa báo lãi lớn

Yên Hoàng 05/09/2023 09:25

Nhắc đến những thương hiệu Việt nổi danh những năm 1980 - 1990, ngoài những cái tên quen thuộc như kem đánh răng Dạ Lan, xà bông Cô Ba, cao su Sao Vàng…, còn có “huyền thoại” xe đạp Thống Nhất.

63 năm qua, xe đạp Thống Nhất là thương hiệu danh tiếng, nhân chứng đồng hành cùng nhiều thế hệ Việt, qua các giai đoạn của lịch sử. Đi qua nhiều giai đoạn thăng trầm của đất nước, từng được coi là biểu tượng của sự giàu có một thời, chiếc xe đạp Thống Nhất - cho đến nay vẫn là ký ức khó phai trong lòng những ai đã trải qua thời bao cấp khó khăn.

Từng chiếm lĩnh 100% thị phần cả nước

Xe đạp Thống Nhất được sản xuất bởi Công ty CP Thống Nhất Hà Nội, thành lập ngày 30/06/1960. Năm 1965, Nhà nước ra quyết định phân phối xe đạp giá cung cấp. Cán bộ, công nhân viên chức được mua một chiếc 1 lần duy nhất. Ai được phân phối, sẽ có kèm theo một sổ mua phụ tùng.

Xe đạp Thống Nhất bất ngờ chuyển mình, huyền thoại một thời vừa báo lãi lớn

Xe đạp Thống Nhất ra đời từ trong chiến tranh chống Mỹ nên nó đi vào cả chiến trường với biệt danh “con ngựa sắt” - vượt mưa bom bão đạn đem gạo, muối, thuốc men… ra tiền tuyến. Từng trải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, là "con ngựa sắt chiến trường" vượt mưa bom bão đạn đem gạo, muối, thuốc men… ra tiền tuyến, xe được đặt tên là Thống Nhất nhằm gửi gắm mong ước về một ngày đất nước hòa bình, độc lập.

Lý do khiến xe đạp Thống Nhất có chất lượng cao như vậy là do xe được sản xuất kỹ đến từng chi tiết, chất lượng của hãng không thua kém gì những chiếc xe nhập khẩu từ Châu Âu hay Nhật Bản. Nhiều chiếc xe đạp đã trải qua hơn 60 năm cùng nhiều lần thay thế phụ tùng bảo dưỡng, nhưng khung xe vẫn còn nguyện vẹn, không cần sửa chữa.

Đảm bảo về chất lượng, những chiếc xe thời ấy được cấp biển số, giấy chứng nhận không khác gì xe máy, ô tô ngày nay.

Tuy nhiên, số lượng sản xuất xe đạp Thống Nhất rất hạn chế, do đó, số người được phân phối xe chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, xe đạp Thống Nhất càng trở nên quý hiếm, xa xỉ. Có người được phân phối xe, quý đến mức không dám đi, về treo lên trong nhà, 2 bánh không để chạm đất, thỉnh thoảng ngồi ngắm và quay bàn đạp nghe tiếng xích líp kêu...

Một chiếc xe có giá lên tới nửa cây vàng lúc bấy giờ, một số tiền lớn đối với mức thu nhập của nhiều gia đình Việt Nam thời bao cấp. Vì vậy, xe Thống Nhất được coi như biểu tượng của sự giàu có, thành đạt đối với người dân Việt Nam cho đến tận giữa thập niên 90.

Đánh vào chất lượng sản phẩm, định vị mình là dòng xe cao cấp, bạn đồng hành của người Việt đã giúp Thống Nhất trở thành thương hiệu danh tiếng lẫy lừng lúc bấy giờ.

Mong manh cuộc chiến giành thị phần

Thời gian trôi, thương hiệu nào rồi cũng sẽ đến giai đoạn thoái trào. Xã hội phát triển, mở cửa kinh tế - khiến xe máy và các dòng xe ngoại nhập - trở thành phương tiện đi lại phổ biến hơn, xe đạp Thống Nhất dần mất vị thế độc tôn trên thị trường.

Trước sự cạnh tranh gay gắt, ban lãnh đạo công ty đã phải phân phối thêm các thương hiệu xe đạp nổi tiếng nước ngoài để tồn tại.

Thống Nhất cũng thừa nhận, mặc dù là một trong những đơn vị có thương hiệu lâu đời, song tới nay, thương hiệu này so với hàng ngoại vẫn có khoảng cách lớn.

Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này được cho là do tâm lý người tiêu dùng sính ngoại khiến các nhà sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh. Một sản phẩm xe trong nước để tên tiếng Việt ít khi được người mua quan tâm, chính vì thế nhà sản xuất phải đặt tên nước ngoài. Cùng với đó, hiện tượng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường không được kiểm soát cũng là một thách thức trong việc giữ uy tín sản phẩm.

Điều đáng nói, từ gần như 100% thị phần tại Việt Nam do Thống Nhất chiếm giữ, giờ miếng bánh đã bị bẻ đi một nửa bởi các loại xe đạp, xe đạp điện xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan với nhiều kiểu dáng, màu sắc đa dạng.

Bên cạnh đó, các thương hiệu xe đạp như Giant, Merida, Wiel, Peugeot, Missile, HK Bike, Newway, Momemtum… cũng bắt đầu mọc lên như nấm tại thị trường Việt Nam.

Tại phân khúc người có thu nhập cao, xe đạp Thống Nhất cũng bị cạnh tranh trong cuộc đua khốc liệt với các dòng cao cấp, nhập khẩu nguyên chiếc từ Mỹ (Trek), Pháp (Specialized S), Đức (Mecedes Benz), Nhật Bản, Đài Loan… Các chuyên gia trong ngành cho rằng, trong thời gian tới còn có thêm nhiều thương hiệu xe đạp nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, thậm chí sẽ có một vài dự án lớn đầu tư xây dựng thương hiệu, mạng lưới phân phối lớn tại Việt Nam.

Với các đối thủ trong nước, ngoài chạy đua với các hãng như Viha, Delta, Hitasa, Martin 107, xe đạp Thống Nhất cũng đang phải “đau đầu” trước một thương hiệu quá “nặng ký” đó là xe máy điện Vinfast của Tập đoàn Vingroup - vốn đã gây sốt trước đó bởi kiểu dáng thời trang và nhiều tính năng thông minh thể hiện ở các kết nối Internet, 3G, kiểm soát bằng smartphone; điểm đáng chú ý khác đó chính là VinFast đã lên kế hoạch thiết lập 30.000 - 50.000 trạm sạc và trạm thuê pin trên toàn quốc đến năm 2020, theo ba mô hình: Trạm sạc thường, trạm thuê pin và trạm sạc nhanh.

Quyết định thay đổi và chuyển mình một cách toàn diện

Ngày 27/02/2017, xe đạp Thống Nhất chính thức cổ phần hóa, chuyển đổi toàn diện mô hình hoạt động từ sản xuất tới kinh doanh theo tiêu chuẩn hiện đại của quốc tế. Thương hiệu xe đạp Thống Nhất từng bước đưa tên tuổi của mình trở lại.

Tới năm 2022, từ 30 cửa hàng đại lý ban đầu, Thống Nhất đã cán mốc 500 cửa hàng đại lý, trải dài toàn quốc và trở thành thương hiệu xe đạp có hệ thống phân phối lớn nhất Việt Nam. Cùng với đó, hệ thống máy móc, nhà xưởng tiếp tục được chú trọng đầu tư với các công nghệ hiện đại, giúp cho Thống Nhất trở thành thương hiệu xe đạp Việt Nam duy nhất có quy mô sản xuất chuyên nghiệp và lớn nhất thị trường. Cùng với sự tăng trưởng và phát triển ngoạn mục của mình, Thống Nhất còn không ngừng đổi mới mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, không chỉ còn là mẫu xe đạp của “ông bà ngày xưa”.

Về tình hình kinh doanh những năm trở lại đây của Xe đạp Thống Nhất đã có sự hồi phục đáng kể nhở chiến lược mở rộng kinh doanh. Cụ thể, năm 2020 doanh thu của Xe đạp Thống Nhất ghi nhận ở mức 78 tỷ đồng và báo lỗ sau thuế hơn 6 tỷ đồng, thì đến năm 2021 doanh thu của công ty đã tăng trưởng 29% lên mức 100,5 tỷ đồng, khoản lỗ cũng được thu hẹp đáng kể với con số âm 378 triệu đồng.

Sang đến năm 2022 thì doanh thu của Xe đạp Thống Nhất đã tăng trưởng mạnh 41% lên 142 tỷ đồng, đồng thời công ty cũng ghi nhận có lãi 13,7 tỷ đồng.

Xe đạp Thống Nhất bất ngờ chuyển mình, huyền thoại một thời vừa báo lãi lớn

Bằng sự nỗ lực đổi mới, không ngừng thích ứng với nhu cầu của thị trường và sự cạnh tranh từ các thương hiệu khác, thương hiệu xe đạp Thống Nhất từng bước trở lại, chiếm lĩnh thị trường một cách vững chắc và tiếp tục trở thành thương hiệu xe đạp quốc dân của người Việt.

Từng bị Unilever “nuốt trọn”, thương hiệu kem đánh răng P/S bây giờ ra sao?

Nguyên nhân khiến tài xế đạp nhầm chân ga khi lái xe ô tô: Đây là cách khắc phục cần biết

Cách người dân TPHCM tiếp cận tàu metro số 1 thuận lợi nhất

Theo kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/xe-dap-thong-nhat-bat-ngo-chuyen-minh-huyen-thoai-mot-thoi-vua-bao-lai-lon-199130.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Xe đạp Thống Nhất bất ngờ chuyển mình, huyền thoại một thời vừa báo lãi lớn
    POWERED BY ONECMS & INTECH