Xuất hiện ứng dụng ngân hàng giả có thể chiếm quyền điều khiển điện thoại
Các đối tượng sử dụng nhiều kịch bản lừa đảo để thao túng, yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin đăng nhập, mật khẩu và mã OTP xác thực để chiếm đoạt tài sản.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phát đi cảnh báo về 4 thủ đoạn lừa đảo trực tuyến nổi bật trong tuần từ ngày 21/10 đến ngày 27/10.
Trong đó, cơ quan này đưa ra cảnh báo về chiêu trò lừa đảo sử dụng ứng dụng ngân hàng giả để chiếm quyền điều khiển thiết bị. Thủ đoạn chung của các đối tượng là tạo lập các trang web, ứng dụng, trang mạng xã hội mạo danh ngân hàng và các tổ chức tài chính, đơn vị trung gian thanh toán.
Những ứng dụng ngân hàng giả này có chứa mã độc. Sau khi nạn nhân cài đặt trên điện thoại, nhóm lừa đảo sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại để đánh cắp thông tin rồi thực hiện việc chuyển tiền trực tuyến để chiếm đoạt tài sản.
Cảnh báo của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) |
Các đối tượng tiếp cận nạn nhân bằng nhiều hình thức như: Chạy quảng cáo, phát tán tin nhắn mạo danh ngân hàng hoặc mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho nạn nhân… Qua đó nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng và thực hiện kịch bản lừa đảo.
Để đối phó với cảnh báo của cơ quan chức năng, các đối tượng liên tục thay đổi kịch bản lừa đảo như: Mời nâng cấp thẻ tín dụng; vay tiền trực tuyến với thủ tục dễ dàng, lãi suất thấp; thông báo tài khoản ngân hàng phát sinh giao dịch đáng ngờ; hướng dẫn cập nhật sinh trắc học, thông tin tài khoản…
Với những kịch bản này, đối tượng dễ dàng thao túng, yêu cầu bị hại cung cấp thông tin đăng nhập, mật khẩu và đặc biệt là mã OTP xác thực.
Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần thận trọng trước những bài đăng hoặc những thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ.
Đặc biệt, người dân không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào. Người dân tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn lạ và không chia sẻ số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu.
Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
>> Nhận diện các chiêu lừa đảo cài ứng dụng để 'hack' tài khoản ngân hàng