Xuất khẩu gạo Việt Nam tháng 1/2022 tăng 46% về lượng và tăng 29% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Tổng Cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 1 đạt hơn 505 nghìn tấn, tương đương 246 triệu USD, không biến động nhiều so với tháng 12/2021 nhưng tăng 46% về lượng và tăng 29% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Dù xuất khẩu gạo tăng về lượng và kim ngạch, song giá gạo xuất khẩu tháng 1 lại giảm 6% so với tháng trước và giảm gần 12% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 486 USD/tấn.
Về thị trường xuất khẩu, Philippines vẫn là thị trường lớn của gạo Việt Nam khi nhập khẩu 234 nghìn tấn, tương đương 110 triệu USD, tăng 38% về lượng và gần 21% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Vượt qua Trung Quốc, Bờ Biển Ngà vươn lên thành nhà nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với 56 nghìn tấn, tương đương kim ngạch 23 triệu USD, tăng 424% về lượng và 252,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Trái với triển vọng tích cực của Philipines và Bờ Biển Ngà, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm 36% về lượng và 37% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 37 nghìn tấn với trị giá gần 19 triệu USD.
Bộ NN&PTNT dự báo xuất khẩu gạo năm 2022 sẽ duy trì thứ hạng tốt nhờ tỷ trọng gạo thơm tăng lên, năng suất lúa được cải thiện. Các doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, Tân Long, Intimex, Trung An… tiếp tục được đối tác ký kết các đơn hàng lớn, giá trị cao.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn đảm bảo trên 6 triệu tấn.
Giá gạo Việt đắt nhất thế giới, doanh nghiệp vẫn chi 1,24 tỷ USD nhập khẩu
Vừa lập kỷ lục, ‘hạt ngọc Việt’ lại nhận tin xấu, nguy cơ hụt thu 700 triệu USD