Xuất khẩu nông sản tìm “đường sống" khi bị đứt gãy chuỗi cung ứng

10-05-2022 17:26|Thuỳ Dương

Khi cửa khẩu ở các tỉnh phía Bắc khôi phục thông quan hàng hóa thì giá nhiều mặt hàng nông sản tăng nhẹ sau thời gian dài bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

Dự đoán tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là tắc nghẽn tại các cảng của Trung Quốc chưa thể khắc phục được trong thời gian ngắn.

Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt đang tích cực tìm giải pháp, đặc biệt là tìm nguồn hàng và thị trường thay thế, đồng thời nội địa hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu rủi ro.

Từ cuối năm 2021 khi Trung Quốc ngày càng siết chặt các biện pháp phòng chống Covid-19, hoạt động thông quan hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc tại các cửa khẩu phía Bắc đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Đến tháng 4/2022, lệnh phong tỏa tại Thượng Hải và nhiều thành phố khác được đưa ra càng khiến tình hình thêm khó khăn.

Trung Quốc vốn là thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam và cũng đã nhiều năm doanh nghiệp phải ứng phó với tình trạng xuất khẩu lên -xuống theo độ đóng - mở cửa khẩu. Do đó, các doanh nghiệp đã dần tìm cho mình những giải pháp riêng nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp thủy sản tại Đồng Tháp cho hay, trước đây xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc khá nhiều nhưng nay công ty chỉ tiếp tục giữ đơn hàng đều đặn với các khách hàng thân thiết. 

Để giải quyết vấn đề hàng nông sản tươi không bảo quản được lâu, một số công ty đã nghĩ đến giải pháp bơm khí ni-tơ vào container lạnh nhằm đưa rau quả tươi vào trạng thái "ngủ sâu" để kéo dài thời gian bảo quản, giúp hàng hóa giữ được chất lượng.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, hiện UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các sở, ngành liên quan nhanh chóng xây dựng kế hoạch để tổ chức thiết lập “vùng xanh” an toàn tại các cửa khẩu để đảm bảo công tác chống dịch Covid-19 ở mức độ cao nhất, qua đó tạo sự đồng nhất với phía Trung Quốc về công tác phòng, chống dịch, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh, giảm thiểu nguy cơ phải tạm dừng hoạt động thông quan hàng hóa.

Cùng với việc triển khai thiết lập “vùng xanh”, tỉnh Lạng Sơn cũng tăng cường công tác trao đổi, hội đàm với các cơ quan chức năng phía Quảng Tây - Trung Quốc để triển khai có hiệu quả phương thức giao nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài theo mô hình thông quan không tiếp xúc. Các giải pháp tương tự cũng được triển khai tại các cửa khẩu Móng Cái, Lào Cai…

Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp tổ chức Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc giai đoạn sau Covid-19. Tại hội nghị, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra nhiều khuyến cáo, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương để đáp ứng những tiêu chuẩn mới, xuất khẩu hàng hóa chính ngạch sang Trung Quốc.

Trong bối cảnh trên, nhiều chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng thị trường nhập khẩu nguyên liệu lẫn thị trường xuất khẩu hàng hóa để tránh phụ thuộc.

Thị trường EU là điểm đến tiềm năng bởi nhu cầu nhập khẩu sản phẩm rau quả nhiệt đới của EU rất lớn và đang có tốc độ tăng trưởng cao. Khi FTA giữa VN và EU (EVFTA) có hiệu lực, thuế suất một số loại rau quả của Việt Nam vào EU được giảm về 0%, đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các nước trong khu vực.

Do đó, doanh nghiệp Việt cần chủ động tham gia chương trình xúc tiến thương mại, giao dịch, quảng bá và giới thiệu sản phẩm tại hội chợ, triển lãm quy mô lớn ở các nước sở tại. Đây là cơ hội để doanh nghiệp tăng cường nắm bắt các hợp tác kinh doanh với đối tác phân phối, chế biến tại các nước.

Giá trị xuất khẩu 'báu vật' của Việt Nam tăng hơn 17%, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất

Báo động thế mạnh ‘tỷ đô’: Hàng bán hết qua Trung Quốc, DN phải đóng cửa nhà máy

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/xuat-khau-nong-san-tim-duong-song-khi-bi-dut-gay-chuoi-cung-ung-133712.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Xuất khẩu nông sản tìm “đường sống" khi bị đứt gãy chuỗi cung ứng
    POWERED BY ONECMS & INTECH