'Mận róc hạt Sa Pa' đang bán tràn lan khắp chợ với giá 25.000 đồng/kg có nguồn gốc từ đâu?'
Với đặc điểm dễ nhận biết như hạt tách rời khỏi phần thịt, vị chua chát nhẹ, ăn giòn, loại mận này đang tràn ngập thị trường với mức giá dao động từ 25.000 – 50.000 đồng/kg.
Mận hậu từ lâu đã được biết đến là một trong những đặc sản mùa hè nổi tiếng của vùng cao Tây Bắc, đặc biệt là Sa Pa (Lào Cai) và Mộc Châu (Sơn La). Với lớp vỏ mỏng, thịt dày, vị ngọt chua hài hòa, mận hậu được người tiêu dùng yêu thích và thường tiêu thụ mạnh vào khoảng từ tháng 6 đến đầu tháng 7.
Tuy nhiên, loại mận róc hạt đang được bán tràn lan lại có phần khác biệt. Không chỉ về hình dáng – quả nhỏ hơn, màu xanh pha tím hoặc xanh nhạt – mà còn về đặc điểm hạt dễ tách khỏi phần cùi, khiến người dùng thích thú khi ăn hoặc dùng để dầm với muối, đường và ớt.
Một tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khẳng định: “Đây là mận róc hạt Sa Pa chính gốc, giòn ngon, khách ăn là mê. Ngày nào cũng bán cả trăm cân”. Tuy nhiên, khi hỏi về nguồn gốc rõ ràng, chứng nhận hoặc nơi trồng cụ thể, hầu hết người bán đều né tránh hoặc trả lời chung chung.
![]() |
Mận róc hạt phổ biến trên thị trường hiện nay phần lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ảnh minh họa |
Theo nhiều người trong ngành kinh doanh trái cây, thực chất loại mận róc hạt đang phổ biến trên thị trường phần lớn là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là giống mận có đặc tính hạt róc, được trồng nhiều tại các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây sát biên giới Việt Nam.
Chị V.T.H, chủ một cửa hàng trái cây tại Hà Nội, cho biết: “Mận róc hạt đúng là có loại trồng tại Sa Pa, nhưng sản lượng rất ít, lại chỉ xuất hiện theo vụ, giá thường cao hơn hẳn. Loại đang bán đại trà ngoài thị trường hầu hết là hàng Trung Quốc, được nhập về qua đường tiểu ngạch hoặc chính ngạch rồi phân phối về các chợ”.
Thực tế, việc trà trộn mận Trung Quốc và gắn mác “mận Sa Pa” không phải là điều mới mẻ trong ngành kinh doanh nông sản. Do tâm lý chuộng hàng Việt và niềm tin vào chất lượng đặc sản vùng cao, nhiều tiểu thương đã lợi dụng để nâng giá, đánh tráo nguồn gốc nhằm bán dễ hơn.
Người tiêu dùng không dễ để phân biệt mận Sa Pa thật và hàng nhập khẩu nếu chỉ dựa vào cảm quan. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của một số nhà vườn, mận Sa Pa thường có màu vỏ sẫm, kích thước vừa phải, không quá đều nhau và thời điểm thu hoạch ngắn hơn. Trong khi đó, mận nhập từ Trung Quốc thường có hình thức đẹp đồng đều, quả to và có thể xuất hiện từ sớm đến muộn hơn vụ mận Việt.
Một cách khác để tránh mua nhầm là lựa chọn địa chỉ bán hàng uy tín, có thông tin truy xuất nguồn gốc rõ ràng, hoặc nếu có điều kiện, người mua có thể tìm đến các nhà vườn tại Sa Pa, Mộc Châu để tận mắt kiểm chứng.