Từ chối Pháp, dự án mở rộng đường sắt cao tốc huyết mạch được trao cho nhà thầu Trung Quốc
Thông qua những khoản đầu tư chiến lược như dự án đường sắt cao tốc, Maroc đang dần khẳng định vị thế là một trung tâm giao thông khu vực, kết nối châu Phi, châu Âu và thế giới.
Một công ty Trung Quốc đã vượt qua đối thủ đến từ Pháp để giành được phần thi công quan trọng trong dự án đường sắt cao tốc của Maroc. Cụ thể, China Overseas Engineering Corporation (Covec) đã thắng thầu dự án với mức giá cạnh tranh 135 triệu USD – theo trang tin chuyên ngành vận tải đường sắt Railway Supply.
Đề xuất của Covec thấp hơn 21% so với mức 174 triệu USD mà đối thủ Pháp là NGE Contracting đưa ra. Nhờ chiến lược giá này, Covec đã giành được hợp đồng xây dựng đoạn tuyến đi qua thành phố Casablanca, trung tâm kinh tế lớn nhất của Maroc.
Covec hiện là doanh nghiệp Trung Quốc thứ tư góp mặt trong dự án đường sắt cao tốc quy mô lớn của Maroc, cùng với các công ty CRCC, China Railway Engineering, và Shandong Hi-Speed Engineering-Construction. Các công ty này đang đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống giao thông hiện đại của đất nước này.
Hồ sơ dự thầu của Covec đã được Văn phòng Đường sắt Quốc gia Maroc (ONCF) phê duyệt. Đáng chú ý, mức giá trúng thầu của Covec thấp hơn 11 triệu USD so với ước tính ban đầu của ONCF (146 triệu USD). Quyết định này thể hiện cam kết của Maroc trong việc lựa chọn giải pháp hạ tầng hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

Đoạn tuyến tại Casablanca là một phần trong kế hoạch xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc kết nối các thành phố lớn như Tangier, Kenitra, Rabat và Marrakech. Tổng chiều dài của toàn tuyến lên đến 430km. Việc quản lý dự án hiện đang được thực hiện bởi các công ty kỹ thuật nổi tiếng gồm Egis và Systra (Pháp), phối hợp với Novec (Maroc).
Dự án bao gồm việc xây dựng tuyến đường sắt mới, nâng cấp các nhà ga hiện có, đồng thời xây thêm hai nhà ga lớn tại điểm đầu và cuối, cùng với một trung tâm bảo dưỡng tàu. Khi hoàn thành, tuyến đường sắt sẽ cho phép các đoàn tàu chạy với tốc độ tối đa lên tới 320km/h. Maroc đặt mục tiêu đưa tuyến đường này vào vận hành trước năm 2030.
Thông qua những khoản đầu tư chiến lược như dự án đường sắt cao tốc, Maroc đang dần khẳng định vị thế là một trung tâm giao thông khu vực, kết nối châu Phi, châu Âu và thế giới. Dự án không chỉ hiện đại hóa hạ tầng trong nước mà còn thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các đối tác quốc tế – trong đó có cả Trung Quốc và Pháp.
Tham khảo Railway Supply