Xuất khẩu thuỷ sản về đích sớm, xây dựng chiến lược "đường dài"

15-10-2022 21:27|Quang Bách

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý 3/2022 đạt 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến 10/10/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu đã bằng cả năm 2021.

Đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD

Theo các doanh nghiệp, hiện nay, giá tôm không còn sốt như hồi tháng 6 - 7, nhưng vẫn còn khá cao và kích thích người dân gia tăng sản lượng. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm đã chững lại do thiếu nguyên liệu và tình hình lạm phát ở châu Âu.

Tuy nhiên trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu tôm vẫn tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng này đang dẫn đầu về kim ngạch XK thủy sản với 3,4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khảu cá tra đạt 2 tỷ USD, tăng trưởng ấn tượng đến 82%, các loại thủy hải sản khác như cá ngừ, mực, bạch tuộc, nhuyễn thể… cũng đều tăng trưởng mạnh và đạt 3,2 tỷ USD.

VASEP nhận định tình hình xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu chững lại vào tháng 7, nhưng ngay sau đó đã phục hồi, nhất là thị trường các nước ASEAN láng giềng của Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng đột phá và liên tục trong những năm gần đây, tính đến nay, tỷ trọng của thị trường ASEAN đã gần tương đương với EU trong tổng xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Xuất khẩu cá tra sang thị trường này tính đến hết quý 3/2022 đạt trên 70 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng thị trường Thái Lan, Singapore hiện nay có 70 doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm cá tra xuất khẩu sang đây.

“Trong bối cảnh chi phí vận tải đường biển tăng mạnh, ngành hàng xuất khẩu cá tra lại có giá bán không cao so với các loài thủy hải sản khác, nên những thị trường có vị trí địa lý gần như các nước ASEAN là một sự lựa chọn phù hợp của một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, ASEAN có xu hướng chiếm lĩnh tỷ trọng xuất khẩu cá tra nhiều hơn, có thể vượt qua EU trong thời gian tới”, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho biết.

Trong khi đó, nhờ tận dụng tốt Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các thị trường khác như Canada, Brazil…cũng tăng cường nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Dự báo riêng kim ngạch xuất khẩu cá tra trong năm nay có thể đạt 2,6 tỉ USD. Sự trở lại của thị trường Trung Quốc trong thời gian gần đây cũng mang lại nhiều kết quả kinh doanh khả quan cho các doanh nghiệp.

Cần có chiến lược dài hơi

Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe nhận định: “Hiện nay nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng chiếm 70% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, nên doanh nghiệp đều có nhu cầu mở rộng các vùng nuôi tập trung để tăng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay các địa phương đang đô thị hóa, nên các biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất và những quy hoạch về sử dụng đất đang là thách thức lớn cho doanh nghiệp thủy sản và người nuôi thủy sản. Do vậy, VASEP cho rằng cần thúc đẩy nhanh việc sửa luật Đất đai, trong đó cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để ngành thủy sản phát triển được các vùng nuôi tập trung phù hợp”.

Về nhập khẩu, VASEP cho rằng các chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản cho sản xuất, xuất khẩu còn thiếu, các thủ tục cho nhập khẩu vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hiệp hội đề nghị Chính phủ ban hành quy định và chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu.

Việc này sẽ giúp cho Việt Nam tận dụng lợi thế về năng lực chế biến hiện đại, tay nghề công nhân và đạt được mục tiêu trở thành “nhà máy gia công” lớn của thủy sản thế giới. Một thách thức, khó khăn khác mà các doanh nghiệp thủy sản đang gặp phải là các thủ tục Chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều bất cập, khiến doanh nghiệp gặp vướng mắc khi sử dụng nguồn nguyên liệu khai thác có chứng nhận.

Đồng tình với kiến nghị trên, TS Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Công ty Sao Ta (FIMEX Việt Nam) phân tích: “Trên thế giới hiện nay có 6 nước nuôi tôm có sản lượng cao là Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan. Trong đó Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam là 3 nước có sản lượng tôm cao nhất. Về thị trường tiêu thụ tôm chính gồm Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, như vậy có sự cạnh tranh, có đan xen nhau, mặc dù khác nhau ở phân khúc sản phẩm.

Nếu phân tích về lợi thế, trình độ chế biến của VN là cao nhất. Ấn Độ mới cải thiện trong 5 - 7 năm gần đây trong khi Ecuador chỉ mới bắt đầu tăng cường đầu tư trong vòng 2 - 3 năm gần đây. Do vậy, giá tôm tiêu thụ trung bình của Việt Nam là cao nhất và Ecuador là thấp nhất.

Tuy nhiên, vấn đề của Việt Nam là diện tích nuôi trồng manh mún, chưa có nhiều trang trại nuôi đạt chuẩn ASC để nâng tầm con tôm Việt Nam. Chỉ có nuôi mức độ trang trại mới áp dụng được các tiêu chuẩn công nghệ cao và có cơ hội tăng năng suất, giảm thiểu rủi ro, giảm giá thành… Như vậy, cần có chính sách tích tụ đất đai và chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nuôi tôm, thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trong nuôi tôm…”.

Theo ông Hồ Quốc Lực, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đã tạo được vị thế quan trọng trong lĩnh vực cung ứng thủy sản cho thế giới, nhưng để chạy đua cho vị trí cao hơn nữa thì cần có những hoạch định đúng đắn và kịp thời, mọi sự chủ quan và chậm trễ đều có thể phải trả giá đắt.

Ngành thuỷ sản phát tín hiệu lạc quan, một cổ phiếu bốc đầu tăng 124% với lượng giao dịch đột biến gấp 10 lần

Chủ tịch VASEP: Xuất khẩu thuỷ sản 2024 có thể đạt 9,5 tỷ USD

IDI có thể được giảm 94% thuế khi xuất khẩu cá tra vào Mỹ

Bài thuộc chủ đề Thủy hải sản
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/xuat-khau-thuy-san-ve-dich-som-xay-dung-chien-luoc-duong-dai-153590.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Xuất khẩu thuỷ sản về đích sớm, xây dựng chiến lược "đường dài"
POWERED BY ONECMS & INTECH