Trong 2 tháng đầu năm 2023, vận tải hàng hóa bằng đường biển tiếp tục khởi sắc với khối lượng vận chuyển đạt 17,9 triệu tấn, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có hệ thống cảng biển tổng thể hiện đại, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của nền kinh tế. Ngày 8/7/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành hành Quyết định số 804/QĐ-TTg công bố danh mục cảng biển Việt Nam. Theo Quyết định này, danh mục cảng biển Việt Nam bao gồm 34 cảng biển, trong đó có 2 cảng đặc loại biệt, 11 cảng biển loại I, 7 cảng biển loại II và 14 cảng biển loại III.
Đặc biệt, năng lực thông qua hàng hóa ngày càng tăng, tiếp nhận tàu có trọng tải lớn ngày càng nhiều. Các cảng biển Việt Nam tại Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu lọt vào danh sách 50 cảng biển có lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất thế giới. Các bến cảng cửa ngõ như Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho phép tiếp nhận các tàu container lớn nhất thế giới hiện nay, lên đến trên 200.000 DWT.
Tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển thông qua cảng biển Việt Nam năm 2022 ước đạt 733,18 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt 179,07 triệu tấn, giảm 3%; hàng nhập khẩu đạt 209,26 tấn, giảm 2%; hàng nội địa đạt 342,79 tấn, tăng 12% so với năm 2021. Đặc biệt, khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2022 ước đạt 25,09 triệu TEUs, tăng 5% so với năm 2021.
Các tuyến vận tải đi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á và một số tuyến châu Âu tăng trưởng cao cùng với việc giá cước vận tải biển tăng cao trong năm 2022 đã giúp nhiều doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận tăng cao.
Hệ thống cảng biển Việt Nam đã được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng (cầu bến, phao neo, trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa) đầy đủ chức năng, quy mô và được phân bố trải rộng theo vùng miền, đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.
Năm 2022, các doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định, xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc nên nhu cầu vận tải hàng hóa trong và ngoài nước tăng cao so với các năm trước. Khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển năm 2022 ước tính đạt 108,9 triệu tấn, tăng 27,9% so với năm 2021; luân chuyển hàng hóa đạt 235,9 tỷ tấn/km, tăng 37,7%.
Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển giai đoạn 2015-2022.(Đơn vị: Nghìn tấn) |
Trong 2 tháng đầu năm 2023, vận tải hàng hóa bằng đường biển tiếp tục khởi sắc với khối lượng vận chuyển đạt 17,9 triệu tấn, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2022; luân chuyển đạt 34,3 tỷ tấn.km, tăng 13,7%. Vận tải hàng hóa đường biển mặc dù chiếm tỷ trọng không nhiều trong cơ cấu vận chuyển phân theo các ngành đường nhưng luân chuyển chiếm tỷ trọng khá cao. Năm 2022, vận chuyển hàng hóa bằng đường biển chỉ chiếm 5,4% tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển nhưng chiếm đến 53,4% khối lượng hàng hóa luân chuyển.
Sau một thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, vận tải hành khách đường biển từng bước được phục hồi, phục vụ một phần cho nhu cầu di chuyển trên biển của nhiều người. Năm 2022, khối lượng hành khách vận chuyển bằng đường biển ước tính đạt 7,6 triệu hành khách, tăng 56,7% so với năm 2021; luân chuyển hành khách đạt 415,3 triệu hành khách.km, tăng 72,7%.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, vận tải hành khách bằng đường biển tiếp tục phục hồi với khối lượng vận chuyển đạt 3,7 triệu lượt hành khách, tăng 131,5% so với cùng kỳ năm 2022; luân chuyển đạt 147,8 triệu hành khách.km, tăng 94,7%. Tuy nhiên, vận tải hành khách đường biển chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chưa đến 1% trong cơ cấu vận chuyển và luân chuyển phân theo các ngành đường.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong các năm 2021-2022 nhưng ngành vận tải biển toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục đối mặt với một số khó khăn trong năm 2023 do suy thoái kinh tế.
Nhu cầu vận tải biển giảm mạnh ở nhiều thị trường tiêu thụ lớn, một phần do sức mua giảm sút vì lạm phát và kinh tế phục hồi chậm, thêm vào đó giá cước đang giảm do hai năm qua, lợi nhuận tăng cao nêncác doanh nghiệp vận tải biển đẩy mạnh việc đóng thêm tàu.
Chỉ số giá vận tải biển thế giới hiện đã giảm về mức trung bình giai đoạn 2011-2020, các công ty có doanh thu chính từ cung cấp dịch vụ vận tải biển nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn hơn và mức biên lợi nhuận thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước đó. Giai đoạn các doanh nghiệp khai thác vận tải biển hưởng lợi nhờ nhu cầu hàng hóa trên thế giới tăng mạnh trong thời gian dịch Covid-19 được nhìn nhận đã trôi qua.