'Xuyên không' thăm ngôi nhà cổ 300 năm tuổi kiến trúc độc đáo ở ngoại ô Hà Nội

02-03-2024 08:20|Linh Trang

Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 55km, làng cổ Đường Lâm là điểm đến thu hút du khách mỗi dịp Tết Nguyên đán. Tại đây còn lưu giữ những ngôi nhà cổ vài trăm năm tuổi, mang đậm nét văn hóa của làng quê Bắc Bộ, có giá trị văn hóa lớn.

W-nha-co-duogn-lam-14-1.jpg

Một trong những nét độc đáo không thể bỏ qua tại làng cổ Đường Lâm là các ngôi nhà gỗ với tường đá ong vài trăm năm tuổi, nhuốm màu thời gian, mang kiến trúc đặc trưng của làng quê Bắc bộ.

Ngôi nhà của nhà văn Hà Nguyên Huyến ở làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) là di tích được xếp hạng nhà cổ dân sinh loại một, có tuổi đời gần 300 năm, là một trong những nhà cổ du khách rất yêu thích. Ông Huyến cho biết, ngôi nhà xây từ năm 1746.

W-nha-co-duogn-lam-15-1.jpg

Ngôi nhà chính gồm 5 gian 2 chái, thiết kế theo lối nội tự ngoại khách (phía trong thời tự, phía ngoài tiếp đón khách). Nhà xây trên mảnh đất 400m2 trong đó khoảng sân rộng 100m2. Nhà ngang là nơi dành cho sinh hoạt đời sống, ăn uống thường ngày.

>> Đã có NĐT đạt 22% chỉ sau 1 tuần, Pinetree mở đăng kí vòng 2 Chứng trường Bạc tỷ

Những ngôi nhà cổ tại làng thường được xây cất bằng các loại vật liệu truyền thống của xứ Đoài như: đá ong, tre, gỗ xoan, nứa, gạch đất nung, đất nện, trấu, bùn, mùn cưa, vôi, cát, sỉ, rơm rạ. Nhà nào có kinh tế khá giả thì dùng chất liệu gỗ tứ thiết (đinh, lim, sến, táu).

W-nha-co-duong-lam.jpg

Ông Huyến cho biết, nhà của gia đình ông xây dựng từ nhiều loại gỗ khác nhau, có cả gỗ quý nhưng đa phần là gỗ xoan. Đây là loại gỗ xoan già, ngâm bùn hàng năm dưới ao rồi mới phơi khô, bào và sử dụng. “Gỗ xoan không mối mọt, làm nhà mát, bền vững và giá thành rẻ. Đợt trùng tu nhà, chỉ những phần hỏng nặng tôi mới thay thế còn cố gắng giữ gìn đúng kiến trúc của ông cha”, ông Huyến chia sẻ.

Nhiều vật dụng nhỏ như điếu bát, ấm chén sứ, đèn dầu... trong nhà được bảo quản và lưu giữ qua nhiều thế hệ.

Sân nhà trước đây có giếng đá ong, một nét kiến trúc tiêu biểu của nhà cổ Đường Lâm. Nước giếng rất trong, sạch, được người dân dùng sinh hoạt hàng ngày. Ngày nay, các gia đình chủ yếu dùng nước máy nên giếng đá ong thường bị lấp đi.

Khu vực sân, gia đình ông Huyến dành để giữ nghề làm tương truyền thống.

W-nha-co-duogn-lam-25-1.jpg

Ngôi nhà hiện nay có đầy đủ các thiết bị hiện đại phục vụ cuộc sống như điều hòa, tủ lạnh, máy giặt… tuy nhiên tất cả được lắp đặt khéo léo để “giấu” khỏi mắt du khách.


Ông Huyến chia sẻ, ngôi nhà cổ có giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần rất lớn đối với ông và con, cháu của dòng họ. Dòng họ Hà là một trong những dòng họ lớn, nổi tiếng hiếu học tại làng Đường Lâm. Bản thân ông Huyến là một nhà văn, nhà báo, am hiểu thư pháp. Vợ ông là họa sĩ. Ông bà rất trân trọng việc bảo tồn và gìn giữ ngôi nhà cổ.

Hiện nay, lượng khách du lịch đến Đường Lâm khá đông. Du khách trong nước và quốc tế có thể tham quan tìm hiểu văn hóa vùng miền, trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống, các hoạt động sản xuất nông nghiệp địa phương…

Trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2024, tổ chức tại Lào, sản phẩm Du lịch nông thôn bền vững - Trải nghiệm ẩm thực truyền thống Bắc Bộ tại Làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) được nhận giải thưởng sản phẩm du lịch bền vững ASEAN năm 2024.

Những món ngon rất kỳ công mà người dân nơi đây chỉ dành thết đãi khách quý như thịt quay đòn, chè kho… cùng một số nghề truyền thống như nghề làm tương, làm kẹo lạc, kẹo vừng, làm bánh gai, bánh tẻ cũng sẽ được khôi phục.

>> Bên trong ngôi nhà cổ 130 tuổi đặc biệt nhất Hà Nội

Thủ đô Hà Nội sắp có một tuyến du lịch mới

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/xuyen-khong-tham-ngoi-nha-co-300-nam-tuoi-kien-truc-doc-dao-o-ngoai-o-ha-noi-2247379.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Xuyên không' thăm ngôi nhà cổ 300 năm tuổi kiến trúc độc đáo ở ngoại ô Hà Nội
    POWERED BY ONECMS & INTECH