Chứng khoán

Zalopay - 'Cỗ máy đốt tiền' của kỳ lân công nghệ VNG

Hải Băng 06/09/2024 - 19:13

Dù sở hữu "gà đẻ trứng vàng" là mảng game online, VNG đang bị vướng vào cuộc đua "đốt tiền" tại thị trường ví điện tử khiến lợi nhuận âm 11 quý liên tiếp.

CTCP VNG (UPCoM: VNZ) công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024 đã kiểm toán với doanh thu thuần đạt 4.314 tỷ đồng, lỗ sau thuế 585,8 tỷ đồng, cách xa mục tiêu đề ra cho cả năm 2024 với doanh thu 11.069 tỷ đồng và lãi sau thuế 195 tỷ đồng.

Mặc dù có lợi nhuận gộp 1.511 tỷ đồng, VNG phải đối mặt với hai khoản chi phí lớn: chi phí bán hàng 1.040 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp 634 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cho nhân viên chiếm 563 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Tính đến ngày 30/6, VNG có 3.538 nhân sự, giảm 51 người so với đầu năm, với mức thu nhập trung bình của mỗi nhân sự là 26,5 triệu đồng/tháng.

Kỳ lân công nghệ này đã trải qua 11 quý kinh doanh thua lỗ, khiến vốn chủ sở hữu "bốc hơi" 2.937 tỷ đồng, chỉ còn lại 1.680 tỷ đồng.

Zalopay - 'Cỗ máy đốt tiền' của kỳ lân công nghệ VNG
VNG thua lỗ 11 quý liên tiếp

8 năm cho một cuộc đua "đốt tiền"

Tiền thân của VNG là VinaGame, được thành lập vào năm 2004 bởi ông Lê Hồng Minh. Công ty thành công nhờ mảng game online với nhiều tựa game đình đám như Võ Lâm Truyền Kỳ, Gunny, Liên Minh Huyền Thoại, và PUBG...

Lợi nhuận của doanh nghiệp đạt đỉnh vào năm 2017 với 938 tỷ đồng, sau đó bắt đầu suy giảm. Cùng thời gian này, VNG bước vào thị trường thanh toán trực tuyến với việc ra mắt ZaloPay vào tháng 12/2016, do công ty con Zion phụ trách.

Zion đã trở thành một "cỗ máy đốt tiền" khi liên tiếp thua lỗ. Báo cáo tài chính của VNG cho thấy khoản lỗ trước thuế của Zion trong 6 tháng đầu năm 2024 là 232 tỷ đồng, và mức thua lỗ đỉnh điểm lên tới 1.310 tỷ đồng vào năm 2022. Sau 8 năm hoạt động, Zion đã lỗ tổng cộng 4.760 tỷ đồng, khiến mảng game – vốn được xem là "gà đẻ trứng vàng" cũng khó bù đắp.

Zalopay - 'Cỗ máy đốt tiền' của kỳ lân công nghệ VNG
Nguồn: Tổng hợp

Cuộc chiến ví điện tử trở nên khốc liệt, ZaloPay đang ở đâu? ZaloPay được hậu thuẫn mạnh mẽ không chỉ bởi nguồn tài chính dồi dào từ VNG, mà còn nhờ lượng khách hàng tiềm năng từ Zalo – ứng dụng nhắn tin và gọi điện phổ biến do VNG phát triển. Tính đến tháng 6/2024, Zalo là ứng dụng nhắn tin số 1 tại Việt Nam với 77 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và 1,9 tỷ tin nhắn được gửi đi mỗi ngày. Điều này giúp ZaloPay lọt vào nhóm ví điện tử có lượng tài khoản lớn nhất tại Việt Nam, cùng với MoMo, ShopeePay và VNPAY.

Tuy nhiên, xét về hiệu quả doanh thu từ bán hàng và dịch vụ, ZaloPay vẫn thua kém đáng kể so với ba đối thủ còn lại. Về ưu điểm, VNPAY có 40 triệu tài khoản và độ phủ sóng rộng với hơn 350.000 điểm chấp nhận thanh toán. MoMo chiếm ưu thế nhờ tính năng hỗ trợ quản lý tài chính hiệu quả, giao diện năng động và các tiện ích mới mẻ, thu hút 31 triệu người dùng cùng 140.000 điểm chấp nhận thanh toán. ShopeePay thì hưởng lợi từ lượng khách hàng khổng lồ và tần suất giao dịch cao từ Shopee.

Zalopay - 'Cỗ máy đốt tiền' của kỳ lân công nghệ VNG
Doanh thu bán hàng, dịch vụ của ZaloPay rất thấp mặc dù có lượng người dùng lớn (Vietdata tổng hợp)

Tạm gác lại "giấc mơ" Mỹ

Vào năm 2014, VNG trở thành kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam khi được World Startup Report định giá 1 tỷ USD. Đến năm 2019, VNG tiếp tục được quỹ đầu tư Temasek định giá 2,2 tỷ USD (tương đương 1,8 triệu đồng/cp). Năm 2021, VNG vẫn giữ mức định giá cao khi Công ty quản lý quỹ Mirae Asset mua cổ phần với giá 1,7 triệu đồng/cp.

Đầu năm 2023, VNG gây chú ý trên sàn UPCoM với mức giá cổ phiếu đạt đỉnh 1.562.500 đồng/cp, cao nhất toàn thị trường. Tuy nhiên, đến phiên ngày 6/9, cổ phiếu của VNG chỉ còn 480.000 đồng/cp, với vốn hóa đạt 13.793 tỷ đồng.

VNG đã nhiều lần ấp ủ kế hoạch IPO tại Mỹ. Năm 2017, công ty đã đạt được biên bản thỏa thuận để niêm yết trên sàn Nasdaq. Đến tháng 8/2021, có thông tin cho rằng VNG đang cân nhắc IPO thông qua một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC), với mức định giá khoảng 2-3 tỷ USD. SPAC cũng là hình thức mà VinFast đã sử dụng để đưa cổ phiếu lên sàn Nasdaq, bằng cách sáp nhập vào một công ty đã đủ điều kiện niêm yết.

Vào tháng 8/2023, VNG Limited (công ty mẹ của VNZ) đã nộp hồ sơ đăng ký IPO lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ và dự kiến niêm yết cổ phiếu phổ thông loại A trên sàn Nasdaq với mã giao dịch “VNG”. Tuy nhiên, đến tháng 9/2023, VNG đã hoãn kế hoạch này do chưa thấy thị trường đủ sẵn sàng. Ngày 22/1/2024, SEC thông báo rằng VNG Limited quyết định không IPO vào thời điểm này, và dự định sẽ quay lại trong tương lai.

Sau những sự kiện trên, CEO Lê Hồng Minh cho biết, thời điểm hiện tại chưa thích hợp và công ty không cần phải IPO bằng mọi giá.

>> 'Cha đẻ' của Zalo mất gần 2.900 tỷ đồng sau 11 quý liên tục thua lỗ

Người nhà Chủ tịch Trần Đình Long thoái toàn bộ cổ phần tại Hòa Phát (HPG)

TTC Hospitality (VNG) bị xử phạt vì cung cấp trò chơi điện tử có thưởng sai quy định

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/zalopay-co-may-dot-tien-cua-ky-lan-cong-nghe-vng-247926.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Zalopay - 'Cỗ máy đốt tiền' của kỳ lân công nghệ VNG
POWERED BY ONECMS & INTECH