1 món ngon quen thuộc dịp Tết, nhưng dễ khiến đường huyết, huyết áp tăng đột biến, chị em nội trợ nên nắm rõ để tránh ảnh hưởng sức khoẻ
Tiểu đường, tăng huyết áp là bệnh phổ biến và là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến bệnh lý của tim và các mạch máu.
Tết cổ truyền là dịp để các thành viên gia đình cùng nhau sum họp, quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Bởi vậy, bữa ăn thường thịnh soạn hơn, đặc biệt trở thành văn hóa ẩm thực Việt. Bên cạnh những món có vị chua do trộn bằng giấm thường rất phổ biến, thậm chí còn là lựa chọn tốt cho người bệnh tiểu đường thì những thực phẩm khác được lên men, tạo vị chua bằng muối hoặc mắm, đường… lại là thủ phạm tiềm ẩn, đem tới nguy cơ gia tăng đường huyết và huyết áp, không tốt cho cơ thể con người. Trong đó, củ kiệu thường được biết đến với vị chua chua cay cay, thường ăn kèm với bánh chưng trong ngày Tết, cũng là một nhân tố như vậy.
Những loại thực phẩm được ngâm bằng muối, mắm, đường như củ kiệu… thường chứa nhiều natri và đường, có thể tăng nguy cơ bệnh tim mạch và cao huyết áp. Việc kiểm soát lượng muối trong khẩu phần ăn là quan trọng và người bệnh tiểu đường nên ăn dưa muối với lượng vừa phải để tránh tình trạng natri quá mức, cũng như đường huyết tăng vọt.
Những điều người tiểu đường và cao huyết áp cần chú ý khi ăn Tết
Tránh thực phẩm chứa lượng đường cao
Để tránh làm cho lượng đường trong máu tăng cao, người bệnh cần phải có chế độ ăn uống phù hợp. Trong đó cần chú ý tránh thực phẩm chứa lượng đường cao.
Cần hạn chế tối đa các loại thức ăn có hàm lượng đường cao như: bánh chưng, các loại bánh, mứt, kẹo, nước ngọt, các loại trái cây ngọt nhiều (mít khô, vải khô, nhãn khô...)… vì khi ăn vào làm tăng nhanh đường huyết.
Chọn thực phẩm giúp kiểm soát đường huyết
Người bệnh đái tháo đường nên sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như: Ngũ cốc nguyên hạt, các loại rau không chứa tinh bột, cà chua, cà rốt…Các loại trái cây như: táo, chuối, bưởi, mận, lê, kiwi, ổi…
Các loại rau xanh, trái cây tươi và ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều vitamin, khoáng chất, đặc biệt giàu chất xơ. Ngoài công dụng hỗ trợ tiêu hóa, chất xơ còn có tác dụng điều hòa lượng đường trong máu, từ đó giúp kiểm soát tốt đường huyết ở người bệnh đái tháo đường.
Ăn đúng giờ, không bỏ bữa
Trong những ngày Tết, giờ giấc sinh hoạt và ăn uống thường bị đảo lộn. Để đảm bảo sức khỏe, người bệnh đái tháo đường cần giữ chế độ ăn uống điều độ, đúng giờ để tránh không làm tăng đường huyết sau bữa ăn và hạ đường huyết lúc xa bữa ăn.
Nên chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày. Nên chọn món ăn có thịt nạc, cá, chọn món hấp, luộc. Nên ăn rau trước khi ăn cơm và các thức ăn khác để giảm tốc độ hấp thụ đường.
Người bệnh cần lưu ý, không được bỏ bữa vì mệt mỏi hoặc do các lý do khác. Bỏ bữa hoặc ăn kiêng sẽ dẫn đến nguy cơ hạ đường huyết cũng rất nguy hiểm.
Hạn chế chất kích thích và đồ uống có cồn
Người bị tăng huyết áp không nên dùng những chất kích thích như bia, rượu, khói thuốc lá, cà phê. Trong khói thuốc có chất nicotin kích thích hệ thần kinh giao cảm, làm co mạch và gây tăng huyết áp. Còn bia, rượu có thể làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc hạ huyết áp và kéo theo nguy cơ khác như xơ gan, tổn thương hệ thần kinh nếu sử dụng nhiều.