1 năm sau thông xe 2 tuyến cao tốc: Cung đường rút ngắn, khách du lịch tăng
Sau 1 năm đưa vào khai thác đúng dịp Quốc khánh 2/9, 2 tuyến cao tốc quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu đã kéo gần khoảng cách Hà Nội đi Thanh Hóa, Nghệ An.
Thông xe cao tốc quốc lộ 45 - Nghi Sơn: Khách du lịch tăng vọt
Sau khi tuyến cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn được đưa vào khai thác, du lịch biển Sầm Sơn năm nay đã đón lượng khách “khủng”.
Là một trong số hàng triệu du khách chọn Sầm Sơn du lịch vào mùa hè năm nay, anh Vinh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vui mừng kể lý do mong muốn đưa bố mẹ hơn 80 tuổi đi nghỉ ở nơi được tắm biển nhưng 3 năm qua chưa thực hiện được.
Theo anh Vinh, 3 năm trước bố anh phải vào viện mổ thoát vị cột sống, sức khỏe giảm sút, ông không thể ngồi ô tô quá lâu. Kể từ đó, cuộc sống của ông chỉ loanh quanh trong 4 bức tường dù trước đó ông vốn là người ưa luyện tập thể thao.
“Hè năm nay, sau khi cao tốc quốc lộ 45 - Nghi Sơn đã được đưa vào khai thác từ tháng 9/2023 nên tôi quyết định tổ chức cả gia đình gồm bố mẹ cùng gia đình 4 anh em đi nghỉ ở Sầm Sơn.
Thú thực ban đầu cũng hơi run, vì mọi sinh hoạt của bố tôi hầu hết ở trên giường, hiếm hoi ông mới di chuyển thì cũng phải chống gậy. Rất may, cả hành trình hơn 100km với 3 giờ ngồi ô tô đã không quá sức với ông”, anh Vinh kể lại.
Cao tốc quốc lộ 45 - Nghi Sơn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua tỉnh Thanh Hóa được thông xe kỹ thuật vào đúng dịp 2/9/2023.
Với chiều dài 43km, trong đó có hai nút giao liên thông gồm Vạn Thiện kết nối với quốc lộ 45 và đường Nghi Sơn - Thọ Xuân. Nút giao Nghi Sơn kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Nghi Sơn - Bãi Trành và đường vào nhà máy xi măng Công Thanh đã tạo thuận lợi cho người dân khi lưu thông trên tuyến.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn từng đánh giá, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và các tỉnh có dự án đi qua nói riêng. Tuyến đường hoàn thành đã rút ngắn thời gian đi lại từ Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An và các tỉnh trên cả nước.
Thông qua việc kết nối với hệ thống đường giao thông địa phương bằng các nút giao, dự án tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương có bước phát triển mới về kinh tế - xã hội. Đoạn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa có 7 nút giao liên thông, là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, trong 6 tháng đầu năm 2024, các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh đã đón gần 9,8 triệu lượt khách, tăng 16,1% so với cùng kỳ 2023. Tổng thu du lịch của địa phương này trong 6 tháng đầu năm ước đạt 19.848,5 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ 2023.
Cao điểm trong tháng 8, Thanh Hóa ước đón 1,12 triệu lượt khách, tăng 21,5% so với cùng kỳ, tổng thu du lịch ước đạt 2.872 tỷ đồng, tăng 32,2%.
Thu ngân sách Nhà nước tháng 8 của Thanh Hóa ước đạt 4.065 tỷ đồng, tăng 63,1% so với cùng kỳ, lũy kế 8 tháng năm 2024, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 37.939 tỷ đồng, vượt 6,7% so với dự toán và tăng 43% so với cùng kỳ.
Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu: Rút ngắn thời gian từ Hà Nội - Thanh Hóa - Nghệ An
Cũng được đưa vào khai thác đúng dịp 2/9/2023, tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu có chiều dài 50km, trong đó có ba nút giao liên thông gồm: Quỳnh Vinh kết nối với Quốc lộ 48D; Quỳnh Mỹ kết nối với Quốc lộ 48B; Diễn Cát kết nối với Quốc lộ 7 (cách điểm cuối tuyến khoảng 300m).
Cao tốc được xây dựng 4 làn xe, nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h, không có làn dừng khẩn cấp. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có 6 làn xe, nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 100-120km/h.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đánh giá, việc đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng đã tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp của các địa phương.
Tuyến đường được đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian kết nối tỉnh Nghệ An với Thủ đô Hà Nội từ 5 giờ xuống 3,5 giờ. Trong đó, rút ngắn thời gian tuyến Thanh Hóa - Nghệ An từ 3 giờ (đi Quốc lộ 1) còn 1,5 giờ. Đi từ Hà Nội đến Diễn Châu (Nghệ An) chỉ mất 3,5 giờ, thay vì khoảng 5 giờ như trước.
Chưa hết, việc đưa vào khai thác tuyến đường đã giúp kết nối với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đáp ứng năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn, góp phần quan trọng giúp địa phương mở ra không gian phát triển mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, thu hút đầu tư và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Trong đó, không thể không nhắc tới hoạt động du lịch ở Cửa Lò. Theo thống kê, Cửa Lò có hơn 300 khách sạn và cơ sở lưu trú với tổng cộng khoảng 11.000 phòng, trong đó có 20 khách sạn hạng 3 sao trở lên.
Với việc đưa cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu vào khai thác, trong mùa du lịch năm 2024, tỉnh Nghệ An đón khoảng 4,15 triệu lượt khách. Doanh thu từ dịch vụ du lịch dự kiến đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023.
Thực tiễn chứng minh, đường bộ cao tốc được hình thành đã và đang tạo động lực quan trọng giúp các địa phương mở ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội trên địa bàn; giúp hình thành nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch và là một trong những sản phẩm thu hút đầu tư hấp dẫn.
>> Chốt số lượng và địa điểm xây dựng trạm dừng nghỉ cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn