10 quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, châu Á có đến 4 đại diện
Thương mại toàn cầu đang chứng kiến sự phân hóa rõ rệt khi các quốc gia hàng đầu chiếm hơn một nửa tổng giá trị nhập khẩu.
Từ năm 1995, giá trị thương mại toàn cầu đã tăng gần gấp 5 lần, chỉ thấp hơn một chút so với đỉnh điểm được ghi nhận vào năm 2022.
Hiện nay, 10 quốc gia hàng đầu chiếm tổng giá trị nhập khẩu lên tới 12,4 nghìn tỷ USD - tương đương hơn một nửa tổng giá trị thương mại toàn cầu.
Từ Mỹ đến Ấn Độ, những quốc gia này đều có nền kinh tế vững mạnh và thị trường tiêu dùng lớn. Các yếu tố như đầu tư kinh doanh, thu nhập khả dụng và tỷ giá hối đoái cũng góp phần quan trọng trong việc định hình xu hướng nhập khẩu.
Dựa trên dữ liệu từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dưới đây là top 10 quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới.
Năm 2023, Mỹ đã nhập khẩu 3,2 nghìn tỷ USD hàng hóa - trở thành nước nhập khẩu lớn nhất trên toàn cầu.
Với quy mô tiêu dùng lớn và nền kinh tế tiên tiến, Mỹ dẫn đầu thế giới trong việc nhập khẩu nhiều nhóm hàng hóa, bao gồm ô tô, điện tử, máy móc công nghiệp và dược phẩm.
Mexico, đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, cung cấp một phần lớn các sản phẩm này trong khi Canada đóng vai trò quan trọng trong việc xuất khẩu dầu thô, khí đốt tự nhiên và các nguồn tài nguyên khác.
Gần đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã công bố kế hoạch áp mức thuế 25% lên hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada thông qua sắc lệnh hành pháp ngay trong ngày đầu nhậm chức. Nếu chính sách này được thực hiện, chi phí cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở cả 2 bên biên giới sẽ tăng lên đáng kể.
Trong khi đó, Trung Quốc xếp hạng 2 thế giới với khối lượng nhập khẩu dầu thô lớn nhất, chủ yếu từ Saudi Arabia, Nga và Iraq.
Tuy nhiên, không giống như Mỹ, Trung Quốc có thặng dư thương mại hàng hóa lớn đáng kể, với giá trị xuất khẩu vượt nhập khẩu hơn 1,3 nghìn tỷ USD. Điều này là nhờ vào chi phí sản xuất thấp, giá lao động cạnh tranh và tỷ lệ tiết kiệm nội địa cao.
Trong bối cảnh nhu cầu suy yếu và sự gián đoạn chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu vào năm ngoái, nhiều quốc gia đứng đầu đã chứng kiến giá trị nhập khẩu hàng năm giảm.
Thêm vào đó, nếu các mức thuế quan mà ông Trump đề xuất được đẩy mạnh, thương mại toàn cầu có thể tiếp tục thu hẹp khi các mối quan hệ kinh tế trở nên căng thẳng hơn.
>> 10 quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, đứng đầu là một đại diện châu Á
Quốc gia Đông Nam Á được ‘chọn mặt gửi vàng’ để mở nhà máy vaccine trị giá 595 triệu USD
Quốc gia châu Á khiến các quỹ đầu tư 'phát sốt', đổ xô tới săn món hời trên thị trường BĐS