Khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc vẫn ở mức cao kỷ lục, nước này lại sắp đón nhận thêm 11,6 triệu cử nhân tốt nghiệp vào mùa hè này.
Trong bài xã luận đăng trên trang nhất của People's Daily, cơ quan ngôn luận thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình chia sẻ “vô số trường hợp thành công trong cuộc đời cho thấy khi ta chịu khổ thời trẻ, thành quả sẽ đến sau này".
Cũng trong bài viết này, ông Tập nhắc đến cụm từ “chịu khó chịu khổ” tới 5 lần. Thông qua việc chia sẻ trải nghiệm của bản thân khi làm việc ở vùng nông thôn trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, ông kỳ vọng giới trẻ nước này cũng sẽ “tự tìm đến nơi gian khó”.
Đây cũng không phải lần đầu tiên Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc đến việc thanh niên cần chấp nhận gian khổ, chủ động điều chỉnh tâm thế, rèn luyện ý chí trong hoàn cảnh khó khăn.
Trước đó, trong Diễn đàn đại biểu thanh niên ưu tú tại Bắc Kinh năm 2013, ông cho biết: "khi còn trẻ, chúng ta trải qua mài giũa, chông gai, khảo nghiệm, thì con đường sau này mới thuận lợi".
Gần 10 năm sau đó, ông tiếp tục nhắc lại điều này, “thế hệ thanh niên cần kế thừa và phát huy tinh thần chịu khó chịu khổ, tự lực cánh sinh, từ bỏ thói đỏng đảnh".
Ông Tập Cận Bình (ngoài cùng bên phải) trong chuyến công tác nông thôn năm 1988. |
Tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục
Khi nền kinh tế đang đối mặt với sự phục hồi không đồng đều sau đại dịch Covid-19, thất nghiệp cũng là một trong những “cơn gió ngược” mà nước này đang phải đối mặt.
Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong tháng 4, với 20,4% ứng cử viên từ 16 - 24 tuổi không tìm được việc làm. Đáng chú ý, gần 11,6 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp vào tháng 6 này, đối mặt với một thị trường lao động ngày càng cạnh tranh.
Vấn đề thanh niên trình độ cao thất nghiệp đã trở nên nghiêm trọng đến mức nhiều người bắt đầu thấy mình giống như Khổng Ất Kỷ, một nhân vật hư cấu trong truyện ngắn của Lỗ Tấn. Khổng Ất Kỷ là một học giả lỗi thời trở thành ăn xin, bị tầng lớp bình dân biến thành trò cười vì lúc nào cũng tỏ ra nghiêm nghị.
Thanh niên Trung Quốc chen chúc tại một hội chợ việc làm. |
Truyền thông nhà nước đã chỉ trích lối suy nghĩ trên, cho rằng thanh niên đang theo lối sống buông thả. Hồi tháng 3, một bài bình luận trên phương tiện truyền thông quốc gia cho rằng thanh niên Trung Quốc không muốn làm những công việc dưới mức mong đợi của họ.
Đầu tháng 5 vừa qua, chính quyền tỉnh Quảng Đông, hiện là tỉnh giàu nhất Trung Quốc trong hơn 30 năm qua, đã lên một kế hoạch gây tranh cãi nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp: gửi 300.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, thanh niên đến các làng nông thôn trong 2-3 năm để tìm việc làm và hồi sinh nền kinh tế địa phương.
Chiến dịch này cùng với nỗi thất vọng của sinh viên với khả năng tìm kiếm việc làm ở thành phố sau nhiều năm đèn sách làm dấy lên một cuộc thảo luận trên các mạng xã hội.
Hiện chưa rõ chiến dịch đưa thanh niên về quê lao động tay chân có hiệu quả hay không nhưng động thái này vẫn đang gây ra khá nhiều tranh cãi trong giới trẻ.