Vĩ mô

12.000 địa chỉ nhà, đất công của TPHCM với khối lượng hồ sơ khổng lồ đang chờ số hóa

Ngô Tùng 24/10/2024 - 16:44

Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Nguyễn Hoàng Hải cho biết hiện nay toàn thành phố có hơn 12.000 địa chỉ nhà, đất là tài sản công do sở quản lý với khối lượng tài liệu, hồ sơ “khổng lồ” dài 300 m.

Hồ sơ khổng lồ dài 300 m

Sáng 24/10, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM Phạm Thành Kiên chủ trì buổi giám sát việc triển khai, thực hiện chủ đề năm 2024 của thành phố về công tác chuyển đổi số và Nghị quyết 98 của Quốc hội đối với Sở Tài chính, Sở Công Thương, Cục Thuế và Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM.

Tại buổi làm việc, bà Trương Lê Mỹ Ngọc - Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM - cho rằng tiến độ thực hiện đề án quản lý tài sản công khá chậm. Theo bà Ngọc, việc chưa quản lý và quản lý chưa đầy đủ cũng như chưa sử dụng hiệu quả tài sản công dẫn đến lãng phí. Do đó, Sở Tài chính cần có đánh giá việc hiệu quả quản lý tài sản công trên địa bàn thành phố hiện nay, đặc biệt ở các đơn vị sự nghiệp công lập. Cùng với đó, sở cũng quan tâm thêm công tác chuyển đổi số trong việc cập nhật và quản lý nguồn lực tài sản công.

12.000 địa chỉ nhà, đất công của TPHCM với khối lượng hồ sơ khổng lồ đang chờ số hóa ảnh 1
Bà Trương Lê Mỹ Ngọc nêu vấn đề tại buổi làm việc. Ảnh: Ngô Tùng.
12.000 địa chỉ nhà, đất công của TPHCM với khối lượng hồ sơ khổng lồ đang chờ số hóa ảnh 2
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Lê Trương Hải Hiếu trao đổi thêm về đề án quản lý, số hóa tài sản công trên địa bàn TPHCM.

Trao đổi thêm, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sáchHĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu cho biết đề án quản lý, số hóa công sản đã được nhiều địa phương triển khai và có sản phẩm rất hiệu quả. Trong khi đó, tới giờ này Sở Tài chính TPHCM vẫn còn loay hoay, hiện chỉ mới xong đề án, còn sản phẩm cụ thể vẫn chưa có.

Trao đổi về nội dung này, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Nguyễn Hoàng Hải cho biết sở ý thức cao về tài sản công hiện nay. Hiện nay toàn thành phố có hơn 12.000 địa chỉ nhà, đất là tài sản công do sở quản lý với khối lượng tài liệu, hồ sơ “khổng lồ” dài 300 m.

12.000 địa chỉ nhà, đất công của TPHCM với khối lượng hồ sơ khổng lồ đang chờ số hóa ảnh 3
Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Nguyễn Hoàng Hải trao đổi tại buổi giám sát. Ảnh: Ngô Tùng.

Theo ông Hải, đối với đề án quản lý, khai thác dữ liệu tài sản công, từ năm 2022, đã có một đề án quản lý tài sản công do Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) tư vấn, Sở Tài chính làm chủ nhiệm. Đến tháng 7 thì thực hiện hoàn thành 4/12 đề án.

Đáng chú ý, trong cả hai lần kiểm tra tiến độ hồi tháng 8 và tháng 9 vừa qua thì việc thực hiện vẫn giậm chân ở 4/12 chuyên đề hoàn thành. Khi làm việc với đơn vị tư vấn đề án thì mới phát hiện nhiều lý do của việc chậm trễ tiến độ. Trong đó có nguyên nhân chưa có kinh phí thực hiện đề án và việc biến động về thay đổi nhân sự giám đốc Sở Tài chính trong giai đoạn 2022-2023.

Thông tin thêm, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, sau 3 lần kiểm tra, hiện vấn đề trên đã có “lối ra”. Trong đó, Trường Đại học Kinh tế - Luật tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án. Nhà trường “hứa” đến 25/10 này sẽ trả kết quả tổng thể đề án.

Về vấn đề kinh phí thực hiện bằng nguồn xã hội hóa, ông Hải cho hay đã có 6 doanh nghiệp đồng ý tài trợ vốn và mức tài trợ cụ thể bao nhiêu sẽ được bàn thảo tại cuộc họp ngày mai (25/10) với các doanh nghiệp này để xác định và ký cam kết tài trợ vốn thực hiện đề án.

Tháo gỡ những vấn đề bức xúc

Đối với câu chuyện số hóa tài sản công, Giám đốc Sở Tài chính cho biết ông có làm việc với Trung tâm Chuyển đổi số thành phố và Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Các đơn vị đã thống nhất lựa chọn phần mềm tương đồng với dữ liệu hơn 12.000 hồ sơ tài sản công đang chờ số hóa và việc này được tiến hành qua 3 công đoạn: Xử lý hồ sơ, số hóa tài liệu từ bản giấy thành dữ liệu điện tử và chuyển đổi số với sự tham gia xử lý của Trung tâm Lưu trữ quốc gia.

“Nếu đúng tiến độ, dịp 30/4/2025 hoàn thành đề án này và qua đó giúp việc đánh giá lại những địa chỉ nhà đất hiện nay đang bỏ trống, lãng phí, giúp tháo gỡ những vấn đề bức xúc”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói.

Chia sẻ thêm về tiến trình thực hiện đề án quản lý tài sản công, ông Nguyễn Hoàng Hải cho hay TPHCM có tham khảo cách làm của các tỉnh nhưng thực tế cách làm các địa phương không giống TPHCM.

Theo ông, TPHCM đưa ra 12 chuyên đề để đánh giá, phân loại, phân nhóm, chẳng hạn nhóm các tài sản trước giải phóng để lại, tài sản do xử lý dôi dư, tài sản đã giao cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn, Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng...

“Các loại tài sản này được hệ thống, phân nhóm lại và ra khuyến nghị đối xử với từng nhóm cụ thể. Đây là những vấn đề lớn nên TPHCM không thể học tập theo cách làm của các tỉnh khác”, ông Hải nói.

>> Doanh nghiệp Việt chuyển mình đón thời cơ từ số hóa

Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện TPHCM

Lãnh đạo Mirae Asset: Chuyển đổi số và quản lý tài sản chuyên nghiệp là thích nghi bắt buộc của CTCK

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/12000-dia-chi-nha-dat-cong-cua-tphcm-voi-khoi-luong-ho-so-khong-lo-dang-cho-so-hoa-post1685161.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    12.000 địa chỉ nhà, đất công của TPHCM với khối lượng hồ sơ khổng lồ đang chờ số hóa
    POWERED BY ONECMS & INTECH