123.700 người bán hàng trên TMĐT, Bộ Tài chính 'chốt' đề xuất 7 giải pháp quản lý thuế

10-06-2024 21:11|Chi Hạ

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đến năm 2024, ngành thuế đang quản lý hơn 123,7 nghìn người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT.

Ngày 10/6, Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 6 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Kết quả quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo kết quả 1 năm triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg và công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam. Trong đó, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã cùng với Bộ Công Thương chia sẻ dữ liệu về 929 sàn giao dịch TMĐT, tương ứng với 847 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT (1 doanh nghiệp có thể sở hữu nhiều sàn) và 284 ứng dụng bán hàng trên mạng.

Về kết quả quản lý thuế với TMĐT tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Theo đó, hơn 61 nghìn cơ sở kinh doanh đã áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, số lượng hóa đơn đã sử dụng là 464,8 triệu.

>> Siết quản lý thuế trong hoạt động livestream bán hàng

Theo số liệu, đến năm 2024, ngành thuế đang quản lý hơn 123,7 nghìn người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT, bao gồm: cá nhân gần 88,2 nghìn; doanh nghiệp bán hàng hóa thông qua sàn giao dịch TMĐT hơn 35,1 nghìn; doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT 361; doanh nghiệp lớn hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng là 24; nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam là 96.

Về số thu Ngân sách Nhà nước, số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT năm 2022 là 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023 số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2024 số thuế đã nộp trên 50 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng đề xuất 7 giải pháp quản lý thuế

Từ những kết quả trên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề xuất 7 giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ nhất, Bộ Tài chính cho rằng cần kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các Bộ, ngành. Đặc biệt là dữ liệu dân cư, dữ liệu TMĐT, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng… để đối chiếu một cách nhanh chóng yêu cầu kê khai nộp thuế, yêu cầu thanh tra kiểm tra.

Thứ hai, rà soát hoàn thiện pháp luật. Do các bộ luật liên quan đến TMĐT từ năm 2014 nên các Bộ, ngành cần phải rà soát lại Nghị định, Thông tư liên quan.

Thứ ba, xây dựng Cổng Thông tin đăng ký kê khai thuế của sàn TMĐT trong nước, đôn đốc kê khai, chọn thanh tra, xử lý một số trường hợp trốn thuế.

Thứ tư, định danh và xác thực điện tử, đồng bộ liên thông dữ liệu thông tin hàng hóa.

Thứ năm, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Bộ trưởng cho rằng, thanh toán không dùng tiền mặt càng nhiều thì quản lý và thu thuế càng cao.

Thứ sáu, sửa đổi Nghị định 117 năm 2018 về giữ bí mật và cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Thứ bảy, quản lý hoạt động TMĐT qua mạng xã hội để thu thuế vì ngày nay, người dân livestream, bán hàng qua mạng xã hội rất nhiều. Nếu các Bộ phát triển mạng xã hội cùng với việc đối chiếu với ngân hàng thì sẽ thu được nguồn thuế rất lớn.

>> 5 tháng đầu năm: Facebook, Google, TikTok… đã nộp thuế hơn 4.000 tỷ đồng

Đề xuất đánh thuế mua bán vàng

Siết quản lý thuế trong hoạt động livestream bán hàng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/123700-nguoi-ban-hang-tren-tmdt-bo-tai-chinh-chot-de-xuat-7-giai-phap-quan-ly-thue-238137.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
123.700 người bán hàng trên TMĐT, Bộ Tài chính 'chốt' đề xuất 7 giải pháp quản lý thuế
POWERED BY ONECMS & INTECH