Trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục lao dốc mạnh, số mã cổ phiếu rơi khỏi mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu trên cả 3 sàn cũng tăng lên gần 600.
Kết phiên giao dịch ngày 11/10/2022, VN-Index tiếp tục điều chỉnh mạnh về mức 1.006 điểm - giảm khoảng 518 điểm (-34%) so với mức đỉnh 1.524 ngày 4/4/2022 (phiên này, chỉ số từng chạm 1.530 điểm).
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục lao dốc mạnh, số mã cổ phiếu rơi khỏi mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu trên cả 3 sàn cũng tăng lên gần 600 (bao gồm khoảng 300 mã giao dịch dưới mức 5.000 đồng và hơn 150 mã dưới 3.000 đồng) trong khi con số này ở thời kỳ huy hoàng của thị trường hồi cuối năm 2021 chỉ đếm trên đầu ngón tay...
Trớ trêu thay, dù về dưới mệnh giá - thậm chí giao dịch ở mức "trà đá" song rất nhiều cổ phiếu vẫn chưa tìm được lực cầu và rơi vào tình trạng ế ẩm khi nhà đầu tư vẫn đang trong trạng thái hoang mang.
Dẫn nguồn Vneconomy, trên toàn thị trường hiện có 90% số cổ phiếu chứng kiến sự giảm giá trong đó có 36% mã giảm trên 15%.
Bên cạnh những cổ phiếu chịu tác động trực tiếp khi lãnh đạo công ty mẹ bị bắt bớ do thao túng chứng khoán như họ FLC, Louis, Trí Việt, nhiều cổ phiếu đình đám một thời cũng sụt giá mạnh. Chẳng hạn như CMC giảm từ 20.000 đồng xuống còn 6.200 đồng (phiên sáng 12/10/2022); DRH rơi từ 28.000 đồng xuống chỉ còn 5.290 đồng; POM của Pomina cũng rớt từ 20.000 đồng xuống chỉ còn 4.960 đồng; DLG của Đức Long Gia Lai từ gần 10.000 đồng hiện còn 2.390 đồng; HQC của Địa ốc Hoàng Quân hiện còn 2.870 đồng thị giá cùng mức thanh khoản teo tóp còn dưới 10 triệu đơn vị/phiên.
Ở nhóm ngân hàng, các cổ phiếu như LPB, VBB, SHB, ABB, BVB, VAB sau chuỗi lao dốc cũng đã về dưới mệnh giá; một số mã khác như NAB, OCB, SGB, MSB cũng đang chênh vênh ngưỡng trên 10.000 đồng.
Trong khi đó, nhóm chứng khoán ghi nhận tới 17 mã cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá gồm HAC, VIG, TCI, SBS, SHS, VIX, AGR, IVS, APG, VDS, APS, TVB, HBS, PSI, ORS, WSS, ART. Cổ phiếu ART thậm chí hiện chỉ còn 1.900 đồng và đang thuộc diện hạn chế giao dịch.
Con số này với nhóm bất động sản cũng lên tới 47 mã với một số gương mặt nổi bật như DRH, PVL, SJS, IDJ, BII, LDG, KHG, TIG, HQC, VPH, ITA, TCH, NDN,...
Với việc điều chỉnh sâu, định giá thị trường ở thời điểm hiện tại đang được đánh giá là rất rẻ cho mục tiêu tích lũy trung và dài hạn.
Theo Chứng khoán VNDirect, tại thời điểm cuối tháng 9/2022, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 12 tháng là 12,2 lần - mức thấp nhất trong 29 tháng - thậm chí còn thấp hơn so với giai đoạn 2017-2019.
Phiên 11/10, VN-Index có thời điểm thủng mốc 1.000 điểm trước khi được kéo trở lại. Kết phiên sáng 12/10, chỉ số thậm chí tăng tới hơn 30 điểm. Không ít ý kiến cho rằng thị trường có vẻ đã xác nhận đáy và đây là thời điểm thích hợp để tích lũy các cổ phiếu tốt cho mục tiêu trung/dài hạn.
Trong báo cáo mới nhất vừa công bố, ông Hiroshi Funaki, Giám đốc quỹ VietNam Holding Limited cho rằng, lạm phát đã không còn là vấn đề lớn đối với Việt Nam; nền kinh tế vĩ mô trong nước cũng đang phát triển mạnh mẽ so với nhiều thị trường mới nổi và cận biên khác. Thậm chí, một số ngân hàng gần đây đã tăng dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam năm 2022 sẽ ở mức gần 7% cùng mức dự báo lạm phát từ 3,5 - 4% vào cuối năm.
Vĩ mô ổn định có thể sẽ tạo nền vững chắc cho thị trường hồi phục sau những biến động từ đầu năm.
Doanh nghiệp bất động sản lại "đánh vật" với trái phiếu đáo hạn quý 4/2022
Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm
Kéo trụ ngân hàng, VN-Index bật tăng 12 điểm trong phiên đáo hạn phái sinh