Doanh nghiệp bất động sản lại "đánh vật" với trái phiếu đáo hạn quý 4/2022

12-10-2022 10:44|Trần Trung

Với chính sách mới về siết dòng tín dụng ngân hàng hay huy động vốn trên thị trường trái phiếu, một số chuyên gia thậm chí cho rằng đây chính nguyên nhân khiến cổ phiếu bất động sản liên tục lao dốc thời gian qua.

Trong báo cáo cập nhật mới nhất, Công ty Chứng khoán VNDirect ước tính tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý 4/2022 đạt mức 58.840 tỷ đồng - giảm 9,1% so với quý 3 nhưng lại tăng 87,7% so với cùng kỳ năm 2021.

tp1.png

Nguồn: VNDirect

Thống kê chỉ bao gồm các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ năm 2019 tới nay và không bao gồm các doanh nghiệp phát hành đã thực hiện mua lại trái phiếu trước thời gian đáo hạn. VNDirect cũng ước tính có khoảng 142.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trong 9 tháng đầu năm 2022.

Trong quý 4/2022, bất động sản tiếp tục là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất về giá trị trái phiếu riêng lẻ đáo hạn với 34,1% - tương đương 20.071 tỷ đồng - giảm 40,3% so với quý quý 3/2022 nhưng tăng 65,2% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp bất động sản có giá trị đáo hạn cao nhất trong quý 4 bao gồm:  CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (3.000 tỷ đồng) và CTCP Bách Hưng Vương (2.980 tỷ đồng)...

Tài chính - ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn thứ hai với 32,9% tổng giá trị đáo hạn trong quý 4 - tương đương 19.365 tỷ đồng - giảm 19,4% so với quý 3/2022 song lại tăng 130,1% so với cùng kỳ.

Các tổ chức tài chính có giá trị đáo hạn cao nhất trong quý 4/2022 gồm: Techcombank 4.500 tỷ đồng, VIB 3.000 tỷ đồng và VPB 1.950 tỷ đồng.

tp2.png

Với các nhóm ngành còn lại, một số đại diện có thể kể đến như CTCP TNHH Sản xuất và Kinh Doanh Vinfast (9.010 tỷ đồng), Công ty CP Wealth Power (2.880 tỷ đồng)...

Dẫn nguồn Vneconomy, sự kiện lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan và 3 các nhân khác bị bắt mới đây do những sai phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp thể hiện những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc làm trong sạch thị trường vốn.

Bên cạnh đó, qua nhiều lần dự thảo, ngày 16/9/2022, Nghị định 65/2022/NĐ-CP bổ sung sửa đổi cho Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ đã chính thức được ban hành. Điều này là một điểm tích cực đối thị trường vốn trong dài hạn vì Nghị định 65 tuy mang định hướng thắt chặt hơn so với nghị định cũ nhưng cũng đã nới lỏng hơn ở một số quy định so với những dự thảo được lấy ý kiến trước đó.

Tuy nhiên, các thành viên thị trường gồm doanh nghiệp phát hành, doanh nghiệp tư vấn và nhà đầu tư cần thời gian để điều chỉnh cho phù hợp với những quy định mới. Vì vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ tiếp tục trầm lắng trong một vài quý tới.

Về phía cung, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thể phục hồi trở lại từ nửa cuối năm 2023. Nghị định 65 mới cho phép các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu nợ. Đây là một trong những điểm trọng yếu theo hướng nới lỏng hơn giúp các doanh nghiệp với mục đích tái cơ cấu nợ (theo đúng quy định) vẫn có thể tiếp cận được với kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Về phía cầu, số lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp đủ điều kiện sẽ sụt giảm trong ngắn hạn.

Trở lại với câu chuyện của nhóm bất động sản, minh chứng dễ thấy nhất là việc CTCP No Va Thảo Điền chính là doanh nghiệp duy nhất thuộc nhóm bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 9 với giá trị 2.300 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm.

Kể từ sau sự kiện trái phiếu Tân Hoàng Minh, các hoạt động huy động vốn trái phiếu của nhóm này bắt đầu chậm lại, nhường chỗ cho các thương vụ mua lại trái phiếu trước hạn.

Với chính sách mới về siết dòng tín dụng thông qua ngân hàng hay huy động vốn trên thị trường trái phiếu, một số chuyên gia thậm chí cho rằng chính áp lực để trả nợ vốn vay 2 kênh này chính là nhân tố chính khiến cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản lớn liên tục lao dốc qua đó tạo hiệu ứng đến cổ phiếu toàn ngành.

Trong khi đó, việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán thông qua chào bán riêng lẻ lại phần nào tiềm ẩn rủi ro trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục lao dốc... còn tăng vốn thông qua cổ tức lại vô tình khiến nhà đầu tư đẩy mạnh xả hàng.

Tính đến cuối quý II/2022, Novaland đang nợ 195.000 tỷ; VIC nợ 376.000 tỷ (trong đó VHM có tổng nợ 170.000 tỷ). Các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn như Phát Đạt, Kinh Bắc, Khang Điền, Đất Xanh cũng nợ từ 8.000 tỷ - dưới 20.000 tỷ.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ tính trong 1 tháng rưỡi trở lại đây, nhà đầu tư liên tục phải gồng tài khoản trước những đợt lao dốc của nhiều cổ phiếu lớn ngành bất động sản. Cổ phiếu DXG giảm tới 47% và hiện còn 15.x đồng; cổ phiếu KDH giảm 34% về còn 26.x đồng; mã PDR giảm 17% còn 48.200 đồng thị giá; bộ đôi nhà Vin (VIC - VHM) cũng giảm từ 10 - 20%;...

Cổ phiếu NVL giảm 12% từ nửa cuối tháng 9 về còn 75.000 đồng ở thời điểm hiện tại. Cá biệt trong phiên 11/10, mã này còn bị kéo về sát mốc 71.000 đồng trước khi được "đỡ giá" trở lại.

Chia sẻ mới nhất, lãnh đạo một nhà băng thậm chí tiết lộ việc các ngân hàng cũng đang đối mắt với nhiều áp lực trong đó có cả việc "vay lẫn nhau". Câu chuyện nội ngành cũng đang gián tiếp tác động đến nguồn vốn cho vay đối với các doanh nghiệp khác.

Với nhóm bất động sản, trong bối cảnh lãi suất và tỷ giá liên tục tăng nóng cũng như cần thêm sự thích nghi với môi trường chính sách mới, áp lực tài chính đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản thời điểm này là rất lớn trong đó có cả thanh toán trái phiếu đáo hạn...

16 năm sau ngày VN-Index vượt 1.000 điểm, FPT không còn giá 645.000 đồng, ITA đã thành "hàng chợ"

SSH phát triển bền vững từ sản phẩm chất lượng đến trách nhiệm cộng đồng, an sinh xã hội

Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cần khung pháp lý cho mô hình Tập đoàn tài chính

Bài thuộc chủ đề Bất động sản
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-lai-danh-vat-voi-trai-phieu-dao-han-quy-42022-153015.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Doanh nghiệp bất động sản lại "đánh vật" với trái phiếu đáo hạn quý 4/2022
POWERED BY ONECMS & INTECH