2 cường quốc thuộc BRICS đối mặt áp lực cạn kiệt vàng: Nhu cầu người dân tăng vọt, nhiều nơi cháy hàng
Trung Quốc và Nga đối mặt với cơn khát vàng kỷ lục khi nhu cầu tăng vọt, đẩy nhiều ngân hàng vào tình trạng cạn kiệt nguồn cung, thậm chí cháy hàng.
Các ngân hàng Trung Quốc đang rơi vào tình trạng thiếu hụt vàng nghiêm trọng, trong khi dự trữ vàng của Nga, cả ở cấp thương mại lẫn quốc gia, đang suy giảm nhanh chóng do nhu cầu nội địa tăng vọt ngay cả khi giá vàng liên tục lập kỷ lục mới.
Theo báo cáo từ Yicai, nhiều ngân hàng lớn tại Trung Quốc đã cạn kiệt nguồn cung vàng miếng. Ứng dụng của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) cho thấy các loại vàng miếng 5, 20, 50, 100 và 200 gram đều hết hàng, chỉ còn loại 10 gram với số lượng hạn chế. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), nơi các loại vàng 10 và 20 gram đã hết sạch, trong khi các thanh vàng 100 và 200 gram đang dần cạn kiệt.
Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) chỉ còn cung cấp vàng miếng 50 và 100 gram, trong khi Ngân hàng Bưu chính Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc (BOC) đã chuyển tất cả các loại vàng miếng sang trạng thái đặt hàng trước, cho thấy không còn sẵn hàng để bán.
"Giá vàng có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn, nhưng rủi ro cũng sẽ dần tích lũy", Wu San, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Ngân hàng Trung Quốc, nhận định. Ông khuyến nghị nhà đầu tư cần cân nhắc chiến lược đa dạng hóa danh mục để giảm thiểu rủi ro một cách hiệu quả.
![]() |
Hình ảnh minh họa, nguồn: Newsweek |
Cùng với Trung Quốc, Nga cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể trong dự trữ vàng, cả ở cấp độ ngân hàng trung ương lẫn ngân hàng thương mại. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga do RBC công bố, dự trữ vàng của Nga đã giảm tới 46,4% trong năm 2024, tương đương hơn 33 tấn vàng.
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, dự trữ vàng của nước này đã giảm 23,6% tính theo giá trị tiền tệ trong năm qua, nhưng tính theo khối lượng, mức giảm lên đến 46,4%, mức suy giảm lớn nhất kể từ đỉnh điểm đại dịch COVID-19 vào năm 2020.
Theo thống kê, các ngân hàng Nga hiện chỉ nắm giữ 38,1 tấn vàng với tổng giá trị 3,4 tỷ USD (tương đương 325,4 tỷ ruble), mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022.
Mặc dù nguồn cung vàng giảm, nhu cầu tiêu dùng vàng tại Nga vẫn tăng mạnh. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, người tiêu dùng Nga đã mua 75,6 tấn vàng trong năm 2024, tăng 6% so với năm trước và cao hơn 62% so với năm 2021, thời điểm trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Giữa bối cảnh nguồn cung vàng khan hiếm, giá vàng toàn cầu tiếp tục tăng mạnh. Giá vàng giao ngay mới đây đã chạm mức cao kỷ lục 2.906,44 USD/ounce, tăng 0,30% trong ngày.
Tình trạng khan hiếm vàng tại Trung Quốc và Nga, hai nền kinh tế lớn trong khối BRICS, phản ánh sự dịch chuyển trong bức tranh tài chính toàn cầu, khi nhu cầu nắm giữ vàng ngày càng gia tăng do lo ngại về kinh tế và địa chính trị.
Theo Kitco News
>> Diễn biến lạ của giá vàng trong nước, chuyên gia lý giải điều hiếm thấy
Chính thức từ 13/2, ngôi trường gần 120 năm tuổi tại 'đất vàng' Hà Nội trở thành trường chuyên
Diễn biến lạ của giá vàng trong nước, chuyên gia lý giải điều hiếm thấy