Doanh nghiệp

2 doanh nghiệp vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn kinh doanh ra sao trước khi hợp nhất?

Huy Hoàng 02/11/2024 19:12

Từ ngày 1/11, CTCP Vận tải đường sắt chính thức đi vào hoạt động trên cơ sở hợp nhất CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội và CTCP Vận tải Đường sắt Sài Gòn.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa thông báo, từ ngày 1/11, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt chính thức hoạt động trên cơ sở hợp nhất hai công ty là Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (HRT) và Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn (SRT).

Việc hợp nhất này nhằm thực hiện chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp, tinh gọn các đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Theo cơ cấu tổ chức mới, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt sẽ bao gồm 8 phòng ban, 17 chi nhánh và các cơ sở tại TP. HCM, trong đó có 4 chi nhánh toa xe, 2 chi nhánh đoàn tiếp viên đường sắt, và 11 chi nhánh vận tải đường sắt, với tổng số 4.877 lao động.

Về tình hình kinh doanh, trong quý III/2024, đường sắt Hà Nội ghi nhận doanh thu thuần 782 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh 30% lên 682 tỷ đồng, khiến lợi nhuận kỳ này giảm còn 35 tỷ đồng, thấp hơn gần 20 tỷ đồng so với quý III/2023.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, đường sắt Hà Nội đạt doanh thu 2.272 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 75 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 2024, công ty đã hoàn thành 88% mục tiêu doanh thu và vượt xa kế hoạch lợi nhuận, đạt 780% với mục tiêu ban đầu chỉ 9,6 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý III, tổng tài sản của Vận tải đường sắt Hà Nội đạt 1.278 tỷ đồng.

2 doanh nghiệp vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn kinh doanh ra sao trước khi hợp nhất?
Nguồn: Tổng hợp

>> Cổ đông hưởng lợi gì từ việc sáp nhập hai 'ông lớn' vận tải đường sắt Việt Nam?

Trong khi Vận tải đường sắt Hà Nội ghi nhận lợi nhuận giảm so với cùng kỳ, thì đường sắt Sài Gòn lại ghi nhận mức lợi nhuận cao kỷ lục. Theo báo cáo tài chính, doanh thu của SRT trong quý III đạt hơn 563,5 tỷ đồng, tăng hơn 27% so với quý III/2023. Nhờ giá vốn tăng chậm hơn, công ty ghi nhận lãi gộp khoảng 91,5 tỷ đồng, tăng 5,5%.

Đáng chú ý, SRT đã tiết giảm được 28% chi phí tài chính và giảm 21% chi phí quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, chi phí bán hàng lại tăng 33%. Ngoài ra, công ty ghi nhận thêm 7,3 tỷ đồng thu nhập khác, phần lớn từ các khoản phạt phí trả vé.

Kết quả, SRT đạt lợi nhuận sau thuế gần 49,1 tỷ đồng, tăng khoảng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức lợi nhuận hàng quý cao nhất trong lịch sử của doanh nghiệp.

2 doanh nghiệp vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn kinh doanh ra sao trước khi hợp nhất?
Nguồn: Tổng hợp

>> Hai doanh nghiệp Nhà nước chuẩn bị hợp nhất: Lãi đã vượt xa kế hoạch năm, bất ngờ 'gặp khó'

Lũy kế 9 tháng đầu năm, SRT đạt doanh thu gần 1.645 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 86,9 tỷ đồng, tăng lần lượt 21% và 8% so với cùng kỳ năm trước. Công ty đã hoàn thành gần 90% chỉ tiêu doanh thu và vượt xa kế hoạch lợi nhuận, đạt mức cao gấp 8 lần so với mục tiêu ban đầu.

Việc hợp nhất hai công ty vận tải đường sắt lớn này kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành đường sắt Việt Nam trong tương lai.

>> Hợp nhất Công ty vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn

Cổ đông hưởng lợi gì từ việc sáp nhập hai 'ông lớn' vận tải đường sắt Việt Nam?

Hợp nhất Công ty vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/2-doanh-nghiep-van-tai-duong-sat-ha-noi-va-sai-gon-kinh-doanh-ra-sao-truoc-khi-hop-nhat-257649.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    2 doanh nghiệp vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn kinh doanh ra sao trước khi hợp nhất?
    POWERED BY ONECMS & INTECH