Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng ta có đủ điều kiện để huy động 67 tỷ USD cho đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Thủ tướng nhấn mạnh đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mang tính chiến lược trong quá trình phát triển hạ tầng đất nước.
Sáng 20/10, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp truyền đạt một chuyên đề, trong đó, có nội dung về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh rằng việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một yêu cầu khách quan và mang tính chiến lược trong quá trình phát triển hạ tầng đất nước. Đồng thời dự án sẽ tạo ra không gian phát triển mới, giá trị gia tăng của đất, đi lại thuận lợi cho người dân, cạnh tranh hàng hóa...
Thủ tướng chỉ rõ, trước đây Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, khi GDP bình quân đầu người chỉ hơn 1.000 USD và tổng GDP đạt hơn 100 tỷ USD, nên chưa thể thực hiện đầu tư đường sắt tốc độ cao. Tuy nhiên, hiện nay GDP của Việt Nam đã tăng gấp 3-4 lần, hoàn toàn đủ dư địa để triển khai dự án quan trọng này.
Ảnh minh họa dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam |
>> Hoà Phát của tỷ phú Trần Đình Long sản xuất ray đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Nhà máy đặt ở đâu?
Về nguồn lực cho dự án, Thủ tướng cho biết có thể huy động từ nhiều nguồn như: Ngân sách trung ương, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu và hợp tác công tư. Thủ tướng khẳng định: "Chúng ta có đủ điều kiện để làm".
Dẫn chứng từ thế giới, Trung Quốc hiện có mạng lưới đường sắt cao tốc dài 47.000km và mỗi năm xây dựng thêm 3.000km. Việt Nam đã đề ra mục tiêu hoàn thành đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong 10 năm, đến năm 2035 phải hoàn thành.
Tuy nhiên, Thủ tướng cảnh báo nếu làm theo cách cũ, việc này có thể mất đến 50 năm, do đó cần đổi mới quản trị, quản lý, huy động nguồn lực và chống tham nhũng, lãng phí để đảm bảo dự án được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả.
>> Cần làm rõ và chính xác mức đầu tư 67 tỷ USD cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Trước đó Bộ Giao thông vận tải cho biết trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tốc độ thiết kế tàu khách 350km/h, tàu hàng 160km/h. Dự kiến trong giai đoạn đầu, tốc độ khai thác tối đa của tàu khách là 320km/h, tàu hàng là 120km/h.
Về vị trí ga, Bộ Giao thông vận tải cho biết toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam bố trí 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa. Tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã sơ bộ xác định tổng mức đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 67,34 tỷ USD (khoảng 1,713 triệu tỉ đồng).
Các dự án thành phần đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP. HCM sẽ triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công vào cuối năm 2027. Khởi công đoạn Vinh - Nha Trang năm 2028-2029. Phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến năm 2035.
>> Nhật Bản xem xét tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 67 tỷ USD của Việt Nam
Hoà Phát của tỷ phú Trần Đình Long sản xuất ray đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Nhà máy đặt ở đâu?
Cần làm rõ và chính xác mức đầu tư 67 tỷ USD cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam