Thị trường

22 ngày Temu vào Việt Nam

Khương Lê 22/10/2024 13:30

Khuyến mãi hấp dẫn và miễn phí vận chuyển, nhưng yêu cầu thanh toán qua thẻ quốc tế, là những yếu tố khiến người dùng vừa tò mò vừa thận trọng với Temu – trang thương mại điện tử lớn thứ hai thế giới, mới ra mắt tại Việt Nam vào đầu tháng 10.

Tò mò và thận trọng

22h ngày 14/10, chị Thu Minh (37 tuổi, Hà Nội) đang lướt mạng xã hội như thường lệ thì bắt gặp quảng cáo về bộ đồ chơi bằng gỗ cho trẻ em đang giảm giá tới 70%. Bị thu hút bởi khuyến mãi, chị Minh bấm vào liên kết và nhanh chóng được chuyển hướng đến một ứng dụng có tên “Temu”.

Sau vài thao tác đơn giản, người phụ nữ đã hoàn tất đơn hàng có trị giá 1.156.673 đồng nhưng nhờ ưu đãi chỉ còn phải trả 323.152 đồng.

“Được giảm giá tới 72%, lại miễn phí giao hàng, tôi chẳng có lý do gì để không thử ứng dụng mới”, chị Minh hào hứng kể.

Năm ngày sau, hàng được giao tới tay nữ khách hàng với hiện trạng “được đóng gói cẩn thận và sản phẩm khá giống với thông tin mô tả".

Temu, nền tảng thương mại điện tử phổ biến thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Amazon, chính thức vào Việt Nam từ đầu tháng 10 và đã có những khách hàng đầu tiên. Nền tảng hiện cung cấp giao diện hoàn chỉnh bằng tiếng Việt, hỗ trợ thanh toán qua các loại thẻ như Visa, JCB…

Temu cung cấp mọi mặt hàng, từ quần áo, thiết bị điện tử đến đồ nội thất, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe,... Theo ghi nhận ở thời điểm hiện tại, Temu đang áp dụng chính sách miễn phí vận chuyển, giao tận tay khách hàng tại Việt Nam trong vòng 4-7 ngày, cho phép trả hàng trong vòng 90 ngày, kèm chương trình khuyến mãi lên đến 90%…

“Tất cả các yếu tố này đủ hấp dẫn” chị Minh nhận xét về nền tảng và nói thêm, việc Temu ra mắt đúng giai đoạn kinh tế khó khăn, người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu cũng là “một động lực khiến khách hàng tải app”.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều sở hữu thẻ Visa hoặc JCB để có thể thanh toán đơn hàng trên Temu. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 3/2024, chỉ có khoảng 43,9 triệu thẻ quốc tế được phát hành tại Việt Nam, trên tổng dân số gần 100 triệu người.

Cho dù nằm trong nhóm dân số sở hữu thẻ quốc tế thì một số ý kiến cũng từ chối sử dụng, do lo ngại về bảo mật dữ liệu cá nhân, bất chấp cam kết của Temu về việc tuân thủ các tiêu chuẩn PCI DSS – quy chuẩn bảo mật thanh toán quốc tế, sử dụng mã hóa mạnh mẽ, cùng với các đánh giá hệ thống định kỳ để bảo vệ quyền riêng tư.

“Phải nhập và lưu thông tin thẻ Visa trên ứng dụng nên mình nói không với Temu”, anh Nguyễn Hùng (Hà Nội) chia sẻ.

Quan điểm của anh Hùng phản ánh tâm lý lo lắng phổ biến của nhiều người dùng khi tham gia vào nền tảng TMĐT quốc tế, đặc biệt với thanh toán trực tuyến, nơi rủi ro về bảo mật luôn được đặt lên hàng đầu.

ddddđ
Ảnh minh họa. Nguồn: Twitter/@shoptemu

Đánh bại eBay, đe dọa soán ngôi Amazon

Temu ra mắt vào năm 2022, thuộc sở hữu của PDD Holdings – công ty mẹ của Pinduoduo, một “quái vật” trong ngành thương mại điện tử Trung Quốc", theo cách nói của Shaun Rein, người sáng lập China Market Research Group.

Temu tập trung khai thác thị trường quốc tế, khởi đầu từ Mỹ trước khi mở rộng sang các nước châu Âu, Đông Nam Á. Nhờ giá rẻ, chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ và khả năng tối ưu hóa chuỗi cung ứng, Temu nhanh chóng đạt được những bước tiến thần tốc.

Chỉ hai năm sau khi ra mắt, nền tảng non trẻ này đã vượt qua eBay, trở thành trang thương mại điện tử được truy cập nhiều thứ hai thế giới và dự kiến sẽ vượt qua Amazon về số lượng người dùng vào cuối năm nay, theo thepaper.cn.

Dựa trên phân tích dữ liệu từ Sensor Tower tại Mỹ, tính đến tháng 8, số lượng người dùng toàn cầu của Temu đã đạt 91% so với Amazon. Dự kiến, Temu sẽ vượt qua Amazon trước khi năm 2024 kết thúc.

Theo dữ liệu của SimilarWeb, Temu nhận được gần 700 triệu lượt truy cập mỗi tháng, chỉ một phần tư trong số đó đến từ Hoa Kỳ. Để so sánh, Amazon có 2,7 tỷ lượt truy cập, hầu hết đều từ người dùng ở Hoa Kỳ. Hiện tại, Temu đã hoạt động tại 82 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

ddddđ
Ảnh minh họa. Nguồn: Twitter/@shoptemu

Sức mạnh của Temu - ‘Team Up, Price Down’

Tên Temu bắt nguồn từ khẩu hiệu của công ty: "Team Up, Price Down" (tạm dịch: hợp sức cùng giảm giá). Đúng như tên gọi, sức mạnh cạnh tranh của Temu nằm ở giá rẻ thông qua chiến lược hợp tác với các nhà cung cấp và tối ưu hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm giá thành.

Nói về "con đường tắt" của Temu, có 5 điểm nhấn chính trong mô hình kinh doanh, bao gồm:

Một là tận dụng chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, nơi chi phí sản xuất, nhân công và vận chuyển thấp hơn so với nhiều khu vực khác.

Hai là cắt giảm trung gian và bán trực tiếp từ nhà cung cấp. Temu hoạt động theo mô hình kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, bỏ qua nhà phân phối hoặc đại lý trung gian.

Ba là trợ giá và chính sách khuyến mãi mạnh. Để nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, Temu trợ giá sản phẩm cũng như vận chuyển, đồng thời tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, mã giảm giá, miễn phí vận chuyển. Điều này giúp thu hút khách hàng, đặc biệt là những người nhạy cảm với giá.

Bốn là sử dụng đường vận chuyển giá rẻ kết hợp tối ưu kho hàng. Temu kết hợp nhiều phương thức vận chuyển, từ đường biển đến hàng không và xây dựng kho hàng tại các đầu mối chiến lược như Hồng Kông, Quảng Châu,... giảm thời gian, chi phí vận chuyển. Ngoài ra, Temu thuê ngoài nhiều công đoạn trong chuỗi logistics nhằm tăng tính linh hoạt, hiệu quả.

Năm là chấp nhận lỗ để tăng trưởng, tương tự cách nhiều startup thương mại điện tử khác từng làm. Theo The Paper, một phân tích về chi phí chuỗi cung ứng của Temu cho thấy, công ty đã đầu tư lượng lớn vốn trong quá trình thâm nhập thị trường Mỹ. Trung bình, Temu chịu lỗ khoảng 30 USD cho mỗi đơn hàng tại thị trường này.

ddddđ
Kệ hàng một nhà cung cấp của Temu. Ảnh: Tân Hoa Xã

Giá rẻ là vũ khí mạnh nhất, nhưng cũng là lý do khiến Temu nhận về phản ứng tiêu cực từ một số quốc gia. Gần đây, Indonesia đã quyết định cấm hoạt động của Temu nhằm bảo vệ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SME) khỏi nguy cơ bị "phá hủy" bởi sự cạnh tranh không lành mạnh từ những sản phẩm giá rẻ.

“Chúng tôi sẽ không cho Temu cơ hội”, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia, ông Budi Arie Setiadi, phát biểu vào ngày 01/10 khi nhấn mạnh rằng sự hiện diện của Temu có thể gây tổn hại đến nền kinh tế của nước này​.

Theo một số nhà phân tích, lệnh cấm Temu một phần xuất phát từ đặc thù cơ cấu kinh tế của Indonesia, nơi doanh nghiệp SME đóng vai trò xương sống của nền kinh tế, chiếm 60% GDP và tạo ra 97% việc làm.

Ngoài lo ngại Temu sẽ “đè bẹp” các nhà sản xuất SME trong nước, vấn đề thu thập, sử dụng dữ liệu của nền tảng này cũng khiến nhiều quốc gia lo ngại.

Vào tháng 4, Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành cuộc điều tra về cách thức Temu và AliExpress thu thập, sử dụng dữ liệu người dùng, do lo ngại về bảo mật thông tin. Tính đến tháng 3 năm nay, Temu đã đạt khoảng 8,3 triệu người dùng, trở thành một trong những ứng dụng mua sắm hàng đầu tại Hàn Quốc kể từ khi ra mắt hồi tháng 7 năm ngoái.

Ông Ko Hak-soo, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Thông tin Cá nhân, nhấn mạnh rằng, có những lo ngại về quy định quyền riêng tư tại Trung Quốc và đặt câu hỏi liệu việc bảo vệ dữ liệu có được thực hiện đầy đủ hay không. Ủy ban đã gửi câu hỏi chi tiết đến Temu để kiểm tra kỹ lưỡng chính sách xử lý dữ liệu, đồng thời xác minh xem dữ liệu được quản lý tại Trung Quốc hay chuyển sang quốc gia khác.

Trước đó, vào tháng 4/2023, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung (USCC) đã công bố báo cáo chỉ trích Shein và Temu vì gây ra rủi ro về dữ liệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Báo cáo cho rằng các nền tảng thương mại điện tử từ Trung Quốc, bao gồm Temu, đã không tuân thủ đầy đủ quy định bảo mật dữ liệu, gây lo ngại về việc bảo vệ thông tin người dùng. Ngoài ra, những công ty trên còn đối mặt với nhiều cáo buộc liên quan đến việc lạm dụng lao động, khai thác kẽ hở thương mại, như miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa giá trị thấp theo quy định "de minimis" của Hoa Kỳ.

Báo cáo của USCC kêu gọi tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động nhập khẩu của Temu và Shein để ngăn chặn hành vi vi phạm, đặc biệt là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, lao động cưỡng bức, nhằm bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ cũng như thị trường nội địa trước sự cạnh tranh không công bằng từ các nền tảng này.

Temu có tạo nên cơn sốt tại thị trường Việt Nam?

“Còn quá sớm để khẳng định điều này, nhưng tôi cho rằng sẽ có chuyện chia sẻ thị phần với các sàn TMĐT lớn hiện nay như Tik Tok, Shopee, Lazada, Tiki và Sendo”, ông Phùng Thanh Ngọc, tác giả cuốn sách Nhân chuỗi cửa hàng nhận định.

Theo báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2024 của Momentum Works, Việt Nam được ghi nhận là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất khu vực. Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam đã tăng 52,9% trong năm 2023, giúp Việt Nam vượt qua Philippines, trở thành thị trường lớn thứ ba tại Đông Nam Á.

sonr8333_20230323111932-1-(1).jpg
Ông Lê Hải Vũ - CEO Velasboost kiêm Tổng Giám đốc dự án Made.vn

Lạc quan trước sự gia nhập của Temu vào thị trường Việt Nam, ông Lê Hải Vũ, CEO Velasboost kiêm Tổng Giám đốc dự án Made.vn, cho rằng, sự thâm nhập của các nhà bán hàng Trung Quốc vào Việt Nam không phải là hiện tượng mới.

Theo ông Vũ, Temu sẽ tác động nhiều nhất đến người bán nhỏ lẻ cung cấp sản phẩm rẻ hoặc những mặt hàng không yêu cầu thương hiệu rõ ràng. Điều này phản ánh mô hình kinh doanh của Temu, vốn nổi bật với những sản phẩm dễ mua và chiến lược giá thấp, nhằm vào người tiêu dùng nhạy cảm với chi phí.

Với định hướng đó, ông Vũ dự báo Temu sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp đang kinh doanh trong phân khúc giá rẻ.

“Với sản phẩm cần tư vấn, cần thông tin hoặc trải nghiệm có lẽ không cần phải lo lắng quá”, ông Vũ nói thêm, người tiêu dùng hiện tại sẽ bắt đầu tiến hành làm quen lại với app mới, cũng là rào cản khiến Temu mất thời gian “educate” thị trường.

Chưa bàn đến vấn đề giá cả và chất lượng, về phương thức thanh toán, các sàn TMĐT trong nước đang có lợi thế hơn Temu nhờ hỗ trợ dịch vụ COD (Cash on Delivery) – hình thức giao hàng thu tiền hộ. COD cho phép người mua thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng, thay vì phải trả trước qua thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử. Đây là lựa chọn phổ biến, giúp người tiêu dùng kiểm tra hàng hóa trước khi thanh toán, giảm thiểu rủi ro mua phải sản phẩm kém chất lượng.

Ngoài ra, COD còn tạo cảm giác tin cậy, đặc biệt đối với người dùng mới hoặc chưa quen với thanh toán trực tuyến. Về phía người bán, COD tăng tỷ lệ chốt đơn hàng nhờ vào tâm lý an tâm của khách hàng khi chỉ phải trả tiền sau khi nhận hàng.

Do vậy, việc thay đổi thói quen tiêu dùng, trả tiền trước cho nền tảng quốc tế không có trụ sở tại Việt Nam, như Temu, là thách thức không nhỏ.

ddddđ
Ảnh minh họa

Ngoài Temu, 1688.com - trang web TMĐT bán hàng sỉ lớn nhất Trung Quốc, gần đây đã cho phép người mua ở Việt Nam đăng ký mua hàng, thanh toán với ngôn ngữ tiếng Việt. Điều này cho thấy làn sóng các nhà cung cấp Trung Quốc trong việc khai thác Việt Nam như một thị trường tiêu thụ tiềm năng, một kênh xuất khẩu hàng hóa giá rẻ.

Cũng như Temu, 1688 chỉ kinh doanh sản phẩm từ người bán Trung Quốc, chưa cho phép người bán Việt Nam tham gia. Tuy sản xuất công nghiệp đại trà với số lượng lớn vốn là thế mạnh của Trung Quốc nhưng những mặt hàng nông nghiệp, sản phẩm địa phương... của Việt Nam vẫn có chỗ đứng nhất định trên thị trường nội địa.

Ngoài ra, sản phẩm mang chất xám của người Việt Nam, chẳng hạn như hàng sản xuất thủ công hoặc theo mô hình ODM (Original Design Manufacturer), cũng có thể tiếp tục duy trì sức hút nhờ đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa và giá trị bản địa mà hàng hóa đại trà khó có thể thay thế.

Theo một số chuyên gia, để không bị đánh gục ngay trên “sân nhà”, doanh nghiệp Việt nên nhìn vào các phân khúc ngách, nơi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng sản phẩm gắn liền với giá trị văn hóa, bền vững.

Với sự phát triển của thương mại điện tử, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có tiềm năng tận dụng những nền tảng khác như Shopee, Lazada, Tiki, hoặc thông qua kênh bán hàng trực tiếp để phục vụ nhu cầu của nhóm khách hàng tìm kiếm sản phẩm độc đáo, chất lượng.

Theo ông Lê Hải Vũ, các nhà bán hàng Việt cần quay lại với kinh doanh bài bản và dài hạn, thay vì phụ thuộc vào các xu hướng ngắn hạn. Ông Vũ gợi ý, người kinh doanh nên dành nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất, dẫu chỉ tham gia một công đoạn nhỏ. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng hệ thống bán hàng với đội ngũ “in-house” để nắm bắt tệp khách hàng và phát triển kênh bán bền vững, đồng thời đầu tư vào phần mềm và phần cứng quản lý giúp tối ưu vận hành.

“Đây là thời điểm chỉ doanh nghiệp có giá trị cốt lõi mới có thể trụ vững”, ông Vũ nhấn mạnh.

>> Cổ phiếu công ty mẹ của Temu lao dốc gần 30%, thổi bay 55 tỷ USD vốn hóa thị trường

Temu: Rẻ quá hóa lo

Temu, 'tân bình' 2 năm tuổi khiến Amazon phải dè chừng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/22-ngay-temu-vao-viet-nam-255234-255234.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    22 ngày Temu vào Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH