Cổ phiếu công ty mẹ của Temu lao dốc gần 30%, thổi bay 55 tỷ USD vốn hóa thị trường
Cổ phiếu công ty mẹ của nền tảng Temu giảm sâu do doanh thu trong nước sụt giảm, dự báo về những thách thức kinh doanh cho các sàn TMĐT trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc suy yếu.
Cổ phiếu PDD Holdings, công ty mẹ của ứng dụng thương mại điện tử Pinduoduo, đã giảm mạnh gần 30% trên sàn giao dịch New York hôm thứ Hai (28/8), sau khi công bố doanh thu quý 2 thấp hơn kỳ vọng và đưa ra cảnh báo về "những thách thức sắp tới". Sự lao dốc trong giá cổ phiếu đã khiến vốn hóa thị trường của công ty bị thổi bay khoảng 55 tỷ USD.
Tập đoàn thương mại điện tử này đã nhanh chóng giành được thị phần đáng kể tại Trung Quốc với ứng dụng mua sắm giá rẻ Pinduoduo và mở rộng ra thị trường quốc tế với nền tảng Temu. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty đã bày tỏ lo ngại về triển vọng tương lai trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn.
Đồng CEO Zhao Jiazhen tuyên bố trong cuộc họp với các nhà đầu tư rằng công ty sẽ tập trung vào việc phát triển cơ sở thương nhân lành mạnh và tăng cường hỗ trợ liên quan. Động thái này diễn ra sau khi hàng trăm người bán hàng biểu tình tại tòa nhà văn phòng của công ty ở Quảng Châu, phản ánh những căng thẳng trong mối quan hệ giữa nền tảng và người bán.
Chủ tịch kiêm đồng CEO Chen Lei nhấn mạnh: "Mặc dù vui mừng về những tiến triển vững chắc đạt được trong vài quý vừa qua, chúng tôi vẫn thấy nhiều thách thức ở phía trước. Chúng tôi sẽ đầu tư mạnh vào sự tin cậy và an toàn của nền tảng, hỗ trợ những người bán chất lượng cao và không ngừng cải thiện hệ sinh thái. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận những hy sinh ngắn hạn và khả năng suy giảm lợi nhuận".
Phó chủ tịch tài chính Jun Liu cảnh báo rằng tăng trưởng doanh thu trong tương lai chắc chắn sẽ chịu áp lực do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và những thách thức bên ngoài. Ông cũng cho biết lợi nhuận có khả năng bị ảnh hưởng khi công ty tiếp tục đầu tư quyết liệt.
Theo số liệu từ LSEG, doanh thu quý 2 của PDD đạt 97,06 tỷ nhân dân tệ (13,64 tỷ USD), thấp hơn so với ước tính trung bình của các nhà phân tích là 100 tỷ nhân dân tệ. Chi phí hoạt động tăng 48% trong ba tháng kết thúc vào ngày 30/6, khi công ty đầu tư vào tiếp thị, quảng cáo và tăng cường khuyến mãi để thu hút người mua sắm. Đáng chú ý, chi phí chung và hành chính tăng gấp ba lần trong quý, lên 1,84 tỷ nhân dân tệ, chủ yếu do chi phí liên quan đến nhân viên.
Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự suy yếu kéo dài của lĩnh vực bất động sản và tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt là trong nhóm thanh niên. Điều này đã khiến người tiêu dùng Trung Quốc thắt chặt chi tiêu, gây tổn hại đáng kể cho ngành bán lẻ và thương mại điện tử của nước này.
Tình hình kinh doanh khó khăn không chỉ riêng Pinduoduo mà còn ảnh hưởng đến các đối thủ lớn khác trong ngành. Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba đã không đạt được ước tính doanh thu của thị trường vào đầu tháng này do sự sụt giảm doanh số thương mại điện tử trong nước. Trong khi đó, sàn TMĐT có thị phần lớn thứ 2 là JD.com báo cáo doanh thu quý chỉ tăng khiêm tốn 1,2%.
Trong phiên giao dịch ngày 27/8, giá cổ phiếu của các đối thủ gần nhất của Pinduoduo là Alibaba và JD.com cũng trượt dài khoảng 5% tại sàn giao dịch Hồng Kông.
Mặc dù mức giá thấp và chính sách giảm giá mạnh của Pinduoduo cho mọi mặt hàng đã thu hút được lượng người mua sắm lớn, công ty này đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng khi các đối thủ lớn cũng đưa ra các ưu đãi mua sắm cạnh tranh trên nền tảng của riêng họ.
Tiêu dùng - động lực chính của nền kinh tế - đã suy yếu trong năm nay, sau khi chi tiêu phục hồi mạnh mẽ vào năm ngoái nhờ việc mở cửa trở lại sau Covid-19. Trước tình hình cắt giảm việc làm và tiền lương trên diện rộng cùng với sự sụt giảm mạnh của giá bất động sản, người tiêu dùng Trung Quốc đã trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu, dẫn đến cuộc chiến giá cả khốc liệt trong các ngành như ô tô.
Doanh số bán lẻ chỉ tăng hơn 3% trong bảy tháng đầu năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng hơn 8% của giai đoạn trước đại dịch. Theo một khảo sát được thực hiện trong quý II, niềm tin của người dân vào thu nhập tương lai đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2022, thời điểm các biện pháp phong tỏa Covid-19 nghiêm ngặt nhất được áp dụng.
Gần một nửa số người tham gia khảo sát cho biết tình hình việc làm hiện tại "khó khăn và ảm đạm," con số cao nhất kể từ cuối năm 2022. Gần hai phần ba số người được hỏi bày tỏ mong muốn tiết kiệm nhiều hơn, gần chạm mức cao kỷ lục ghi nhận vào năm ngoái.
Theo Reuters
>>"Chết" để được nổi tiếng: Góc khuất ngành công nghiệp livestream trăm tỷ USD của Trung Quốc