3 cổ phiếu thép giảm mạnh nhất thị trường chứng khoán tuần qua
VN-Index giảm tuần thứ 3 liên tiếp; nhóm cổ phiếu thép cũng bị bán mạnh từ 7 - 20%.
Sắc đỏ tiếp tục chi phối thị trường chứng khoán tuần giao dịch từ 25 - 29/9 khi VN-Index mất thêm 38,9 điểm (-3,26%) so với tuần trước đó, còn 1.154,15 điểm và HNX-Index giảm 6,8 điểm (-2,8%) về 236,35 điểm.
Sau nhiều tháng tăng giá tích cực lên các mức cao nhất 12 - 18 tháng, nhiều cổ phiếu penny tiếp tục có thêm tuần bị xả bán thứ 2 - thậm chí thứ 3 liên tiếp.
Nổi bật trên bảng thống kê Top cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trên 3 sàn là TKG, TAR, VGS, APS, DXS, TCH, APG, MHC, TLH.
Cổ phiếu TKG của CTCP Sản xuất và Thương mại Tùng Khánh (sàn HNX) lập chuỗi giảm sàn 7 phiên liên tiếp, mã giảm 39,4% trong tuần qua về mức 6.000 đồng/cp. Khối lượng giao dịch từ mức vài chục nghìn đơn vị/phiên bất ngờ tăng lên mức kỷ lục 1,64 triệu cp trong phiên 29/9.
Chỉ sau hơn 1 tháng, TKG giảm tới 59% |
Tại văn bản giải trình cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp ngày 28/9, Tùng Khánh việc thị trường chứng khoán biến động đã ảnh hưởng đến cổ phiếu TKG. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của Công ty hiện cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với cùng kỳ là lý do khiến giá cổ phiếu TKG giảm sâu.
6 tháng đầu năm 2023, thị trường thép, inox có xu hướng giảm giá dẫn đến doanh thu giảm gần 9% so với cùng kỳ về mức hơn 52 tỷ đồng; giá bán giảm dẫn đến lợi nhuận sau thuế của TKG chỉ đạt gần 185 triệu đồng - giảm gần 88%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Thương mại Tùng Khánh thực hiện 42% kế hoạch doanh thu và mới chỉ đạt 6% kế hoạch lợi nhuận.
Theo quan điểm người viết, câu chuyện kết quả kinh doanh lao dốc trong nửa đầu năm 2023 của TKG thực tế không ảnh hưởng nhiều đến diễn biến giá cổ phiếu trên sàn bởi bất chấp những biến động của thị trường thép kể từ đầu năm 2022 đến nay (lợi nhuận doanh nghiệp thép - inox giảm mạnh), cổ phiếu TKG vẫn diễn biến gần như đi ngang quanh ngưỡng 13.0 suốt 1 năm qua.
Trở lại với diễn biến thị trường, trên sàn HNX, một cổ phiếu thép khác cũng lot Top 10 mã giảm mạnh nhất là VGS của Ống thép Việt Đức (-15,1% về dưới mốc 20.000 đồng/cp).
Trong khi đó, một cổ phiếu thép khác cũng trở thành mã giảm mạnh nhất sàn HOSE trong cùng thời điểm là TLH của Thép Tiến Lên. Với 5 phiên giảm liên tiếp, TLH mất 17,2% giá trị và thủng mệnh giá. Mã đóng cửa phiên 29/9 còn 8.360 đồng - dưới đường hỗ trợ EMA50.
Cần nhấn mạnh rằng, trước nhịp điều chỉnh, cả TLH và VGS đang là 2 mã tăng mạnh nhất nhóm thép 1 tháng qua.
Không thiệt hại nặng như các cổ phiếu nhỏ, các mã lớn ngành thép cũng điều chỉnh từ 5 - 12% tuần qua trong đó HPG giảm 3,7%, NKG giảm 5,3%, HSG giảm 7,2%, POM giảm 10%, TVN giảm 11,7%.
Nhiều gương mặt nổi bật bị bán mạnh
2 cổ phiếu chứng khoán góp mặt trong Top giảm mạnh nhất thị trường chứng khoán từ 25 - 29/9 là APG (-14,2%) và APS (-15,7%).
Cổ phiếu Gạo Trung AN (Mã TAR - sàn HNX) cũng giảm 14,4% về 15.500 đồng/cp. Diễn biến giảm giá được cho là đến từ thông tin Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa 78,3 triệu cổ phiếu TAR vào diện cảnh báo từ ngày 25/9 do công ty chậm công bố báo cáo tài chính riêng và hợp nhất kiểm toán bán niên 2023 quá hạn 15 ngày so với quy định. Trước đó 1 tuần, công ty cũng bị HNX cắt margin.
2 cổ phiếu bất động sản penny đáng chú ý bị bán mạnh tuần qua là DXS của Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh và TCH của CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy; mức giảm lần lượt 13,8% và 14,1%.
Sau nhịp tăng mạnh lên đỉnh 17 tháng (mức 14.500 đồng), cổ phiếu TCH giảm 5/6 phiên gần nhất trong đó có 3 phiên nằm sàn các ngày 22, 25 và 26.9. Mã đóng tuần giảm 3,3% về 11.600 đồng/cp qua đó về dưỡi hỗ trợ đường EMA50. Lực bán của dòng tiền nhỏ lẻ liên tục gia tăng trong khi vị thế nâng đỡ của các dòng tiền lớn suy yếu nhanh chóng; RSI cũng giảm về mức 40 điểm.
Nhà đầu tư thận trọng quan sát biến động giá thời điểm hiện tại, hạn chế vị thế mua mới và chờ xác nhận giá với tín hiệu tích cực hơn từ thanh khoản.
Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm
Kéo trụ ngân hàng, VN-Index bật tăng 12 điểm trong phiên đáo hạn phái sinh