Vĩ mô

5 lĩnh vực tỷ đô mà quốc gia ‘bé hạt tiêu’ giàu top đầu thế giới có thể cùng Việt Nam khai thác

Phúc Lam 07/11/2024 12:15

Kết thúc chuyến thăm chính thức Nhà nước Qatar của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có những chia sẻ với báo Asian Telegraph của Qatar.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng chuyến thăm này là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước và có ý nghĩa rất đặc biệt. Bên cạnh đó, ông cho biết chuyến thăm đã thành công tốt đẹp với nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia.

Về những lĩnh vực hai nước có thể tăng cường hợp tác, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, giữa hai nước có nhiều cơ hội và tiềm năng tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương hướng tới sự thịnh vượng của người dân hai nước cũng như hòa bình và phát triển ở mỗi khu vực.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Việt Nam và Qatar có nhiều cơ hội, tiềm năng tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương 5 lĩnh vực quan trọng.

Trước tiên là lĩnh vực năng lượng và năng lượng tái tạo. Với nguồn tài nguyên dầu khí phong phú, cùng tiềm lực tài chính và công nghệ, Qatar có thể hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển các dự án năng lượng, năng lượng tái tạo, cũng như xây dựng các trung tâm dự trữ khí hóa lỏng, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường Việt Nam với hơn 101 triệu người tiêu dùng, mà còn mở rộng cơ hội cung cấp khí cho các khách hàng trong khu vực.

Thứ hai là lĩnh vực thương mại và đầu tư. Với nền kinh tế phát triển nhanh, môi trường đầu tư hấp dẫn và các chính sách mở cửa, Việt Nam có thể là một lựa chọn hấp dẫn cho các nhà đầu tư Qatar, đặc biệt trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và nông nghiệp công nghệ cao,...

Thứ ba là hợp tác Halal. Cả Việt Nam và Qatar đều đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp Halal trở thành một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia. Việt Nam đã ban hành chiến lược về tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy sự phát triển của ngành Halal đến năm 2030, trong khi Qatar cũng triển khai chương trình Sinh kế Halal nhằm đưa quốc gia này thành trung tâm toàn cầu về công nghiệp Halal trong thời gian tới. Hai nước cần tận dụng tối đa những lĩnh vực bổ sung cho nhau, nơi Việt Nam có nhu cầu và Qatar sở hữu thế mạnh.

Thứ tư là lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu. Việt Nam và Qatar có thể triển khai các chương trình trao đổi học sinh, sinh viên và giảng viên, cũng như hợp tác trong các dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ. Điều này sẽ góp phần nâng cao trình độ và năng lực cạnh tranh của cả hai quốc gia.

Cuối cùng là lĩnh vực văn hóa và du lịch. Với sự đa dạng văn hóa và cùng mối quan tâm sâu sắc đến việc phát triển văn hóa, Việt Nam và Qatar có thể tổ chức các sự kiện giao lưu và xúc tiến du lịch, nhằm tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa người dân hai quốc gia.

5 lĩnh vực tỷ đô mà quốc gia ‘bé hạt tiêu’ giàu top đầu thế giới có thể cùng Việt Nam khai thác
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Ngoài ra, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đánh giá cao vai trò và vị thế của Qatar trong khu vực, không chỉ những đóng góp về kinh tế mà còn trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao và văn hóa. Về mặt kinh tế, Qatar sở hữu nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào, đặc biệt là khí hóa lỏng thiên nhiên, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của khu vực và toàn cầu.

Qatar là quốc gia giàu có hàng đầu thế giới, nơi đây được mệnh danh là “không có người nghèo”. Diện tích của Qatar khoảng hơn 11.500km2 với dân số khoảng hơn 3 triệu người vào tháng 1/2024. Diện tích của Qatar còn nhỏ hơn tỉnh Nghệ An của Việt Nam với hơn 16.489km2. Theo quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của cả nước đạt 246 tỷ USD. GDP bình quân đầu người của đất nước này là 84.900 USD (khoảng hơn 2 tỷ đồng).

Dù là quốc gia nhỏ bé nhưng Qatar lại có nguồn tài nguyên khổng lồ với trữ lượng dầu mỏ khoảng 25,24 tỷ thùng, đứng thứ 14 trên thế giới và trữ lượng khí đốt khoảng hơn 25.000 tỷ m3, đứng thứ 3 thế giới. Đặc biệt, năm 2023, quốc gia này đứng số 1 về trữ lượng heli với hơn 10,1 tỷ m3.

Bên cạnh đó, Qatar là một trong những nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu trên thế giới. Dầu mỏ và khí đốt là lĩnh vực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước và chiếm 70% tổng doanh thu của Chính phủ, hơn 60% tổng sản phẩm quốc nội và khoảng 85% thu nhập từ xuất khẩu.

Bên cạnh việc khai thác tài nguyên khoáng sản, Qatar đã sử dụng nguồn thu từ lĩnh vực này để đầu tư vào các lĩnh vực toàn cầu như bất động sản, công ty đại chúng và tiền tệ. Nhờ chiến lược này, nền kinh tế của quốc gia này đã trở nên vững mạnh và giảm thiểu sự phụ thuộc vào dầu mỏ, mở ra một tương lai bền vững.

Hơn nữa, chất lượng cuộc sống của người dân tại đất nước này cũng được quan tâm và đảm bảo, với việc cung cấp miễn phí các dịch vụ thiết yếu như giáo dục, chăm sóc y tế, và các khoản chi phí sinh hoạt như điện nước.

Chính sách này không chỉ đảm bảo chất lượng cuộc sống cao mà còn giúp loại bỏ hoàn toàn tình trạng nghèo đói, khiến Qatar trở thành một quốc gia mà mọi công dân đều được hưởng những điều kiện sống tốt nhất, khó có thể xuất hiện người nghèo tại đất nước này.

>>Huyện sắp có sân vận động với sức chứa gấp 1,5 lần sân vận động Mỹ Đình: Nỗ lực đón ‘đại bàng làm tổ’

Temu phải đóng những thuế gì và nộp thuế thế nào tại Việt Nam?

Huyện sắp có sân vận động với sức chứa gấp 1,5 lần sân vận động Mỹ Đình: Nỗ lực đón ‘đại bàng làm tổ’

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/5-linh-vuc-ty-do-ma-quoc-gia-be-hat-tieu-giau-top-dau-the-gioi-co-the-cung-viet-nam-khai-thac-258643.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    5 lĩnh vực tỷ đô mà quốc gia ‘bé hạt tiêu’ giàu top đầu thế giới có thể cùng Việt Nam khai thác
    POWERED BY ONECMS & INTECH