62 năm ngành Dầu khí: Những dấu ấn của ‘đầu tàu’ kinh tế Việt Nam

27-11-2023 15:05|PV

Trải qua hơn 6 thập niên với biết bao thăng trầm, các thế hệ người lao động dầu khí đã nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm thực hiện ước nguyện của Bác Hồ, đó là “xây dựng ngành công nghiệp dầu khí mạnh”.

Ngày 27/11/1961, tổ chức dầu khí đầu tiên tại Việt Nam - Đoàn Thăm dò dầu lửa được thành lập. Đến nay, ngành Dầu khí Việt Nam, chủ lực là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã có những bước tiến mạnh mẽ.

Giữ vững vai trò “đầu tàu”

Trong hành trình phát triển, Petrovietnam - doanh nghiệp nòng cốt của ngành Dầu khí - đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, trong đó, tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi; đồng thời đào tạo được đội ngũ lao động dầu khí hùng hậu, có trình độ cao.

Kể từ khi tấn dầu thô đầu tiên được khai thác năm 1986, ngành Dầu khí Việt Nam đến nay đã khai thác được khoảng 430 triệu tấn dầu trong nước và khoảng 180 tỉ m3 khí. Hoạt động dầu khí bao phủ hầu hết thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Không những bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước (NSNN), mà ngành Dầu khí còn có những đóng góp quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.

dầu khí 1.jpg
Khai thác dầu khí trên mỏ Bạch Hổ

Với 5 hệ thống đường ống dẫn khí lớn, hằng năm, Petrovietnam cung cấp gần 9-11 tỉ m3 khí cho sản xuất 35% sản lượng điện quốc gia, 70% sản lượng đạm và 70-80% lượng khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng của cả nước. Petrovietnam cũng là doanh nghiệp đứng thứ 2 về cung cấp điện với tổng công suất các nhà máy điện của Petrovietnam đạt 6.605 MW, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện quốc gia. Hai nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ của Petrovietnam cung cấp ra thị trường trên 15 triệu tấn urê/năm, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu phân bón trong nước, góp phần chấm dứt tình trạng khan hiếm phân bón, phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu. Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, công trình thế kỷ, biểu tượng của ngành lọc hóa dầu Việt Nam, từ khi chính thức đưa vào vận hành đến nay đã sản xuất khoảng 6 triệu tấn dầu/năm, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xăng dầu trong nước, đặc biệt là đáp ứng nhiên liệu theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng...

Cách đây hơn 30 năm, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro phải di chuyển chân đế giàn khoan từ Baku (Azerbaijan) sang lắp đặt ngoài khơi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để phục vụ việc thăm dò, khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ. Đến nay, ngành Dầu khí Việt Nam đã có thể tự chế tạo, lắp đặt, vận hành an toàn tuyệt đối các giàn khoan thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Không những vậy, sản phẩm cơ khí chế tạo dầu khí của Việt Nam còn được xuất khẩu, góp phần mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước.

dầu khí 2.jpg
Người lao động dầu khí (ảnh: Nguyễn Trường Sơn)

Giai đoạn 2006-2015, Petrovietnam đóng góp trung bình 20-25% tổng thu NSNN, 18-25% GDP cả nước. Từ sau năm 2015, Petrovietnam liên tục phải đối mặt với hàng loạt thách thức, khó khăn bởi những bất ổn của nền kinh tế, áp lực giá dầu giảm sâu, đại dịch Covid-19, các cuộc xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu... Trong bối cảnh đó, bằng bản lĩnh của “những người đi tìm lửa”, Petrovietnam đã trụ vững và tiếp tục đạt được những kết quả đáng tự hào. Petrovietnam vẫn đóng góp trung bình 10-13% GDP cả nước; chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu NSNN và chiếm 16-17% tổng thu ngân sách Trung ương. Riêng NSNN nước từ dầu thô chiếm 5-6% tổng thu ngân sách nhà nước.

Vững vàng bước vào giai đoạn mới

Năm 2023, trong bối cảnh tác động tiêu cực của các yếu tố kinh tế vĩ mô, địa chính trị, thị trường, 10 tháng qua, Petrovietnam đã nỗ lực, linh hoạt trong quản trị, điều hành, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, an toàn, liên tục và tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, Petrovietnam hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu tài chính, về đích trước từ 1,5 - 5 tháng kế hoạch cả năm 2023 được giao. Trong đó, nộp ngân sách toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch năm trước 5 tháng (đạt 78,3 nghìn tỷ đồng vào ngày 30/7/2023); Lợi nhuận hợp nhất toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch năm trước 4 tháng (đạt 34,7 nghìn tỷ đồng vào tháng 31/8/2023); Tổng doanh thu toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng, 20 ngày (đạt 677,7 nghìn tỷ đồng vào ngày 10/10/2023); Tổng doanh thu hợp nhất Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng, 18 ngày (đạt 413,7 nghìn tỷ đồng vào ngày 12/10/2023).

Hoàn thành chỉ tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí cả năm trước 1 tháng 10 ngày (đạt 12 triệu tấn quy dầu/kế hoạch cả năm 8-16 triệu tấn quy dầu vào ngày 20/11/2023). Đồng thời, Petrovietnam đã có thêm 02 phát hiện dầu khí mới tại Lô 16-2. 

dầu khí 3.jpg
Toàn cảnh khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau

Sản lượng sản xuất xăng dầu (không bao gồm Nghi Sơn) của Petrovietnam đã hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng 25 ngày (đạt 5,53 triệu tấn vào ngày 06/10/2023); Sản lượng kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng (đạt 9,06 triệu tấn vào ngày 30/10/2023. PVOIL hoàn thành kế hoạch cả năm 3,3 triệu tấn trước 4 tháng; PVNDB dự kiến hoàn thành kế hoạch cả năm 5,76 triệu tấn trước 20 ngày (vào ngày 10-11/12/2023) góp phần quan trọng trong việc duy trì nguồn cung xăng dầu. Từ đó khẳng định Petrovietnam đã thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã giao: “Trong mọi tình huống, không để đứt gãy, không để thiếu nguồn cung xăng dầu phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội".

Năm 2023 còn ghi nhận hàng loạt những dấu ấn quan trọng của Petrovietnam. Việc Petrovietnam cùng các đối tác đã ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai chuỗi Dự án Lô B - Ô Môn là sự kiện quan trọng nhất, đánh dấu bước tiến quan trọng của chuỗi dự án khí điện trọng điểm đã kéo dài gần 20 năm. Đây là công trình trọng điểm nhà nước về dầu khí; có quy mô lớn nhất của Việt Nam hiện nay với sản lượng khai thác khí dự kiến 5,06 tỉ m3/năm trong giai đoạn ổn định, cung cấp cho 4 nhà máy nhiệt điện Ô Môn tại Cần Thơ với tổng công suất lắp đặt gần 4.000 MW; có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược cân đối cung cầu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển kinh tế -xã hội.

dầu khí 4.jpg
Chuyến tàu nhập khẩu LNG đầu tiên của Việt Nam cập bến kho cảng Thị Vải

Bên cạnh đó, cuối tháng 10/2023, Kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Thị Vải công suất 1 triệu tấn/năm được khánh thành. Đây là kho LNG đầu tiên, lớn nhất Việt Nam, đánh dấu một bước đột phá của Petrovietnam trong việc đa dạng hóa sản phẩm, năng lượng mới, mở rộng thị trường, đáp ứng mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng, chuyển dịch và xanh hóa nguồn năng lượng quốc gia.

Trước đó, Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 ghi nhận cột mốc mới khi hoàn thành đưa máy phát điện và turbine khí vào bệ móng, tạo tiền đề quan trọng nhằm bảo đảm tiến độ phát điện thương mại (COD) vào quý IV/2024 và quý II/2025 đối với Nhà máy Điện Nhơn Trạch 4. 

Có thể khẳng định, những nỗ lực của Petrovietnam và các đơn vị thành viên trong những năm qua luôn gắn liền mục tiêu, khát vọng hiện thực hóa Chiến lược phát triển của Petrovietnam với định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời nhấn mạnh quan điểm sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; chủ động thực hiện các giải pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy tìm kiếm và phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo...

Ngọc Minh

Vị tỷ phú đứng sau thoả thuận cung cấp dầu khí kỷ lục kéo dài 10 năm giữa Ấn Độ và Nga

PVS ước lãi 240 tỷ đồng trong quý IV/2024

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/62-nam-nganh-dau-khi-nhung-dau-an-cua-dau-tau-kinh-te-viet-nam-2219908.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    62 năm ngành Dầu khí: Những dấu ấn của ‘đầu tàu’ kinh tế Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH