PTSC (PVS) hạ thủy thành công 'khối sắt' gần 3.400 tấn tại dự án điện gió tỷ USD
Dự án đánh dấu bước tiến mới trong hành trình hội nhập quốc tế của PV Shipyard, đồng thời nâng cao uy tín của PTSC và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trên thị trường năng lượng sạch toàn cầu.
![]() |
Công trường dự án |
CTCP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) – đơn vị thành viên của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, Mã PVS) – vừa hoàn tất chế tạo, hạ thủy và bàn giao thành công phần thượng tầng (topside) của trạm biến áp ngoài khơi (OSS) thuộc dự án điện gió tại Đài Loan (Trung Quốc).
Topside là cấu kiện then chốt trong hệ thống điện gió ngoài khơi, có nhiệm vụ thu gom và chuyển đổi điện năng từ các tuabin gió trước khi truyền tải về đất liền. Được khởi công từ tháng 8/2023, topside có trọng lượng lên tới 3.390 tấn, tích hợp các hệ thống điện, biến áp, điều khiển và tiện ích vận hành. Dự án đã hoàn thành đúng tiến độ vào tháng 6/2025.
Theo đại diện PV Shipyard, đây là cấu kiện có kỹ thuật phức tạp, kết hợp giữa cơ khí chế tạo, điện và tự động hóa. Topside được trang bị hệ thống SCADA giám sát và điều khiển từ xa, cùng với thiết bị đóng cắt cao thế, máy biến áp công suất lớn và hệ thống phân phối điện tiên tiến. Hệ thống an toàn và các tiện ích phụ trợ cũng được tích hợp đầy đủ để đảm bảo vận hành ổn định và hiệu quả.
Trong quá trình thi công, PV Shipyard đã vượt qua nhiều thách thức về điều kiện thời tiết và yêu cầu kỹ thuật cao. Toàn bộ công trình đã được kiểm định và cấp chứng chỉ chất lượng bởi tổ chức quốc tế DNV-GL.
Ông Nguyễn Nam Anh – Phó Giám đốc PV Shipyard – khẳng định: “Việc chế tạo thành công topside trạm biến áp ngoài khơi trọng lượng gần 3.400 tấn là cột mốc quan trọng, không chỉ với PV Shipyard mà còn với ngành cơ khí chế tạo Việt Nam. Thành công này cho thấy khả năng thiết kế, thi công và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi của đội ngũ kỹ sư Việt Nam”.
Dự án đánh dấu bước tiến mới trong hành trình hội nhập quốc tế của PV Shipyard, đồng thời nâng cao uy tín của PTSC và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trên thị trường năng lượng sạch toàn cầu.
Được biết, PVS, cùng với SK Ocean Plant và Sing Da Marine Structure, là các nhà thầu M&C (chế tạo và xây lắp) cho các dự án điện gió ngoài khơi của Orsted tại Đài Loan (Trung Quốc). Dù SK Ocean và Sing Da gia nhập lĩnh vực này sớm hơn, PVS hiện sở hữu cơ sở sản xuất lớn nhất trong nhóm. Ngoài ra, PVS còn cung cấp dịch vụ M&C trọn gói và có năng lực chế tạo mạnh mẽ trong xây dựng ngoài khơi.
Theo Chứng khoán Vietcap, nhờ kinh nghiệm dày dạn, PVS có tiềm năng trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu châu Á trong lĩnh vực này. Tổng giá trị hợp đồng M&C tại các dự án của Orsted ước đạt 5,2 tỷ USD; trong đó, phần khả thi mà PVS có thể đảm nhận khoảng 1,7 tỷ USD, giả định thị phần 33%.
Thành lập năm 2007, PV Shipyard hiện là nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật và công nghiệp cho ngành dầu khí và năng lượng tái tạo tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Doanh nghiệp có năng lực thực hiện các gói EPC trọn gói từ thiết kế, chế tạo đến lắp đặt các cấu kiện như topside, FPSO, jack-up, liftboat, cùng các dịch vụ sửa chữa, bảo trì công trình biển và các dự án công nghiệp trên bờ.
Việc đẩy mạnh các dự án năng lượng tái tạo là minh chứng cho nỗ lực chuyển đổi và định vị PV Shipyard trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp xanh của Việt Nam.
>> Liên danh PTSC (PVS) khởi công gói thầu tại dự án 1,2 tỷ USD thuộc chuỗi điện khí Lô B – Ô Môn