67 tỷ USD đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Tự chủ, tránh lệ thuộc
Sau 14 năm kể từ khi Quốc hội biểu quyết không thông qua, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam lại được đặt đưa vào nghị trường, các đại biểu thảo luận sôi nổi sáng 13/11.
Khác với năm 2010, mối quan tâm hàng đầu của các đại biểu không phải ở con số hàng chục tỷ USD, nỗi lo nợ công, mà là vấn đề chuyển giao công nghệ nhằm tự chủ, từ đó “kích hoạt” ngành công nghiệp đường sắt trong nước phát triển.
“Chúng ta đâu chỉ có mỗi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, mà còn hàng loạt các dự án khác đang được xem xét đầu tư xây dựng, như dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ, đường sắt lên Tây Nguyên, đường sắt đô thị ở Hà Nội và TPHCM…
Vậy nên, vấn đề quan trọng không phải là vốn, nợ công mà là chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ, để từ dự án này, chúng ta sẽ “kích hoạt” phát triển được ngành công nghiệp đường sắt trong nước, từ đó chủ động triển khai xây dựng”, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nói với PV Tiền Phong.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định doanh nghiệp Việt Nam đảm đương và làm chủ dự án. Ảnh: Như Ý |
Kích hoạt phát triển ngành công nghiệp đường sắt
Những gì ông Cường nói cũng là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh khi trình bày báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Theo ông Thắng, so với năm 2010 - thời điểm mà Quốc hội chưa thông qua, bối cảnh quy mô nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều thay đổi.
Cụ thể, quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện đã tăng gấp 3 lần so với 14 năm trước, nợ công chỉ còn ở mức 37% GDP (thấp hơn so với mức 56,6% vào năm 2010). “Nguồn lực để đầu tư dự án không còn là trở ngại lớn”, ông Thắng nói.
ĐBQH Hoàng Văn Cường đề nghị bắt buộc phải chuyển giao công nghệ khi thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao |
Về lợi ích, tư lệnh ngành GTVT cho biết, ngoài đáp ứng nhu cầu vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, dự án sẽ tạo ra động lực để Việt Nam làm chủ về công nghiệp xây dựng đường sắt, nội địa hóa sản xuất phương tiện đường sắt trong các lĩnh vực thông tin, tín hiệu, công tác vận hành, bảo trì, sửa chữa…
Trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề trên, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Hoàng Văn Cường nhắc đi, nhắc lại các bài học ở dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM. Theo ông, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội và Bến Thành - Suối Tiên do không chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn nên mỗi nơi một khác, dẫn đến bị lệ thuộc, gặp nhiều vướng mắc.
“Nếu không làm chủ được công nghệ, không xây dựng được ngành công nghiệp đường sắt thì chẳng lẽ sau này, mỗi một dự án, mỗi tuyến chúng ta lại phải đi mua và lệ thuộc vào công nghệ của từng nước hay sao? Chúng ta bỏ ra 67 tỷ USD để thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao mà không bắt buộc chuyển giao công nghệ thì sẽ tạo gánh nặng cho thế hệ mai sau”, ông Cường nói.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường đề nghị lập đơn vị giám sát về chuyển giao công nghệ |
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng, việc chuyển giao công nghệ rất quan trọng. Nêu thực tiễn hoạt động của các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, ông Thường cho biết, còn nhiều tồn tại, bất cập, khó khăn cho quá trình thực hiện.
Điển hình như dự án Cát Linh - Hà Đông, từ tháng 12/2021 đến nay vẫn đang phải áp dụng đơn giá định mức tạm thời. Việc chuyển giao công nghệ mới chỉ dừng ở việc đào tạo, phục vụ vận hành tuyến. “Trường hợp phải thay thế linh kiện, đều phải phụ thuộc vào nước ngoài’, ông Thường cho biết.
“Chúng ta bỏ ra 67 tỷ USD để thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao mà không bắt buộc chuyển giao công nghệ, không tự chủ được công nghệ thì sẽ tạo gánh nặng cho thế hệ mai sau”.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường
Lập đơn vị giám sát việc chuyển giao công nghệ
Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, việc chuyển giao công nghệ không chỉ dừng lại ở việc chuyển giao làm chủ khai thác vận hành mà phải bao gồm cả việc sản xuất, lắp đặt các trang thiết bị, đặc biệt là công nghệ cốt lõi như tàu điện, đường ray và hệ thống thông tin tín hiệu. “Phí chuyển giao công nghệ là một trong những khoản chi phí lớn, quan trọng cần được xác định trong dự án”, ông Thường nói.
Chung quan điểm, ông Cường cho rằng, nếu làm chủ được công nghệ thì dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ tạo ra những “lợi ích kép”, nhất là trong phát triển ngành công nghiệp đường sắt.
“Khi đó chúng ta hoàn toàn tự chủ, tự tin để chủ động thực hiện các dự án đường sắt khác theo quy hoạch, có trị giá ước tính lên đến hàng trăm tỷ USD”, ông Cường nói và cho rằng không nên quá đắn đo với chuyện đắt, rẻ mà nên nhấn mạnh đến yêu cầu về chuyển giao công nghệ.
Minh chứng cho những lợi ích to lớn từ việc làm chủ công nghệ, đại biểu Hoàng Văn Cường nhắc lại bài học kinh nghiệm thi công “thần tốc” dự án đường dây 500 kV mạch 3. Nhờ tự chủ được công nghệ nên các nhà thầu trong nước đã thực hiện đúng tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “3 ca, 4 kíp”, giúp dự án hoàn thành với thời gian ngắn kỷ lục.
Theo vị Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, thực hiện chuyển giao công nghệ giúp “rộng cửa” cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào dự án, từ khâu thi công xây dựng, đến sản xuất hệ thống ray, toa xe…
Để thực hiện hiệu quả việc chuyển giao công nghệ, ông Thường kiến nghị yêu cầu các công ty nước ngoài tham gia đấu thầu phải liên danh với nhà thầu trong nước, phải hoàn tất đàm phán chuyển giao công nghệ với các công ty trong nước và ký hợp đồng chuyển giao công nghệ hoàn chỉnh trước khi đấu thầu.
Các công ty nước ngoài không thể ký hợp đồng chuyển giao trước khi đấu thầu sẽ bị loại. Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đề nghị phải thành lập bộ phận kiểm tra giám sát đánh giá việc thực hiện chuyển giao công nghệ kèm theo tiêu chí đánh giá.
“Dứt khoát doanh nghiệp Việt phải làm chủ”!
Trước các vấn đề về chuyển giao công nghệ được đại biểu nêu ra, tại phiên thảo luận ở tổ về dự án này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, các dự án metro trước đây khi làm đều chưa có kinh nghiệm, chưa hình dung được triển khai ra sao, cộng thêm cơ chế vay vốn ODA phải ràng buộc về chọn đối tác cho vay nên rất bất lợi.
“Nếu phụ thuộc vào đối tác nước ngoài rất tốn kém. Dứt khoát doanh nghiệp Việt Nam phải đảm đương và làm chủ”. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng
Do đó, với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, khi lựa chọn đối tác phải theo hướng tìm được nhà thầu có chất lượng tốt, giá cả hợp lý và buộc phải chuyển giao công nghệ, không phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài.
“Nếu có vay cũng không quá 30% tổng mức đầu tư, chia theo năm khoảng 46.000 tỷ đồng (1,85 tỷ USD/năm). Dự án chủ yếu sẽ sử dụng nguồn vốn trong nước, nếu có vay vốn nước ngoài, phải rẻ hơn trong nước và cơ chế không ràng buộc, để khi thi công không bị phụ thuộc và ràng buộc vào công nghệ”, ông Thắng khẳng định.
Theo ông Thắng, trước đây có nhiều ý kiến phải yêu cầu đối tác nước ngoài chuyển giao công nghệ. Song Chính phủ, Bộ GTVT thống nhất lựa chọn một số doanh nghiệp lớn thuộc Bộ Quốc phòng và một số doanh nghiệp tư nhân, chỉ định đây là các doanh nghiệp quốc gia nhận chuyển giao công nghệ và tham gia dự án. “Nếu phụ thuộc vào đối tác nước ngoài rất tốn kém. Dứt khoát doanh nghiệp Việt Nam phải đảm đương và làm chủ”, ông Thắng khẳng định.
Theo báo cáo của Chính phủ, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.541 km; tốc độ thiết kế 350 km/h; tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD. Dự kiến, dự án sẽ được khởi công vào năm 2027 và phấn đấu cơ bản hoàn thành tuyến vào năm 2035.
>> Hé lộ vị trí dự kiến đặt nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua tỉnh Thanh Hóa
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Dự kiến 3 tỉnh có ít nhất 2 nhà ga hành khách
Hé lộ vị trí dự kiến đặt nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua tỉnh Thanh Hóa