7 chiêu thức lừa đảo phổ biến nhất trong bất động sản: Người dân dễ ‘sập bẫy’ nếu không cẩn trọng
Người dân cần biết về các chiêu thức lừa đảo phổ biến trong bất động sản hiện nay để có sự cẩn trọng, tránh “sập bẫy” kẻ xấu.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở pháp lý, sự thiếu hiểu biết và tâm lý chủ quan của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo trong mua bán nhà đất. Dưới đây là những thủ đoạn phổ biến cần đặc biệt cảnh giác.
Lợi dụng vi bằng để hợp thức hóa giao dịch trái phép
Hình thức mua bán nhà đất qua vi bằng ngày càng phổ biến, đặc biệt tại các khu vực ngoại thành. Một số đối tượng đã lợi dụng sự mơ hồ của người dân về giá trị pháp lý của vi bằng do thừa phát lại lập để tiến hành các giao dịch không đủ điều kiện pháp lý, như phân lô bán nền trái phép, mua bán bằng giấy tay. Những lời cam kết như "đất có vi bằng", "sẽ sang tên nhanh" đã khiến không ít người "tiền mất, đất không có".

Cam kết chuyển đổi đất nông nghiệp lên thổ cư
Một chiêu thức khác là hứa hẹn hỗ trợ chuyển đổi đất trồng cây, đất lúa thành đất ở. Người mua bị thuyết phục bởi giá rẻ và cam kết làm sổ đỏ, chuyển mục đích sử dụng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chỉ là hứa suông. Điển hình, tháng 9/2024, đối tượng N.X.T tại Bình Phước bị bắt vì lừa đảo chiếm đoạt 115 triệu đồng với thủ đoạn tương tự.
>> Sáp nhập tỉnh/thành: Cẩn trọng trước cơn 'sốt đất ảo'
Dàn dựng "sốt ảo", tạo tâm lý mua bán gấp
Một nhóm môi giới có thể dàn dựng cảnh "tranh mua", thuê người đóng giả khách hàng đến xem đất cùng lúc để tạo cảm giác bất động sản đang được săn lùng. Người mua vì sợ mất cơ hội nên dễ dàng chốt cọc mà không kiểm tra kỹ pháp lý hoặc giá trị thật của tài sản.
Giả mạo sổ đỏ, giấy tờ để lừa đảo song phương
Không ít đối tượng làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bán cho người mua hoặc đánh tráo sổ đỏ thật của chủ nhà sau khi tiếp cận thông tin. Thậm chí, có trường hợp bán một căn nhà hoặc thửa đất cho nhiều người cùng lúc bằng giấy viết tay – lợi dụng việc tài sản chưa đủ điều kiện công chứng.
Bán tài sản đang bị kê biên, chờ thi hành án
Một số trường hợp bất động sản đang bị kê khai thi hành án vẫn được rao bán gấp với giá thấp hơn thị trường. Người mua vì ham rẻ hoặc thiếu hiểu biết đã mua phải tài sản tranh chấp, không thể sang tên hoặc bị thu hồi sau đó.
Lừa đảo tiền đặt cọc rồi "lặn mất tăm"
Hình thức lừa cọc phổ biến trong những giao dịch không có cam kết rõ ràng. Sau khi nhận cọc, bên bán có thể viện lý do trì hoãn hoặc cắt đứt liên lạc. Thậm chí, một số đối tượng còn cùng lúc nhận cọc từ nhiều người cho cùng một tài sản.
Chiêu trò "suất nội bộ" khi mua nhà ở xã hội
Lợi dụng nhu cầu cao và sự khan hiếm của nhà ở xã hội, nhiều môi giới tung tin có "suất ngoại giao", không cần xét duyệt, cam kết trúng quyền mua. Khách hàng bị yêu cầu đặt cọc hoặc ký hợp đồng tư vấn pháp lý lên tới hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, các công ty môi giới có thể chậm trễ, lơ là thực hiện hoặc thậm chí "bốc hơi". Tại Hà Nội, một nhóm 24 khách hàng đã phản ánh bị lừa tổng cộng gần 19 tỷ đồng khi mua suất nhà ở xã hội qua một công ty môi giới trung gian.
Trước các chiêu trò ngày càng tinh vi, người dân cần đặc biệt thận trọng trong giao dịch bất động sản. Chỉ thực hiện giao dịch tại các dự án có pháp lý rõ ràng, được công chứng, xác minh kỹ thông tin quyền sử dụng đất và tránh mua bán qua trung gian không uy tín. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, cần báo cơ quan chức năng để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.