7 lãnh đạo SCB bỏ trốn đã từng giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan
Liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát có 7 người đang bỏ trốn. CQĐT xác định họ đều là những người giữ chức vụ quan trọng ở NH SCB và đã giúp sức cho hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan.
Liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát, ngày 25/10/2023, Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 7 người gồm các ông bà: Nguyễn Thị Thu Sương (nguyên Chủ tịch HĐQT SCB), Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT SCB), Chiêm Minh Dũng (nguyên Phó TGĐ SCB), Trầm Thích Tồn (nguyên thành viên HĐQT SCB); Henry Sun Ka Ziang (quốc tịch Trung Quốc, thành viên HĐQT SCB), Lee George Lam (nguyên thành viên HĐQT SCB), Nguyễn Lâm Anh Vũ (nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành SCB).
Ngày 29/10, Bộ Công an ra quyết định truy nã đối với 7 người này. Cơ quan CSĐT Bộ Công an thông báo để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân biết, phát hiện, bắt giữ. Đồng thời CQĐT cũng yêu cầu các bị can tự giác ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng, đảm bảo thực hiện quyền tự bào chữa và trình bày các nội dung liên quan vụ án theo quy định tại Điều 16, Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Theo kết luận điều tra, bà Nguyễn Thị Thu Sương với vai trò Chủ tịch HĐQT SCB, từ ngày 25/7/2012-30/7/2013, đã ký 4 Biên bản họp/Phiếu biểu quyết của HĐQT, 2 Nghị quyết đồng ý cho 79 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với 79 khoản vay tại SCB có dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 55.814 tỷ đồng.
Trong đó, tổng giá trị tài sản bảo đảm ở hiện tại của những khoản vay mà bị can ký các thủ tục hợp thức là hơn 48.824 tỷ đồng. CQĐT cho rằng, đủ căn cứ xác định bà Sương đã phạm vào tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác của ngân hàng, gây thiệt hại cho SCB hơn 6.989 tỷ đồng.
Từ ngày 28/6/2012- 19/10/2017, ông Đinh Văn Thành với các vai trò là Chủ tịch Hội đồng tín dụng Hội sở, Chủ tịch/Thừa ủy quyền Chủ tịch HĐQT đã ký 42 Biên bản họp/Phiếu biểu quyết của HĐQT, đã ký 12 Nghị quyết đồng ý cho 140 khách hàng vay 174 khoản vay có dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 103.733 tỷ đồng.
Thời điểm 2/2018- 12/2020, ông Thành còn ký 286 Biên bản họp/phiếu biểu quyết của HĐQT, ký 261 Nghị quyết đồng ý cho 129 khách hàng vay 305 khoản vay có dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 319.120 tỷ đồng.
CQĐT xác định, hành vi của ông Thành đã phạm vào tội Tham ô tài sản, liên đới chiếm đoạt số tiền hơn 189.103 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 99.677 tỷ đồng và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác của ngân hàng gây thiệt hại hơn 42.770 tỷ đồng.
Hành vi của ông Thành đã giúp sức tích cực cho việc phạm tội của bà Trương Mỹ Lan
Theo CQĐT, từ tháng 11/2012-4/2019, ông Chiêm Minh Dũng đã ký 75 tờ trình thẩm định cho vay, 143 Biên bản họp Hội đồng kinh doanh và đầu tư hội sở, 9 Biên bản họp Hội đồng kinh doanh và đầu tư trung ương, 123 Biên bản họp/Phiếu biểu quyết HĐQT, 58 Nghị quyết đồng ý cho 305 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với 362 khoản vay tại NH SCB, có dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 126.437 tỷ đồng nợ gốc.
Trong đó, tổng giá trị tài sản bảo đảm ở hiện tại của các khoản vay mà ông Dũng ký các thủ tục hợp thức là hơn 77.552 tỷ đồng.
Như vậy, ông Dũng đã liên đới gây thiệt hại hơn 140.713 tỷ đồng, phạm vào tội Vi phạm quy định về cho hoạt động ngân hàng, liên quan đến hoạt động ngân hàng. Bị can thực hiện hành vi với vai trò giúp sức tích cực, đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan.
Ngoài ra, hành vi phạm tội của các bị can Trầm Thích Tồn, Nguyễn Lâm Anh Vũ cũng bị xác định là đã ký duyệt, đồng ý cấp tín dụng cho các khách hàng là cá nhân, tổ chức thuộc hệ sinh Thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay vốn NH SCB trái với các quy định của pháp luật và của chính SCB.
Việc này dẫn đến các khoản vay bị bà Trương Mỹ Lan rút ruột, sử dụng trái phép, đến nay không có khả năng thu hồi nợ, đều thuộc nợ xấu nhóm 5, không xử lý được tài sản bảo đảm để khắc phục hậu quả, gây thất thoát đặc biệt lớn cho SCB.
Hành vi của hai ông này cũng phạm vào tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng. Ông Tồn bị CQĐT cho rằng đã gây thiệt hại cho SCB hơn 7.176 tỷ đồng; ông Vũ bị xác định đã gây thiệt hại cho NH SCB 3.762 tỷ đồng.
Trước khi khởi tố vụ án, các bị can trên đã xuất cảnh ra nước ngoài, hiện không xác định được họ đang ở đâu. Tuy nhiên CQĐT cho rằng, với những tài liệu, chứng cứ thu thập được, đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của những người này. CQĐT cũng thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai tại địa phương nơi các bị can đăng ký thường trú, lập biên bản vận động họ ra đầu thú.
CQĐT căn cứ Điều 290 Bộ luật TTHS đề nghị VKSND Tối cao, Tòa án cấp sơ thẩm truy tố, xét xử vắng mặt nghiêm minh đối với 5 bị can bỏ trốn nêu trên để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.
Tách vụ án
Theo kết luận điều tra, hành vi của ông Lee George Lam và Henry Sun Ka Ziang đều phạm vào tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng. Ông Lee George Lam gây thiệt hại hơn 19.733 tỷ đồng, trong khi đó, ông Henry Sun Ka Ziang bị cho là đã gây thiệt hại 462.089 tỷ đồng.
CQĐT xác định, cả hai người ngoại quốc trên đều có với trò đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan. Hiện cả hai đã xuất cảnh ra nước ngoài. Sau khi tiến hành điều tra, không rõ hai người ngoại quốc trên ở đâu, và cũng chưa có kết quả tương trợ tư pháp về hình sự.
Vì vậy, ngày 12/11/2023, CQĐT quyết định tách vụ án hình sự “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quan quan đến hành vi của bị can Lee George Lam và Henry Sun Ka Ziang.
CQĐT cũng quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự, điều tra bị can đối với 2 người ngoại quốc trên.
Vụ Vạn Thịnh Phát: Đề nghị xem xét lại, tòa nhà Times Square từng được định giá hơn 60.000 tỷ đồng
Vụ Vạn Thịnh Phát: Cựu Cục trưởng thanh tra xin giảm nhẹ để về trị bệnh