Kiến thức

7 năm băng sông, vượt núi, Việt Nam xây dựng thành công ‘dòng sông năng lượng’ 5.000km chảy dọc Trường Sơn, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ‘phục vụ đắc lực cho thời cơ chiến lược’

Manh Lan 26/08/2024 15:15

“Dòng sông năng lượng” này đã trở thành giải pháp then chốt cho việc cung ứng nhiên liệu, không chỉ cho Bộ đội Trường Sơn mà còn cho lực lượng vận tải của Lào và Campuchia. Đặc biệt, trong các Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh, tuyến đường ống này đã đảm bảo nguồn xăng dầu kịp thời và đầy đủ mọi lực lượng vận tải.

“Cuối năm 1967, xăng dầu trở thành vấn đề thời sự trong các cuộc giao ban hằng ngày... Tất cả các binh trạm cửa khẩu gặp khó khăn trong vận chuyển nên cả tháng 12-1967, tuyến Trường Sơn chỉ nhận được 20 tấn xăng. Nguồn xăng cạn đến mức chỉ dành cho cấp cứu, chỉ phát khi có lệnh của chỉ huy trưởng binh trạm trở lên. Cũng do thiếu xăng nghiêm trọng, lực lượng cơ giới trên tuyến gần như ngừng hoạt động” - là những gì Thượng tướng Phùng Thế Tài, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam viết trong hồi ký.

thumb-duong-ong-xang-dau-truong-son.png
tit-phu-1-duong-ong-xang-dau-truong-son-1-.png

Nhớ lại thời kỳ gian khổ ấy, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng), đồng thời là kỹ sư thiết kế và thi công đường ống xăng dầu Trường Sơn, không thể quên được những thử thách khắc nghiệt mà ông và đồng đội đã phải đối mặt. Dù đã áp dụng vô số phương pháp để vận chuyển xăng dầu vào tiền tuyến, nhưng những gì họ đưa được vào vẫn chỉ là "những giọt máu nhỏ nhoi" giữa cơn khát của chiến trường. Đặc biệt, sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bom đạn kẻ thù đã cày nát các tuyến đường, để lại những vết thương sâu hoắm trên mảnh đất, đe dọa đến từng hơi thở của chiến dịch.

Tháng 4/1968, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đã khẩn cấp điện báo cáo Bộ Quốc phòng: “Do thiếu xăng, xe phải ngừng hoạt động. Nếu không kịp chuyển xăng và lương thực vào sẽ có nguy cơ hàng vạn bộ đội và thanh niên xung phong bị đói”. Tình hình đó làm cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng hết sức “đau đầu”.

Trong cuốn “5 đường mòn Hồ Chí Minh” của tác giả Đặng Phong có ghi, theo lời kể của Đại tá Nguyễn Việt Phương, người đầu tiên nảy ra ý tưởng sử dụng hệ thống ống dẫn xăng dầu trên chiến trường không ai khác chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong một lần làm việc tại Liên Xô, Đại tướng đã được viện trợ hai bộ đường ống dẫn xăng dầu dã chiến, loại phi 10cm, mỗi bộ dài 100km. Tuy nhiên, khi mang về Việt Nam, chúng bị cất trong kho vì chưa ai biết dùng vào việc gì.

anh-thuong-6-duong-ong-xang-dau-truong-son.png
Bức ảnh hai nữ chiến sĩ Trung đoàn 671 đường ống binh trạm 14 lắp đặt đường ống xăng dầu qua trọng điểm Phu La Nhích vào năm 1972 được dùng làm ảnh bìa của cuốn sách “5 đường mòn Hồ Chí Minh” mà chuyên gia lịch sử kinh tế Đặng Phong biên soạn (NXB Tri thức xuất bản năm 2008). Ảnh: Tư liệu

Khi chiến trường phía Nam trở nên sôi động, với tầm nhìn chiến lược, Đại tướng đã gợi ý sử dụng những đường ống này cho chiến dịch. Trong một cuộc họp, khi Đại tướng đặt câu hỏi về việc có thể triển khai đường ống trên chiến trường đầy bom đạn, phần lớn các tướng tá đều im lặng, không đồng tình nhưng cũng không phản đối, vì họ cho rằng điều này là bất khả thi. Nhưng trong cái lặng thinh đó, Thượng tướng Đinh Đức Thiện (khi đó là Trung tướng) đã dũng cảm đứng lên nhận trách nhiệm, hứa với Đại tướng rằng ông sẽ tìm cách biến ý tưởng này thành hiện thực.

quote-1-duong-ong-xang-dau-truong-son.png

“Và rồi, tuyến ống thí điểm đầu tiên dài 42km, mang mật danh X42 vượt qua Tam giác lửa Vinh-Nam Đàn-Linh Cảm đã thành công. Mùa mưa năm 1968, Chủ nhiệm Đinh Đức Thiện đã thông báo cho Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên khả năng đưa đường ống vào Đoàn 559, và với phương thức này, chúng ta hy vọng có thể giải quyết được vấn đề xăng dầu cho vận tải cơ giới lớn”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu nhớ lại.

tit-phu-2-duong-ong-xang-dau-truong-son(1).png

Khởi động từ tháng 4/1968 với mật danh “Công trường Thủy lợi 01,” công trình đường ống xăng dầu bắt đầu từ Nghệ An dưới sự chỉ huy của Trung tá Mai Trọng Phước, thuộc Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần. Dưới sự lao động không ngừng nghỉ của bộ đội và nhân dân, tuyến đường ống từng bước vươn dài về phương Nam, vượt qua vùng "tam giác lửa" ác liệt Vinh - Nam Đàn - Linh Cảm, rồi băng qua sông Lam và sông La để tới kho N2 ở Can Lộc, Hà Tĩnh.

Vào tháng 12/1968, đường ống tiếp tục mở rộng từ Nghệ An, xuyên qua cửa khẩu Mụ Giạ trên đường 12, tiến đến kho Na Tông trên đất Lào. Đến tháng 3/1969, tuyến đường này đã chạm đến kho Ka Vát, đảm bảo nguồn xăng dầu ổn định cho tuyến vận tải phía Tây, góp phần quan trọng vào chiến lược hậu cần của cuộc kháng chiến.

anh-thuong-1-duong-ong-xang-dau-truong-son.png
Bộ đội thi công đường ống dẫn dầu vào miền Nam trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Theo Đại tá Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng về Chính trị Cục Xăng dầu (Tổng cục Hậu cần), vào giữa năm 1969, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Đoàn 559 đã có cuộc họp quyết định tiếp tục mở rộng hệ thống đường ống dẫn xăng dầu dọc theo Đường số 18, hướng về Đường số 9. Trong suốt hơn hai tháng trời, khu vực này liên tục bị B-52 và các loại máy bay khác tấn công, biến mọi con suối, yên ngựa thành những đống đổ nát. Những đơn vị thi công và vác ống chịu nhiều tổn thất nặng nề, dẫn đến sự dao động và lo ngại không thể tiếp tục hoàn thành công việc.

Trước tình hình đó, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã trực tiếp theo dõi sát sao từng bước đi, ra lệnh cho Binh trạm 9 bằng mọi giá phải đưa được xăng vượt qua cửa khẩu, tiến vào Bản Cọ, cách biên giới 50km, để phục vụ vận chuyển trong mùa khô 1969-1970. Khi nhận thấy lực lượng thi công còn mỏng, Tư lệnh đã ngay lập tức chỉ đạo tăng cường thêm một trung đoàn công binh và lực lượng thanh niên xung phong để cùng nhau thi công lắp đặt đường ống và mở rộng Đường số 18, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong tình thế đầy thách thức.

anh-thuong-5-duong-ong-xang-dau-truong-son.png
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên duyệt phương án thi công đường ống xăng dầu qua Tây Nguyên tại thực địa, cuối năm 1969. Ảnh: Tư liệu

Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện đã đưa ra quyết định tháo dỡ các máy bơm do Liên Xô cung cấp để các kỹ sư và công nhân có tay nghề cơ khí cao tiến hành đo đạc chi tiết và chế tạo thử nghiệm. Với sự chỉ đạo trực tiếp của Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, người đã giám sát và đóng góp ý kiến, chiếc máy bơm đầu tiên được thử nghiệm thành công tại Cầu Diễn, Hà Nội. Khi thấy kết quả thành công, các nhà máy cơ khí như Duyên Hải, Hải Dương và Trần Hưng Đạo nhanh chóng nhận nhiệm vụ chế tạo hàng trăm chiếc máy bơm, đáp ứng nhu cầu cho tuyến ống dẫn dầu dài hàng trăm km.

Sau khi giải quyết được vấn đề máy bơm dầu, Chủ nhiệm Đinh Đức Thiện đã đề xuất lấy đoạn thử nghiệm X42 (từ Truông Bồn, huyện Đô Lương, Nghệ An qua sông Lam về Nga Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) làm trung điểm để mở rộng tuyến ống ra cả hai đầu Bắc - Nam. Hướng Bắc nối đến vùng an toàn, nơi không có chiến sự, nhằm tạo nguồn cung cấp xăng dầu ổn định. Hướng Nam đảm bảo việc vận chuyển nhiên liệu chiến lược, tiếp viện cho chiến trường miền Nam.

Để đảm bảo an toàn và thuận tiện, tuyến dẫn vào Nam được phân chia thành hai ngả Tây và Đông Trường Sơn, với tổng chiều dài gần 700km, tạo nên một hệ thống vận chuyển xăng dầu chiến lược xuyên suốt và hiệu quả.

so-do-toan-tuyen-duong-ong-xang-dau.png
Ảnh: Sơ đồ sử dụng của PetroTimes

Hướng Tây Trường Sơn trải dài hơn 350km, khởi đầu từ Nghệ An, vượt qua biên giới sang Lào và xuyên qua khu vực Kavát đầy hiểm trở. Đặc biệt, đoạn đường qua đèo Mụ Dạ (Quảng Bình) với độ cao hàng nghìn mét là một thử thách lớn cho những chiến sĩ. Để vượt qua, họ phải tháo rời máy bơm, mỗi người vác một phần lên núi. Cứ mỗi 100-200m lại đặt một máy bơm để đẩy xăng qua, vượt qua độ dốc kinh hoàng.

Cuối cùng, vào ngày 9/3/1969, xăng dầu đã vượt qua hàng trăm km để đến được Kavát, rồi tiếp tục tiến sâu vào phía Nam qua Hạ Lào, Tây Nguyên và vào đến Đông Nam Bộ.

Trong mùa xuân năm 1969, tuyến dẫn xăng dầu Đông Trường Sơn cũng bắt đầu được thi công. Xuất phát từ Cẩm Ly (Quảng Bình), tuyến đường này men theo đường 10 tiến vào Bến Hải (Quảng Trị), vượt qua vùng A Lưới (Thừa Thiên Huế) đến Kon Tum, và cuối cùng là đèo Đá Bàn (Quảng Ngãi) với độ cao hơn 1.000m. Mỗi đoạn đường, mỗi con đèo là minh chứng cho sự kiên cường và nỗ lực không ngừng nghỉ của những người lính nơi Trường Sơn hùng vĩ.

quote-2-duong-ong-xang-dau-truong-son.png

Năm 1970, Bộ Quốc phòng phê duyệt đề xuất của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, khi đó vẫn mang tên Bộ Tư lệnh 559, để thành lập hai trung đoàn đường ống đầu tiên của Trường Sơn. Trung đoàn 592 do Trung tá Mai Trọng Phước làm Trung đoàn trưởng và Trung tá Lê Đức làm Chính ủy. Trung đoàn 532 được chỉ huy bởi Trung đoàn trưởng Thiếu tá Nguyễn Tuấn và Chính ủy Thiếu tá Trần Ninh Châu. Hai trung đoàn này nhanh chóng được huy động để xây dựng các tuyến đường ống xăng dầu chiến lược, cùng các kho và bể chứa nhiên liệu, đảm bảo nguồn cung ổn định cho các đoàn xe trên mọi mặt trận.

Giữa năm 1970, tận dụng thời điểm Mỹ tạm ngừng ném bom, Tổng cục Hậu cần chỉ đạo việc thi công một đoạn đường ống quan trọng đưa xăng dầu từ Hà Nội vào Nghệ An. Đến cuối năm 1971, đoạn đường ống dẫn xăng dầu từ tổng kho lớn nhất ở miền Bắc, đặt tại Nhân Vực (phía Nam Hà Nội), đã hoàn thành, đưa nhiên liệu trực tiếp vào hai tuyến đường ống Đông và Tây Trường Sơn. Đến năm 1972, tổng chiều dài của hai tuyến đường ống này đã đạt 700km, với khối lượng dự trữ xăng dầu lên tới 12.800m3, tạo nên một kỳ tích trong công cuộc đảm bảo hậu cần cho chiến trường miền Nam.

Từ khi tuyến đường ống được đưa vào sử dụng, việc vận tải xăng dầu bằng xe téc và xe chở phi xăng trên tuyến Trường Sơn đã được dừng lại hoàn toàn. Những chiếc xe ô tô vận tải của Bộ đội Trường Sơn không còn phải chở thùng phuy xăng dầu dự phòng, nhờ đó có thể tối đa hóa khả năng chở hàng chi viện cho chiến trường miền Nam.

anh-thuong-2-duong-ong-xang-dau-truong-son.png
Ảnh: Tư liệu

Sau Hiệp định Paris năm 1973, quá trình vận chuyển xăng dầu chi viện cho miền Nam được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Hai tuyến đường ống Đông và Tây Trường Sơn kéo dài đến Kon Tum và tiếp tục mở rộng, vượt qua sông suối, núi đồi để nối liền đến Bù Gia Mập (Bình Phước), hoàn thành hành trình với tổng chiều dài các đường ống, bao gồm cả những đoạn song song, lên đến gần 5.000km, trở thành một kỳ tích không thể nào quên trong lịch sử dân tộc.

tit-phu-3-duong-ong-xang-dau-truong-son(1).png

Việc xây dựng tuyến đường ống xăng dầu hiện đại giữa những điều kiện địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt và sự đánh phá ác liệt của địch là một kỳ tích của bộ đội Trường Sơn. Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu hồi tưởng lại thời điểm thi công qua khu vực sông Ba Lòng (Quảng Trị), nơi địa hình hiểm trở với những vách đá dựng đứng. Khi khảo sát, ông đã trao đổi với kỹ sư Nguyễn Phúc Môn, người phụ trách thi công, rằng nhiệm vụ đặt ống qua khu vực này không hề đơn giản.

Khi phương án được thống nhất, đồng chí Phan Ninh, Chính ủy Trung đoàn Đường ống 671, và đồng chí Môn lên báo cáo với Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Do địa hình hai bên vách đá quá dốc, không thể đặt ống ở độ sâu 30m rồi lại kéo lên 30m ở phía bên kia suối, giải pháp duy nhất là bắc một cầu treo dài 100m qua suối. Tuy nhiên, việc thiếu dây cáp là một thách thức lớn. Ngay lập tức, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên khẳng định rằng, bộ đội Trường Sơn không bao giờ chùn bước trước khó khăn.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên nói: “Bộ đội Trường Sơn là phải làm được những cái khi người khác không làm được. Ngày trước, ngoài sử dụng dây thừng, bộ đội Điện Biên còn dùng các loại dây rừng như song, mây để kéo pháo vào trận địa. Giờ tôi chỉ có loại dây thép 3mm của bên thông tin, các cậu có làm được không?

Bộ đội Trường Sơn, nhất là kỹ sư ở Trường Sơn, không bao giờ nói khó không làm được".

quote-3-duong-ong-xang-dau-truong-son.png

Trước sự uy nghiêm của Tư lệnh, đồng chí Nguyễn Phúc Môn đã mạnh dạn khẳng định rằng, dây thông tin có thể bện thành cáp để treo đường ống. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đồng ý ngay lập tức và chỉ đạo các lực lượng thông tin cấp dây để triển khai. Tinh thần "không bao giờ nói khó" của bộ đội Trường Sơn đã vượt qua mọi thử thách và hoàn thành nhiệm vụ tưởng chừng như bất khả thi.

Một kỷ niệm khác mà Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu vẫn không thể quên, đó là vào đầu năm 1975 khi ông đang đảm nhiệm vị trí Phó ban Thiết kế thi công của Cục Xăng dầu, đóng quân tại Quảng Trị. Lúc đó, ông nhận lệnh khẩn cấp tiến vào Tây Nguyên để khắc phục sự cố đường ống xăng dầu tại sông Sêrêpôk, đoạn qua tỉnh Đắk Lắk. Để đảm bảo nhiệm vụ được hoàn thành nhanh chóng, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã yêu cầu cử thêm một đồng chí cục phó đi cùng để chỉ đạo.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu và Cục phó Cục Xăng dầu Trần Danh Hòa vội vã lên đường từ Quảng Trị bằng ô tô. Vừa đến nơi, họ lập tức cùng cán bộ Trung đoàn 537 ra hiện trường kiểm tra. Nước sông Sêrêpôk vẫn cuồn cuộn chảy xiết, đường ống đặt ngầm dưới nước rung lên từng nhịp, báo hiệu sự cố nghiêm trọng. Khi thử bơm nước từ bờ Bắc sang bờ Nam, nước trong ống tụt rất nhanh khi dừng bơm, cho thấy đường ống bị thủng ở giữa sông. Trước tình huống cấp bách, ông đề xuất phương án xây dựng cầu treo để đưa ống vượt sông và báo cáo lên Tư lệnh.

Trong thời điểm khi Chiến dịch Hồ Chí Minh sắp khai màn, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã ra lệnh: "Bất cứ ai làm được, giúp được gì bộ đội đường ống khắc phục sự cố đều phải thực hiện".

Với sự hỗ trợ từ Tiểu đoàn 3 Công binh thuộc Sư đoàn 470, một cây cầu phà gần khu vực đã được dựng lên, giúp khắc phục sự cố một cách nhanh chóng. Giữa tháng 3/1975, tuyến đường ống từ Tây Nguyên đến kho Bù Gia Mập (Bình Phước) đã được thông suốt, kịp thời tiếp nhiên liệu cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.

tit-phu-4-duong-ong-xang-dau-truong-son(1).png

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã từng khẳng định: “Nếu đường Trường Sơn là huyền thoại thì đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó”.

Theo “Tổng kết Chiến tranh Cách mạng Việt Nam”, trải qua hành trình dài 7 năm, tổng số lượng xăng dầu cho miền Nam Việt Nam tới 5,5 triệu m3, góp công lớn cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam. Sự chi viện của Liên Xô với 8 bộ đường ống dẫn dầu và nhiều máy bơm cao áp, Trung Quốc với hơn 40 bộ ống dẫn dầu dã chiến, 5 bộ ống hàn và Tiệp Khắc (tên gọi cũ của Cộng hòa Séc) với hơn 100 xe chở ống chuyên dụng đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thành đường ống.

Trên toàn bộ hệ thống này, đã có tới 316 trạm bơm đẩy, 101 kho với sức chứa trên 300 nghìn m3. Từ hai trung đoàn ban đầu, bộ đội xăng dầu Trường Sơn đã phát triển lên thành 4 trung đoàn là các trung đoàn 671, 592, 532, 537 và một số phân đội độc lập. Có thể coi đây như một binh chủng xăng dầu trong đội hình Binh chủng hợp thành trên chiến trường Trường Sơn.

quote-4-duong-ong-xang-dau-truong-son.png

Theo “Hồi ký Trường Sơn” của Đại tá Mai Trọng Phước, sau là Cục trưởng Cục Xăng dầu, Tổng Cục Hậu cần, thì hệ thống đường ống có tất cả 50 kho dã chiến liên hoàn, có trữ lượng 27.050 m3 nhiên liệu, với 114 trạm bơm đẩy với công suất bơm 600-800 m3/ngày.

Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, trong bức điện khen ngợi bộ đội xăng dầu gửi ngày 17/2/1975, đã viết: “Sau một thời gian lao động khẩn trương, vượt qua nhiều khó khăn trong công tác, các đồng chí đã hoàn thành thắng lợi việc xây dựng một tuyến xăng dầu rất dài từ hậu phương ra tiền tuyến. Thành tích đó có ý nghĩa to lớn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ chiến đấu của quân và dân ta trên khắp chiến trường.”

Trong lễ tưởng niệm mười năm ngày mất của Thượng tướng Đinh Đức Thiện tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10/1/1997, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng xúc động nói: “Đồng chí Đinh Đức Thiện và đồng chí Đồng Sỹ Nguyên có công lớn trong việc xây dựng tuyến đường Trường Sơn 559, xây dựng hệ thống giao thông vận tải lớn từ hậu phương miền Bắc đến các chiến trường, trong đó có tuyến đường ống dẫn xăng dầu, nhằm bảo đảm chi viện cho miền Nam, tạo cơ sở hạ tầng cho cơ động lực lượng và vận chuyển lớn, phục vụ đắc lực cho thời cơ chiến lược, nhất là cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.”

anh-thuong-4-duong-ong-xang-dau-truong-son.png
Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện (thứ ba, từ trái sang) và Ban Hậu cần Quân khu 5, tháng 10/1973. Ảnh: Tư liệu

Đại tá Phan Tử Quang, nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu (Tổng cục Hậu cần – Bộ Quốc phòng) kể rằng, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã bày tỏ sự thán phục với ông: “Tôi không ngờ là Việt Nam lại làm được đường ống xăng dầu dài đến 5.000km” và ông đã cử một phái đoàn gần 20 kỹ sư và chuyên gia về đường ống xăng dầu đi tham quan từ Hà Nội theo đường ống đến Mụ Giạ (Quảng Bình).

Các tài liệu từ phía Mỹ cũng cho biết, các tướng không quân Harry Aderholt và Richard Serd của họ đánh giá: “Đường ống xăng dầu của Việt Nam là huyền thoại có thật”.

Rất nhiều chuyên gia quân sự, nhà sử học Mỹ sau này đã nhận định, sở dĩ Mỹ thất bại ở Việt Nam là do đã không thể ngăn chặn được tuyến chi viện từ miền Bắc nói chung cũng như tuyến đường ống xăng dầu nói riêng, trong bối cảnh chiến tranh hiện đại cần huy động rất nhiều phương tiện cơ giới, máy móc.

Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara trong cuốn hồi ký của ông phải thừa nhận rằng, dù đã sử dụng tất cả những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất như máy bay ném bom B-52, hàng rào điện tử hay chất diệt cỏ, bom napalm, quân đội Mỹ vẫn không thể bóp nghẹt Đường mòn Hồ Chí Minh.

“Con đường mòn Hồ Chí Minh là một trong những kỳ tích vĩ đại nhất về quân sự Việt Nam, là tột đỉnh của kỹ nghệ công trình”, tiến sĩ Mỹ Virginia Louise Morris cũng nhận định như vậy.

*Tham khảo:

Tạp chí Hội Dầu khí Việt Nam - Kỳ 2: Dòng sông năng lượng chảy dọc Trường Sơn

Báo Quân đội nhân dân - Bài 3: Tuyến đường ống xăng dầu huyền thoại

>> Người phụ nữ Việt Nam đầu tiên trong lịch sử nhận Huân chương Sao Vàng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó nhiệm vụ đặc biệt

Nữ tiến sĩ Nho học đầu tiên và duy nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam, giả trai đi thi, tên được đặt cho nhiều tuyến đường và trường học

Vị vua đầu tiên đưa môn Toán vào nội dung khoa cử ở Việt Nam: Có nhiều cải cách ‘đi trước thời đại’, thời gian trị vì ngắn nhất lịch sử phong kiến

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/7-nam-bang-song-vuot-nui-viet-nam-xay-dung-thanh-cong-dong-song-nang-luong-5000km-chay-doc-truong-son-duoc-dai-tuong-vo-nguyen-giap-khen-phuc-vu-dac-luc-cho-thoi-co-chien-luoc-125908.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
7 năm băng sông, vượt núi, Việt Nam xây dựng thành công ‘dòng sông năng lượng’ 5.000km chảy dọc Trường Sơn, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ‘phục vụ đắc lực cho thời cơ chiến lược’
POWERED BY ONECMS & INTECH