Kiến thức

Nữ tiến sĩ Nho học đầu tiên và duy nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam, giả trai đi thi, tên được đặt cho nhiều tuyến đường và trường học

Thùy Dung 25/08/2024 12:03

Thậm chí, bà còn từng được Chúa phong làm Tinh Phi (Sao Sa), ngụ ý khen ngợi vẻ đẹp sáng láng như một vì sao.

Từng được mệnh danh là "Bà chúa Sao Sa"

Xã hội Nho giáo Việt Nam thời phong kiến mang định kiến nặng nề với phụ nữ, không cho họ quyền tham gia học hành, thi cử... Tuy nhiên, trong hơn 800 năm lịch sử khoa bảng của Việt Nam, vẫn có một nữ tiến sĩ xuất hiện. Theo Đại Nam dư địa chí ước biên: "Am Đàm Hoa, Tiến sĩ gái" (ở am Đàm Hoa có một nữ tiến sĩ). Đại Nam nhất thống chí ghi rõ tên bà là Nguyễn Thị Duệ, một số tài liệu khác lại gọi là Nguyễn Thị Du hoặc Nguyễn Ngọc Toàn.

Nguyễn Thị Duệ sống vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, quê ở làng Kiệt Đặc (nay thuộc phường Văn An, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Khi nhà Mạc bị họ Trịnh đánh bại và phải lánh nạn ở Cao Bằng, gia đình bà cũng theo đó tị nạn.

Ảnh minh họa 'Bà chúa Sao Sa' Nguyễn Thị Duệ. Ảnh: Internet

Ảnh minh họa 'Bà chúa Sao Sa' Nguyễn Thị Duệ. Ảnh: Internet

Vốn thông minh từ nhỏ, 10 tuổi đã biết làm văn thơ, Nguyễn Thị Duệ được cha cho giả trai để học chữ. Khi nhà Mạc mở khoa thi, dù triều đình đã suy yếu nhưng vẫn thu hút nhiều sĩ tử. Nguyễn Thị Duệ cải trang thành nam, tham gia kỳ thi và đỗ đầu, lúc đó bà khoảng 17-20 tuổi.

Trong buổi yến tiệc tôn vinh tân khoa, vua Mạc nghi ngờ khi thấy vị tiến sĩ có dáng vẻ thanh tú, mảnh mai. Sau khi gặng hỏi, nhà vua phát hiện tiến sĩ này thực chất là phụ nữ.

Trong thời xưa, phụ nữ không được phép đi thi, thậm chí không thể dự một buổi bình văn ở Quốc Tử Giám. Vì vậy, việc Nguyễn Thị Duệ cải trang để tham gia thi Hội và đỗ tiến sĩ được coi là phạm tội khi quân. Tuy nhiên, thay vì trừng phạt, vua Mạc không những bỏ qua mà còn tán thưởng tài năng và nhan sắc của bà. Chúa phong bà làm Tinh Phi (Sao Sa), ngụ ý khen ngợi vẻ đẹp sáng láng như một vì sao. Từ đó, dân gian gọi bà là "Bà chúa Sao Sa".

Năm 1625, khi quân Lê - Trịnh tiến đánh Cao Bằng, nhà Mạc thất thủ, Nguyễn Thị Duệ bị bắt và giải đến trước chúa Trịnh. Nhờ tài đối đáp thông minh, khiêm nhường, bà được tha chết và giao nhiệm vụ dạy dỗ các cung nhân. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi lại: "Vua Lê triệu vào dạy cung nữ, phong tước hiệu Nghi Ái quan".

Khi làm quan, bà thường dẫn chứng kinh sử và sự tích cổ kim một cách rành mạch, được hai chúa Trịnh Tráng và Trịnh Tạc kính trọng. Các văn bản, bài thi Đại khoa đều do bà khảo duyệt. Ở tuổi 70, bà xin về quê Chí Linh, dựng am Đàm Hoa để ở. Dù được cấp thuế trong làng làm ngụ lộc, bà chỉ nhận một phần nhỏ, còn lại dùng cho việc công ích và giúp đỡ người nghèo.

Đặc biệt quan tâm đến giáo dục

Thuở làm quan, Nguyễn Thị Duệ luôn chú trọng phát triển quê nhà, đặc biệt là sự nghiệp học tập của các sĩ tử. Bà thành lập Văn Hội cho các học trò Chí Linh, mỗi ngày rằm và mồng một, Văn Hội sẽ họp tại nhà thờ họ của bà ở làng Kiệt Đặc. Đợi đầu bài từ bà gửi từ kinh đô, ngựa trạm được huy động mang về kịp thời. Việc này cho thấy chúa Trịnh vô cùng quý trọng bà, thậm chí cho phép sử dụng ngựa trạm - phương tiện công - để phục vụ riêng cho học trò Chí Linh.

Sau khi các sĩ tử hoàn thành bài thi, chúng được gửi về kinh đô để Nghi Ái quan chấm rồi trả lại. Bà cũng chu đáo xuất tiền cho người trưởng họ lo cơm nước cho sĩ tử vào ngày thi. Sự thịnh vượng của nền văn học Chí Linh phần lớn nhờ công lao của bà.

Đền thờ bà Nguyễn Thị Duệ tại Hải Dương. Ảnh: Internet

Đền thờ bà Nguyễn Thị Duệ tại Hải Dương. Ảnh: Internet

Nguyễn Thị Duệ tinh thông cả Hán văn và quốc âm, sáng tác nhiều, nhưng như Vũ Phương Đề ghi nhận, phần lớn tác phẩm của bà đã thất lạc vào thế kỷ 18. Bà mất ở tuổi 80 và được an táng tại núi Phượng Hoàng, làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, Hải Dương. Ngôi tháp trên mộ bà mang tên "Tinh Phi cổ tháp," nằm trong Chí Linh Bát Cổ, với bia đá khắc dòng chữ: “Lễ Phi sinh thông tuệ, nhất kính chiếu tam vương.” Chúa Trịnh còn phong tặng bà danh hiệu "Chính vương phủ thị nội cung tần đức lão Lễ Sư" và cấp ruộng hương hỏa để thờ phụng.

Dân làng Kiệt Đặc cũng xây dựng một am nhỏ thờ "Bà chúa Sao Sa" Nguyễn Thị Duệ, trong am có bức hoành phi và đôi câu đối: "Giáp khoa tiên chiếm Cao Bình bảng/ Đại bút do truyền bát cổ bi."

Năm 2004, tượng đồng của bà cùng tám vị đại khoa Hải Dương được đúc và thờ tại Văn Miếu Mao Điền. Năm 2014, khu di tích mộ và đền thờ Nguyễn Thị Duệ được xếp hạng di tích quốc gia. Hiện nay, tại Văn Miếu Mao Điền, bà được thờ cùng Khổng Tử và bảy danh nhân đại khoa khác như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Vũ Hữu và Tuệ Tĩnh.

Tên của bà được lấy để đặt cho nhiều tuyến đường, trường học trên cả nước. Ảnh: Internet

Tên của bà được lấy để đặt cho nhiều tuyến đường, trường học trên cả nước. Ảnh: Internet

Ngoài ra, để ghi nhớ công ơn to lớn của bà, tại Hà Nội và Hải Dương đều có tuyến đường mang tên Nguyễn Thị Duệ. Bên cạnh đó, tại quê hương của bà còn có Trường THPT Nguyễn Thị Duệ. Đây là cách để các thế hệ sau luôn ghi nhớ những đóng góp của vị Tiến sĩ Nho học cho nền giáo dục nước nhà.

>> Vị Tiến sĩ nước Việt đầu tiên sang phương Tây để 'chuộc đất': Xuất thân từ dòng họ khoa bảng lừng danh, đứng trên đất Pháp vẫn kiên quyết kể tội giặc

'Thần đồng' Toán học 10 tuổi vào đại học, 16 tuổi học Tiến sĩ nhưng 8 năm mới ra được trường, 29 tuổi vẫn 'ăn bám cha mẹ'

'Làng Tiến sĩ' 1.000 năm tuổi nổi tiếng bậc nhất Việt Nam từng lên báo Mỹ, là 'cái nôi' của 22 Tiến sĩ thời phong kiến cùng loạt cán bộ cấp cao

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nu-tien-si-nho-hoc-dau-tien-va-duy-nhat-trong-lich-su-khoa-cu-phong-kien-viet-nam-gia-trai-di-thi-ten-duoc-dat-cho-nhieu-tuyen-duong-va-truong-hoc-d131357.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Nữ tiến sĩ Nho học đầu tiên và duy nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam, giả trai đi thi, tên được đặt cho nhiều tuyến đường và trường học
POWERED BY ONECMS & INTECH