Thị trường bất động sản nửa cuối 2025: Cung tăng, giá cao, nhà đầu tư cần lưu ý gì?
Thị trường bất động sản được dự báo mặt bằng giá vẫn neo cao, trong khi nguồn cung tăng nhưng không dễ tiếp cận. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư buộc phải thận trọng, chọn lọc kỹ lưỡng về vị trí, sản phẩm và kỳ vọng sinh lời thực tế.
Chiều 15/7, tại họp báo công bố báo cáo thị trường bất động sản quý II và 6 tháng đầu năm với chủ đề “Đọc vị thị trường”, bà Phạm Thị Miền – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam (VARS IRE), cho biết, một trong những hiện tượng đáng chú ý nhất thời gian qua là “sóng” tăng giá đất nền đến từ kỳ vọng sáp nhập các tỉnh, thành.
Theo bà Miền, đợt sóng mạnh nhất ghi nhận vào cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2025, trong đó giá đất nền tại một số địa phương như Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Hải Phòng, vùng ven Hà Nội… tăng tới 40% chỉ trong vài tuần. Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 4, thị trường bắt đầu ổn định trở lại, cơn sốt “đón đầu” sáp nhập hành chính đã hạ nhiệt. Nhà đầu tư không còn lao vào cuộc chơi theo phong trào mà bắt đầu chờ đợi quy hoạch rõ ràng, định hướng phát triển cụ thể trước khi quyết định xuống tiền.
“Tại các địa phương từng ghi nhận "sóng" giá mạnh, mặt bằng giá và thanh khoản hiện đều chững lại, nhất là ở các khu vực không nằm trong định hướng quy hoạch hành chính mới”, bà Miền nói.
Theo VARS IRE, tổng nguồn cung nhà ở trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt khoảng 64.000 sản phẩm – tương đương 80% tổng nguồn cung của cả năm 2024. Trong đó có hơn 51.000 sản phẩm mới, phần còn lại là hàng tồn kho được tiếp tục đưa ra thị trường. Sự gia tăng đột biến về nguồn cung đến từ việc gỡ vướng pháp lý tại nhiều dự án, cùng với xu hướng đẩy hàng mạnh của các chủ đầu tư lớn.
![]() |
Nhà đầu tư phải thận trọng, chọn lọc kỹ lưỡng về vị trí, loại hình sản phẩm và kỳ vọng sinh lời một cách thực tế. |
Điểm đáng lưu ý là sự trở lại mạnh mẽ của khu vực phía Nam, đặc biệt là TP.HCM và các đô thị vệ tinh. Tuy nhiên, cơ cấu nguồn cung vẫn mất cân đối nghiêm trọng. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng – nơi có nhu cầu ở thực cao, thị trường vẫn chủ yếu ghi nhận căn hộ cao cấp và hạng sang, gần như không có sản phẩm thương mại nào dưới 60 triệu đồng/m².
“Nguồn cung tăng nhưng không đồng nghĩa với dễ tiếp cận. Nhà ở thương mại giá hợp lý vẫn là khoảng trống lớn chưa được lấp đầy”, bà Miền nhấn mạnh.
Cũng theo VARS IRE, việc sáp nhập các tỉnh, thành không chỉ tạo ra “cơn sốt” ngắn hạn, mà còn mở ra dư địa phát triển dài hạn cho nhiều khu vực, nếu được đầu tư hạ tầng đồng bộ và tích hợp quy hoạch rõ ràng.
Việc tinh gọn bộ máy hành chính, rút ngắn thủ tục đầu tư sẽ góp phần giảm chi phí phát triển dự án, tạo điều kiện giảm giá bán, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các khu vực mới. Những địa phương được lựa chọn là trung tâm hành chính mới sau sáp nhập như Bắc Giang, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh… được kỳ vọng sẽ trở thành “điểm rơi” của dòng vốn đầu tư.
“Khi không gian đô thị trung tâm được mở rộng, vùng ven sẽ trở thành nơi đón nhận nhu cầu lan tỏa. Người dân có cơ hội sở hữu nhà ở với giá dễ tiếp cận hơn, còn doanh nghiệp có thể phát triển các đại đô thị quy mô lớn”, báo cáo của VARS IRE nhận định.
Ông Lê Đình Chung – Tổng Giám đốc SGO Homes, cho rằng thị trường bất động sản sau giai đoạn sáp nhập sẽ bước vào thời kỳ “đi ngang”, tức là chưa tăng mạnh trở lại nhưng cũng không giảm sâu. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, đây chính là thời điểm vàng để chọn lọc sản phẩm chất lượng, đón đầu làn sóng hạ tầng và chuyển dịch dân cư.
“Bất động sản nào gắn với nhu cầu ở thực sẽ tăng giá bền vững. Nhà đầu tư cần chú ý tới vị trí trung tâm, mật độ dân cư tốt, có tiện ích đầy đủ và khả năng khai thác cho thuê thực tế”, ông Chung nói.
Ông cũng cảnh báo, các khu vực đất nền từng tăng mạnh do hiệu ứng sáp nhập nhưng không có quy hoạch rõ ràng, ít dân cư, thiếu hạ tầng rất dễ rơi vào tình trạng “thoát hàng khó” trong thời gian tới.
Thị trường địa ốc TP.HCM: Nguồn cung hạn chế, giá nhà vẫn 'tăng đều'
Loạt chính sách 'mở khóa' nguồn cung bất động sản, hàng chục tỷ USD sắp trở lại thị trường