Ăn chặn tiền từ thiện sẽ đối diện với nguy cơ xử lý hình sự hoặc tù chung thân
Các Luật sư cho rằng, với hành vi ăn chặn tiền từ thiện, tuỳ từng trường hợp có thể bị xử lý hình sự hoặc bị tù chung thân. Cùng với đó, hành vi này cũng tạo nên luồng dư luận xấu, gây khó khăn cho việc hỗ trợ từ thiện của cơ quan Nhà nước.
Sau khi MTTQ công bố hơn 12.000 trang sao kê ủng hộ đồng bào thiệt hại do bão số 3, cộng đồng mạng "bóc mẽ" nhiều trường hợp người nổi tiếng trên mạng xã hội đăng hình khoe ủng hộ hàng chục, trăm triệu đồng nhưng thực tế là chiêu trò chỉnh sửa ảnh.
Đáng chú ý, nhờ sao kê mà cư dân mạng phát hiện rất nhiều người chuyển khoản 100 nghìn đồng nhưng chỉnh sửa ảnh để thành chuyển khoản 100 triệu đồng, 500 nghìn đồng nhưng cố tình che số tiền để nhiều người nghĩ là đã ủng hộ 500 triệu đồng.
Thậm chí, có những nội dung nhân danh tập thể nhưng số tiền chuyển khoản là 10 nghìn đồng, 20 nghìn đồng. Hoặc thậm chí có những trường hợp tự chuyển lại cho chính mình.
Ăn chặn tiền từ thiện sẽ đối diện với nguy cơ xử lý hình sự hoặc tù chung thân. |
Sửa bill từ thiện gây dư luận xấu
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu rõ, việc sử dụng thủ thuật chỉnh sửa hình ảnh bill (hóa đơn) chuyển khoản ủng hộ là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thống kê, phân phát.
Việc làm này có thể khiến người đóng góp và người tiếp nhận quản lý tiền nghi ngờ lẫn nhau, gây dư luận xấu.
Tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người sửa bill chuyển tiền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Đặng Văn Cường khẳng định.
Với tội danh này, người vi phạm có thể bị phạt tù đến 7 năm.
Còn trường hợp hành vi làm giả bill chuyển tiền rồi đăng công khai lên mạng xã hội mà chưa gây hậu quả xấu, chưa ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người đưa thông tin sai sự thật về việc chuyển tiền từ thiện này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 101, Nghị định số 15/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
"Mức phạt 10-20 triệu đồng với tổ chức và 5-10 triệu đồng với cá nhân cho hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân", luật sư Đặng Văn Cường nói.
Trước đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai 12.028 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào vùng bão lũ qua số tài khoản Vietcombank 0011001932418 từ ngày 1-10/9.
Động thái này thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng, nhận được nhiều lời khen ngợi vì tính minh bạch. Song, cũng từ đây, một loạt các trường hợp "làm màu" và giả mạo số tiền đóng góp bị cư dân mạng phát hiện.
Một ví dụ điển hình là trường hợp của TikToker V.A, đăng bức ảnh bill chuyển khoản với số tiền bị che, nhưng qua phần hình ảnh lộ ra, nhiều người đoán số tiền hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, đến tối 12/9, khi dân mạng kiểm tra sao kê từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, con số thực tế mà V.A. chuyển chỉ là 1 triệu đồng.
Sáng 13/9, TikToker này đã lên tiếng xin lỗi sau khi bị tố "phông bạt" trong việc khoe chuyển khoản ủng đồng bào bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão số 3.
"Xin lỗi mọi người vì sự phông bạt. Những hình ảnh, thông tin mọi người nhận được là thật. Và việc mình phông bạt cũng là thật", V.A chia sẻ trong video đăng tải sáng 13/9.
Hay trường hợp của cựu vận động viên P.N.P đăng tải bức ảnh sao kê với số tiền ủng hộ bị che khuất, chỉ để lộ nội dung "đóng góp và khắc phục hậu quả bão số 3 Yagi". Dù không nói rõ cụ thể số tiền, nhưng dân mạng đều đoán cô phải chuyển tiền vài trăm triệu bởi cô dùng 8 icon chiếc lá che số 0, và lấp ló có con số 5 ở đầu dãy.
Tuy nhiên, nhiều người đã "soi" có một tài khoản tên P.N.P chuyển khoản ủng hộ 500.000 đồng vào ngày 9/9. Giao dịch này có nhiều nội dung giống với ảnh chụp màn hình chuyển khoản đã được cựu vận động viên đăng tải trên trang cá nhân.
Những trường hợp này khiến cộng đồng mạng bức xúc về hành động "phông bạt" của nhiều cá nhân khi họ cố tình tạo ra những con số không trung thực để đánh bóng hình ảnh bản thân trên mạng xã hội.
Đối diện nguy cơ xử lý hình sự
Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Hừng Đông, (Đoàn LS TP. Hà Nội), với việc các cá nhân, tổ chức kêu gọi tiền vì mục đích từ thiện nhưng "ăn chặn" hoặc tham ô một phần số tiền này sẽ xảy ra hai trường hợp.
Người ăn chặn tiền ủng hộ lũ lụt có thể đối diện với nguy cơ bị xử lý hình sự. |
Trường hợp thứ nhất, nếu cá nhân, tổ chức chủ động lên kế hoạch kêu gọi từ thiện nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt cao nhất là Tù chung thân.
Cụ thể, Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội có hành vi áp dụng các hình thức, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác.
Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp đặc biệt thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến ba năm.
Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai năm đến 7 năm.
Trong trường hợp phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh thì có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Trong trường hợp phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì có thể phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Với trường hợp thứ hai, kêu gọi quyên góp tiền từ thiện nhưng không có mục đích lừa đảo ban đầu nhưng khi kêu gọi từ thiện thì nảy sinh hành vi chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.
Người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù đến 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bên cạnh đó, theo quy định, tại Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử: “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” sẽ bị phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Thường mức phạt sẽ ở mức trung bình của khung hình phạt là 7,5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, việc đăng tải sao kê giả có thể liên quan đến giả mạo tài liệu của cơ quan tổ chức (ngân hàng) và gây ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan tiếp nhận tiền hỗ trợ là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tuy nhiên, hành vi làm giả sao kê để đăng tải lên trang cá nhân sẽ khó xử lý hơn do cần xác định thông tin đó có sai sự thật hay không,... Luật sư Huế cho biết.