Ăn Cùng Bà Tuyết thu 131 tỷ sau nửa năm bán chân gà, nem nướng
"Ăn Cùng Bà Tuyết" xếp thứ 4 trong 10 thương hiệu ngành bách hóa thực phẩm có doanh số cao nhất trong 6 tháng qua. Trung bình mỗi tháng, các sản phẩm của thương hiệu này mang về hơn 21 tỷ đồng.
Báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến nửa đầu năm và dự báo quý III vừa được nền tảng dữ liệu thông minh Metric.vn công bố đã tiết lộ doanh số trong nửa đầu năm của một số thương hiệu và shop (gian hàng) trên các sàn thương mại điện tử.
Với ngành hàng bách hóa - thực phẩm, Ensure - thương hiệu sữa dinh dưỡng ghi nhận doanh số đứng đầu ngành với 471,48 tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2024. Tiếp theo là các thương hiệu sữa nội địa Vinamilk và TH true Milk với doanh số lần lượt là 348,77 tỷ đồng (tăng 54,8%) và 160,69 tỷ đồng (tăng 82,6%).
Đáng chú ý là thương hiệu đồ ăn vặt Ăn Cùng Bà Tuyết, ghi nhận mức tăng trưởng 309,7% so với cùng kỳ năm 2024. Doanh số sau 6 tháng của thương hiệu này đạt 130,85 tỷ đồng ở nền tảng TikTok Shop và Shopee. Như vậy, trung bình mỗi tháng, Ăn Cùng Bà Tuyết thu hơn 21 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, thương hiệu Trung Nguyên và Nescafe cũng nằm trong 10 thương hiệu có doanh số cao nhất trong 6 tháng qua. Các sản phẩm thuộc thương hiệu Trung Nguyên đã mang về doanh số 78,15 tỷ đồng; Nescafe cũng đạt doanh số 65,51 tỷ đồng trên các sàn thương mại điện tử.
Ngoài ra, sản phẩm thuộc thương hiệu Hằng Du Mục cũng đạt doanh số 61,99 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm mặc dù chủ thương hiệu - bà Nguyễn Thị Thái Hằng (tức Hằng Du Mục) dính nhiều lùm xùm và đã bị khởi tố về hành vi sản xuất hàng giả và lừa dối khách hàng hồi đầu tháng 4.
![]() |
5 thương hiệu thuộc ngành hàng bách hóa thực phẩm có doanh số cao nhất trong 6 tháng đầu năm (Ảnh: Metric). |
>>Rúng động: Viên uống Blackmores Super Magnesium+ bị loạt người dùng tố gây biến chứng thần kinh
Về thị trường thương mại điện tử trong 6 tháng qua, theo báo cáo, tổng doanh số đạt 202.300 tỷ đồng, tăng 41,52% so với cùng kỳ năm 2024 với 1.923 triệu sản phẩm được bán ra, tăng 25,44% so với cùng kỳ.
Trong đó, TikTok Shop ghi nhận mức tăng trưởng doanh số 69%, nâng thị phần từ 29% lên 39%. Trong khi Shopee ghi nhận tăng trưởng nhẹ 16% nhưng vẫn chiếm thị phần 58%. Ngược lại, Lazada và Tiki lần lượt mất 48% và 63% doanh số so với cùng kỳ năm trước. Hiện Lazada chỉ còn nắm 3% thị phần.
Một xu hướng đáng chú ý trong giai đoạn này là sự tăng trưởng của hàng nhập khẩu giá rẻ trên Shopee. Cụ thể, nhóm sản phẩm này chiếm tới 6% tổng doanh số toàn sàn, đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu 6,61%. Cụ thể, tổng cộng, hơn 164 triệu sản phẩm hàng nhập khẩu giá rẻ đã được tiêu thụ trên Shopee trong 6 tháng, với giá trị trung bình mỗi sản phẩm đạt khoảng 45.625 đồng. Trong 6 tháng qua, có hơn 80.000 shop rời cuộc chơi so với cùng kỳ và giảm hơn 55.000 shop so với nửa cuối năm 2024.
Theo Metric, xu hướng này cho thấy sự đào thải ngày càng khốc liệt trên thương mại điện tử, khi thị trường đang tập trung vào nhóm nhà bán hàng lớn có khả năng duy trì đơn hàng ổn định.
>>7 tháng đầu năm, người Việt chi 725 tỷ đồng để mua giấy rút trên mạng
2 sàn thương mại điện tử 'thở oxy' sau cơn địa chấn từ TikTok, 80.000 shop 'bay màu' trong 6 tháng
Thương mại điện tử Việt Nam hướng tới mốc 63 tỷ USD: Cơ hội tỷ đô, thách thức tỷ lệ thuận