Bất động sản

Áp lực mua nhà khiến người trẻ 'ngại cưới, lười sinh': Việt Nam có nên học tập phương pháp của Nhật Bản, Hàn Quốc?

Chi Chi 13/08/2024 10:00

Giá nhà tăng cao khiến nhiều người trẻ ưu tiên kiếm tiền mua nhà, lo cho cuộc sống của bản thân thay vì xây dựng gia đình. Đây là một trong những lý do khiến tỷ lệ kết hôn muộn tại Việt Nam đang gia tăng.

Người trẻ "ngại cưới, lười sinh" vì khó mua nhà

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), trong khoảng hơn 30 năm qua, xu hướng hôn nhân và mức sinh ở nước ta thay đổi rất lớn. Tuổi kết hôn tăng mạnh, tỷ lệ kết hôn giảm làm mức sinh giảm tới một nửa trong hơn 30 năm qua. Đáng chú ý, xu hướng kết hôn muộn và không muốn sinh con hoặc sinh 1 con đang lan rộng trong các đô thị, nhất là ở những thành phố lớn như Hà Nội hay TP. HCM.

Về hiện trạng này, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, một trong những lý do chính khiến tỷ lệ kết hôn giảm, tuổi kết hôn cao hiện nay chính là về nỗi lo "cơm áo gạo tiền" và vấn đề giá nhà tác động. Khi giá nhà tăng cao, giá thuê nhà ở cũng tăng cao và gây nên áp lực lớn đến chi phí sinh hoạt của những gia đình trẻ tuổi. Vì thế, nhiều người trẻ hiện nay có suy nghĩ phải mua được nhà trước khi kết hôn hoặc sinh con, thế nhưng giá nhà đất tăng vọt khiến họ dành thời gian làm việc và kiếm tiền nhiều hơn mà bỏ lỡ "thời điểm vàng" để lập gia đình, sinh con. Thực tế này được thấy rõ thông qua các số liệu thống kê.

Vấn đề mua nhà tạo áp lực kết hôn với người trẻ. Ảnh minh họa

Vấn đề mua nhà tạo áp lực kết hôn với người trẻ. Ảnh minh họa

Theo đó tại TP. HCM - nơi có giá nhà cao nhất cả nước cũng đang là thành phố có độ tuổi kết hôn trễ nhất và mức sinh thấp nhất cả nước. Trong giai đoạn 2016-2018, giá nhà tại TP. HCM liên tục tăng cao và lập "đỉnh" mới. Đồng thời trong khoảng thời gian này, TP. HCM có chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) dẫn đầu cả nước.

Từ năm 2019, khi giá nhà TP. HCM tăng chậm lại thì giá nhà Hà Nội lại liên tục tăng cao. Hà Nội vươn lên trở thành thành phố có chi phí đắt đỏ nhất cả nước. Đến thời điểm hiện tại, mặt bằng giá tại Hà Nội cũng đã tiệm cận 60 triệu đồng/m2, sát mức giá ghi nhận được tại TP. HCM. Độ tuổi kết hôn tại Hà Nội cũng đang ngày càng cao với mức sinh giảm sút.

Theo tính toán của realtor.com, việc mua nhà chỉ tốn thêm khoảng 50% mỗi tháng so với việc nuôi con. Vì thế, không khó hiểu khi người trẻ hiện nay lựa chọn độc thân, kiếm tiền thay vì lập gia đình và nuôi con.

Theo VARS, tình trạng "ngại cưới, lười sinh" tiềm ẩn nhiều mối lo cho xã hội trong tương lai khi thiếu nguồn nhân lực trẻ, lực lượng và năng suất lao động giảm sút, tạo gánh nặng cho an sinh xã hội. Đáng chú ý, xu hướng này đang bắt đầu ở tình trạng báo động tại một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Giá nhà tăng cao trở thành một trong những nguyên nhân lớn thúc đẩy xu hướng này.

>> Cập nhật lãi suất cho vay mua nhà tháng 8 của các ngân hàng tại Việt Nam

Giải pháp nào đẩy lùi hiện trạng này tại các đô thị lớn ở Việt Nam?

Để giải quyết vấn đề đang tồn tại ở Việt Nam, đặc biệt là tại các đô thị lớn, VARS đã đưa ra dẫn chứng tại các nước phát triển khi thúc đẩy người trẻ kết hôn thông qua các chính sách hỗ trợ về mua nhà và cho thuê nhà.

Theo đó, tại Nhật Bản, các cặp đôi mới kết hôn sẽ được hỗ trợ một khoản tiền là 600.000 yên (hơn 130 triệu đồng) nhằm trang trải chi phí mua/thuê nhà mới, tiền đặt cọc, tiền chìa khóa, chi phí dịch vụ thông thường, phí môi giới; chi phí chuyển đến nơi ở mới và chi phí trả cho công ty chuyển nhà và người vận chuyển.

Tại Hàn Quốc, ở TP. Busan, các cặp vợ chồng son cũng sẽ nhận 30 triệu won (khoảng 550 triệu đồng) để đặt cọc mua nhà hoặc 800.000 won (hơn 14 triệu đồng) mỗi tháng tiền trợ cấp thuê nhà trong 5 năm.

Tại Còn tại Singapore - nước có giá nhà cao nhất châu Á, các cặp vợ chồng trẻ có thể nhận được trợ cấp nhà ở lên tới 80.000 SGD (khoảng 1,5 tỷ đồng). Riêng nhóm mua nhà lần đầu là vợ chồng trẻ hoặc gia đình có con sẽ được ưu tiên khi có căn hộ mới.

Hà Nội và TP. HCM là một trong số 2 thành phố người dân khó mua nhà nhất. Ảnh minh họa

Hà Nội và TP. HCM là một trong số 2 thành phố người dân khó mua nhà nhất. Ảnh minh họa

Dù đã có những nỗ lực từ phía cơ quan chức năng, thế nhưng tỷ lệ kết hôn và sinh con ở các quốc gia này vẫn tăng rất chậm.

Còn tại Việt Nam, theo VARS, các biện pháp khắc phục tình trạng kết hôn muộn và khuyến khích sinh vẫn còn chung chung. Trên cơ sở kinh nghiệm của các quốc gia khác, Chính phủ cần triển khai quyết liệt các biện pháp hiện đã có và nghiên cứu, xây dựng các chính sách khuyến khích rõ ràng hơn như ưu tiên hỗ trợ mua nhà ở xã hội 1 lần đối với cặp vợ chồng đã sinh đủ 2 con. Đặc biệt cần có những giải pháp trực tiếp và trực diện vấn đề nhà ở.

Về nhà ở cho đại đa số người dân, ngoài việc tăng cung nhà ở xã hội tại đô thị, Nhà nước cần nghiên cứu các chính sách can thiệp để phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền.

Tại TP. Hà Nội và TP. HCM, tính đến nửa đầu năm 2024, căn hộ thương mại bình dân đã hoàn toàn vắng bóng. Hơn 80% nguồn cung căn hộ mở bán tại 2 đô thị này thuộc phân khúc cao cấp, hạng sang (hơn 50 triệu đồng/m2). Theo báo cáo mới đây của CBRE, 2 thành phố lớn nhất của Việt Nam là Hà Nội và TP. HCM đều đứng top đầu châu Á, vượt cả Singapore về chênh lệch giá nhà và thu nhập bình quân của người lao động, cho thấy 2 thành phố lớn của Việt Nam là khu vực mà người dân khó mua nhà nhất.

>> Nghịch lý giá nhà ở Việt Nam: 'Mức tăng thu nhập của người dân chưa theo kịp mức tăng giá nhà và chung cư'

Sợ cưới, lười sinh vì giá nhà cao, đề xuất sinh đủ hai con được mua nhà xã hội

Từ 1/8, trường hợp nào mua nhà bắt buộc phải chuyển khoản?

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ap-luc-mua-nha-khien-nguoi-tre-ngai-cuoi-luoi-sinh-viet-nam-co-nen-hoc-tap-phuong-phap-cua-nhat-ban-han-quoc-d130228.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Áp lực mua nhà khiến người trẻ 'ngại cưới, lười sinh': Việt Nam có nên học tập phương pháp của Nhật Bản, Hàn Quốc?
POWERED BY ONECMS & INTECH