Apple dịch chuyển sản xuất sang một quốc gia châu Á nhưng Trung Quốc trực tiếp 'cản đường': Chuyện gì đang xảy ra?
Việc ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng năm nay và áp thuế bổ sung 10% lên hàng nhập khẩu Trung Quốc càng củng cố lý do để Apple đẩy mạnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Ấn Độ vươn lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Khi ông Donald Trump chuẩn bị nhậm chức Tổng thống Mỹ lần đầu tiên vào năm 2017, Priyank Kharge – Bộ trưởng Công nghệ Thông tin của bang Karnataka, Ấn Độ đã liên tục gọi điện tới trụ sở Apple ở Cupertino, California từ Bengaluru, thành phố được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của Ấn Độ”.
Với việc ông Trump đe dọa áp thuế lên Trung Quốc, Kharge nhìn thấy cơ hội để thu hút Apple – một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới, vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc trong sản xuất.

Ông tìm cách thuyết phục Apple mở nhà máy sản xuất iPhone đầu tiên tại Ấn Độ, nhấn mạnh vào nguồn nhân lực dồi dào của Karnataka cũng như các ưu đãi thuế hấp dẫn. Không chỉ Karnataka, nhiều bang khác, bao gồm Gujarat – quê hương của Thủ tướng Narendra Modi cũng ra sức lôi kéo Apple.
8 năm sau, các nhà cung cấp của Apple, gồm Foxconn (Đài Loan) và Tata Electronics (Ấn Độ) đang và tiếp tục mở rộng sản xuất iPhone không chỉ ở bang Karnataka mà còn có Tamil Nadu, bang nằm ở cực Nam Ấn Độ.
Đáng chú ý, Foxconn hiện đang sản xuất dòng iPhone 16 Pro tại Ấn Độ, cho thấy mức độ phát triển mạnh mẽ của mối quan hệ này. Sự dịch chuyển này có ý nghĩa quan trọng với Ấn Độ. Điện thoại di động đã vượt qua kim cương để trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của quốc gia châu Á.
Dù hiện chỉ có khoảng 15% iPhone được sản xuất tại Ấn Độ, con số này dự kiến sẽ tăng lên 25% vào năm 2027, theo dự báo của JPMorgan và Bank of America. Trên toàn cầu, Apple đã xuất xưởng khoảng 232 triệu iPhone vào năm 2024, theo dữ liệu từ IDC.
“Một công ty dẫn đầu như Apple khi quyết định chọn Ấn Độ là một tín hiệu tích cực. Điều này không chỉ khuyến khích các công ty khác đầu tư mà còn thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất phụ trợ, vốn chưa mạnh trước đây”, Konark Bhandari, chuyên gia tại Carnegie India nhận định.
Trung Quốc “cản đường”?
Đối với Tim Cook, CEO của Apple, sự chuyển dịch sản xuất này mang theo những rủi ro về địa chính trị. Dù Apple cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc nhưng hãng vẫn phụ thuộc rất lớn vào thị trường này.
Theo Financial Times, Trung Quốc có phần không “thoải mái” với sự mở rộng của Apple tại Ấn Độ. Hồi tháng 1, nước này đã bắt đầu siết xuất khẩu vật liệu quan trọng và trang thiết bị công nghệ cao. Chúng là nguyên liệu Apple và chuỗi cung ứng cần để sản xuất linh kiện iPhone và sản phẩm khác.
Thêm nữa, Trung Quốc cũng hạn chế Apple đưa một số kỹ sư trong nước sang Ấn Độ để ngăn chặn chảy máu chất xám.
Tuy nhiên, việc ông Trump quay trở lại Nhà Trắng năm nay và áp thuế bổ sung 10% lên hàng nhập khẩu Trung Quốc càng củng cố lý do để Apple đẩy mạnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Về phía Ấn Độ, sự hợp tác với Apple có ý nghĩa quan trọng đối với Chính phủ Modi trong bối cảnh nước này đang chịu áp lực tạo ra việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp dao động quanh mức 10% trong khi hàng triệu người trẻ đang gia nhập lực lượng lao động mỗi năm.
Tuy nhiên, để Apple thực sự “bám rễ” tại Ấn Độ, nước này cần phát triển hệ sinh thái cung ứng để sánh ngang với mạng lưới sản xuất rộng lớn tại Trung Quốc. Hiện tại, các nhà máy iPhone ở Ấn Độ chủ yếu lắp ráp linh kiện nhập khẩu. Để tiến xa hơn, New Delhi phải thu hút thêm các nhà cung cấp linh kiện cao cấp.

Apple cũng có những đối tác chiến lược mạnh mẽ tại Ấn Độ - đáng chú ý nhất là Tata Group, một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất và lâu đời nhất tại nước này.
Tập đoàn 157 năm tuổi đang đặt mục tiêu trở thành nhà cung ứng toàn diện đầu tiên của Apple tại Ấn Độ. Tuy nhiên, Tata vẫn là một “tân binh” trong lĩnh vực điện tử và cần nhanh chóng thích nghi để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của Nhà Táo.
Những bước tiến của Apple tại Ấn Độ
Từ năm 2020, Chính phủ Modi đã dành gần 6 tỷ USD cho chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) để thu hút các nhà đầu tư trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng tái tạo và vi mạch. Trong số này, Apple là một trong những đối tượng hưởng lợi lớn nhất.
Các bang có ngành sản xuất phát triển từ lâu đã tìm cách thu hút Apple. Năm 2016-2017, lời mời của lãnh đạo bang Karnataka đã khiến Wistron (Đài Loan) trở thành công ty đầu tiên sản xuất iPhone tại Ấn Độ, bắt đầu với mẫu iPhone SE ở Bengaluru.
Cùng thời gian đó, các quan chức đầu tư của bang Tamil Nadu cũng tích cực tiếp cận các nhà cung cấp Đài Loan của Apple. Nỗ lực này mang lại kết quả vào năm 2019 khi Foxconn mở dây chuyền lắp ráp iPhone tại nhà máy ở Sriperumbudur. Trước đó, cơ sở này chủ yếu sản xuất điện thoại thông minh cho các hãng Trung Quốc như Xiaomi và Oppo.
Năm 2020, Tata tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple bằng cách sản xuất vỏ iPhone tại một nhà máy ở Hosur, Tamil Nadu, gần bang Karnataka.
Đến năm 2023, khi Apple mở hai cửa hàng đầu tiên tại Ấn Độ ở Delhi và Mumbai, Tata đã trở thành một đối tác quan trọng. Chuỗi bán lẻ Croma của Tata là nhà phân phối chính các sản phẩm Apple, điều mà tập đoàn này hiện tận dụng để tiến tới mục tiêu trở thành nhà thầu iPhone trọn gói.
Gần đây, Tata đã mở rộng vai trò bằng cách mua lại nhà máy của Wistron ở Bengaluru và nắm 60% cổ phần kiểm soát tại cơ sở của Pegatron ở Tamil Nadu vào tháng trước.
Tham vọng của Tata không dừng lại ở iPhone mà còn mở rộng sang lĩnh vực bán dẫn. Tập đoàn này đang xây dựng một nhà máy chip trị giá 11 tỷ USD tại bang Gujarat, hợp tác với Tập đoàn Powerchip (Đài Loan, Trung Quốc), đồng thời lập một cơ sở sản xuất và đóng gói chip ở Assam. Theo các chuyên gia, một số chip do Tata sản xuất có thể được dùng trong iPhone trong tương lai.
Neil Shah, nhà phân tích tại Mumbai và đồng sáng lập Counterpoint Research, cho biết: "Tata đang nỗ lực tận dụng tối đa cơ hội hợp tác với Apple. Có sự tin tưởng dành cho Tata và cả Ấn Độ nói chung". Với việc Tata đang đẩy mạnh sản xuất, Shah dự đoán tỷ lệ iPhone do Ấn Độ sản xuất, hiện tăng 27% mỗi năm, sẽ vượt mức 20% tổng sản lượng toàn cầu trong năm nay.
Những rào cản còn tồn tại
Dù đạt được nhiều tiến bộ, quá trình chuyển dịch sản xuất của Apple từ Trung Quốc sang Ấn Độ vẫn còn nhiều trở ngại. Nhiều nhà máy iPhone tại Ấn Độ vẫn chỉ là các dây chuyền lắp ráp đơn thuần, với phần lớn linh kiện được nhập khẩu. Chính phủ Ấn Độ nhận thức rõ rằng thu hút thêm các nhà cung ứng linh kiện cốt lõi là yếu tố then chốt để Apple đầu tư sâu hơn.
Một số nhà cung ứng đã bắt đầu dịch chuyển. Hãng sản xuất kính Corning của Mỹ đã hợp tác với Optiemus Infracom của Ấn Độ để xây dựng một nhà máy ở Tamil Nadu. Công ty Mỹ Jabil và hãng Phần Lan Salcomp cũng đang mở rộng hoạt động tại Ấn Độ để phục vụ Apple.
Dù vậy, theo một nhà cung cấp của Apple tại Trung Quốc, “việc chuyển sản xuất sang Ấn Độ là một quá trình khó khăn và tốn kém”, nhất là trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Bắc Kinh và New Delhi.
Hạn chế về thị thực đối với công dân Trung Quốc cũng khiến tiến độ của Foxconn và Apple tại Ấn Độ bị chậm lại vào năm ngoái.
Nhiều máy móc lắp ráp iPhone sử dụng ngôn ngữ lập trình tiếng Trung, đòi hỏi các kỹ sư từ Trung Quốc hoặc Đài Loan sang lắp đặt và bảo trì. Việc cấp thị thực chậm trễ đã ảnh hưởng đến quá trình này. Đáng mừng, hiện tại, thị thực cho công dân Trung Quốc đã được cấp nhanh hơn đối với các ngành trọng điểm theo chương trình khuyến khích sản xuất (PLI) của Chính phủ Modi.
Một thách thức khác đối với Ấn Độ là xây dựng lực lượng lao động đáng tin cậy. Tại Trung Quốc, phụ nữ chiếm phần lớn trong lực lượng sản xuất và lắp ráp của Apple. Tuy nhiên, tại Ấn Độ, rào cản văn hóa khiến việc thu hút lao động nữ trở nên khó khăn.

Tamil Nadu đang nỗ lực khắc phục vấn đề này bằng cách triển khai các chính sách khuyến khích việc làm cho phụ nữ. Bang này hiện có tỷ lệ lao động nữ cao nhất trong ngành sản xuất tại Ấn Độ (chiếm 42%), nhờ các chính sách như xe buýt chuyên dụng đảm bảo an toàn di chuyển. Chính quyền bang, cùng Foxconn và Tata, cũng đang đầu tư vào ký túc xá tại các khu công nghiệp để thu hút lao động nữ.
Dù còn nhiều thách thức, Apple vẫn nhìn thấy tiềm năng lớn tại Ấn Độ. iPhone 15 là mẫu smartphone bán chạy nhất tại nước này trong quý IV/2024, giúp Apple chiếm 23% doanh thu thị trường, vượt Samsung (22%), theo Counterpoint Research.
Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn là thị trường nhỏ so với Trung Quốc. Tổng số iPhone bán ra tại Ấn Độ trong năm qua chỉ bằng một phần tư so với Trung Quốc. CEO Tim Cook cho biết Apple cần đạt được "lợi thế kinh tế theo quy mô" để sản xuất phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Dù vậy, ông khẳng định rằng thị trường smartphone Ấn Độ "có nhiều tiềm năng phát triển".
Sự tiến bộ của Ấn Độ có thể thấy rõ khi Apple đang lên kế hoạch sản xuất iPhone 16 Pro tại đây. Theo Mohan từ Bank of America: "Việc Ấn Độ sản xuất mẫu iPhone tiên tiến nhất của Apple là minh chứng cho thấy họ đã có thể tăng tốc thành công".
Tham khảo FT
Apple lần đầu tiên cân nhắc sản xuất iPhone tại một quốc gia Đông Nam Á
Hàng triệu iPhone có nguy cơ bị hacker chiếm quyền kiểm soát, Apple phát cảnh báo khẩn