Hàng loạt quốc gia châu Á nhanh chóng 'hành động' trước lời đe dọa thuế quan của Tổng thống Donald Trump
Trước khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể áp thuế trả đũa, nhiều nền kinh tế châu Á có thặng dư thương mại lớn với Mỹ đang tích cực đàm phán nhằm đạt được những thỏa thuận có lợi, tránh nguy cơ bị tăng thuế cao hơn.
Châu Á ứng phó với nguy cơ áp thuế từ Tổng thống Donald Trump
Trong tuyên bố cuối tuần qua, ông Donald Trump cho biết sẽ sớm công bố chính sách thuế "đối ứng", theo đó Washington sẽ áp mức thuế tương ứng với thuế mà các quốc gia khác áp dụng đối với hàng hóa Mỹ. Tổng thống Mỹ khẳng định đây sẽ là một biện pháp rộng rãi nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.
![Hàng loạt quốc gia châu Á 'hành động' trước lời đe dọa thuế quan của Tổng thống Donald Trump - ảnh 1](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/12/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-tranthihuyentrang-2025_02_12-_screenshot_2025-02-12_100727_wrwm.png)
Mới đây, ông Trump cũng thông báo rằng: "Chúng ta sẽ áp thuế nhập khẩu 25%, không có ngoại lệ, với toàn bộ nhôm thép". Như vậy, thuế nhập khẩu nhôm sẽ tăng từ mức 10% áp dụng từ năm 2018 lên 25%. Các nước đang được miễn thuế nhôm, thép cũng sẽ không còn được quyền lợi này.
Ngoài ra, các chính sách khác hiện vẫn chưa rõ ràng. Nhóm chuyên gia phân tích tại Barclays nhận định khả năng cao Mỹ sẽ nâng thuế nhập khẩu đối với phần lớn các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, ngoại trừ Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) – hai thị trường mà Mỹ đang hưởng thặng dư thương mại.
Theo số liệu từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tính tới năm 2023, hầu hết các nền kinh tế châu Á đang áp mức thuế quan bình quân với hàng nhập khẩu từ Mỹ cao hơn so với thuế quan của Mỹ với hàng hóa của họ.
Dẫn đầu là Ấn Độ với thuế quan bình quân 17% với những quốc gia có thỏa thuận đối xử tối huệ quốc (Most Favoured Nation, MFN), cao hơn đáng kể so với mức bình quân 3,3% của Mỹ với các đối tác thương mại có thỏa thuận tương tự.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Dân số Mỹ, năm ngoái, Trung Quốc có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ ở mức 295,4 tỷ USD, Nhật Bản (68,5 tỷ USD) và Hàn Quốc (66 tỷ USD).
![Hàng loạt quốc gia châu Á 'hành động' trước lời đe dọa thuế quan của Tổng thống Donald Trump - ảnh 2](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/12/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-tranthihuyentrang-2025_02_12-_screenshot_2025-02-12_095132_lqmq.png)
Ông Stefan Angrick, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Moody’s Analytics, chia sẻ với CNBC rằng việc các nền kinh tế này chưa bị áp thuế ngay lập tức không đồng nghĩa với việc họ có thể yên tâm. Ông nhấn mạnh rằng chính sách của ông Trump có thể thay đổi và các biện pháp thuế quan vẫn có thể được áp dụng trong tương lai.
Theo ông Angrick, sở dĩ một số quốc gia tạm thời tránh được làn sóng áp thuế đầu tiên của Mỹ là nhờ mối quan hệ an ninh chặt chẽ với Washington và khoản đầu tư đáng kể vào nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng điều này không đồng nghĩa với việc họ sẽ không bị ảnh hưởng về sau.
Ấn Độ "nhượng bộ"
Một số công ty nghiên cứu nhận định Ấn Độ có thể là quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất nếu Mỹ áp dụng chính sách thuế "đối ứng", do mức thuế nhập khẩu của nước này đối với hàng hóa Mỹ cao hơn đáng kể so với mức thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa Ấn Độ.
Theo phân tích của Ngân hàng MUFG, mức thuế của Mỹ đối với Ấn Độ có thể tăng từ 3% hiện tại lên hơn 15%.
Trước áp lực từ Washington, đầu tháng này, Ấn Độ đã quyết định giảm thuế đối với nhiều mặt hàng như xe máy, thiết bị điện tử, khoáng sản quan trọng và pin lithium-ion. “Chúng tôi đang phát đi thông điệp rằng Ấn Độ không phải ‘vua thuế quan’”, ông Tuhin Kanta Pandey, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ nhấn mạnh.
Thủ tướng Narendra Modi cũng được cho là đang cân nhắc cắt giảm thuế quan đối với nhiều lĩnh vực hơn và tăng cường nhập khẩu thiết bị năng lượng, quốc phòng từ Mỹ, dự kiến sẽ thảo luận với Tổng thống Trump vào cuối tuần này.
Thặng dư thương mại của Ấn Độ với Mỹ – đối tác thương mại lớn thứ ba của nước này – năm ngoái đạt 45,7 tỷ USD. Trong đó, hàng nông sản nhập khẩu vào Ấn Độ đang chịu mức thuế rất cao lên đến 39%. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, mối quan hệ giữa ông và Thủ tướng Modi khá thân thiết. Tuy nhiên, trong chiến dịch tái tranh cử, ông Trump đã chỉ trích Ấn Độ là một quốc gia "lạm dụng thuế quan nghiêm trọng".
Trong cuộc điện đàm gần đây với ông Modi, Tổng thống Trump nhấn mạnh sự cần thiết của việc Ấn Độ tăng cường nhập khẩu thiết bị an ninh của Mỹ để đảm bảo quan hệ thương mại cân bằng hơn. Một số chuyên gia cho rằng hai bên có thể tiếp tục đàm phán về Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Ấn Độ, vốn đã được thảo luận từ lâu nhưng chưa đạt được tiến triển.
Nhật Bản được "ưu ái"?
Theo các chuyên gia, Nhật Bản dường như có mối quan hệ tích cực với chính quyền ông Trump và có thể sẽ không phải đối mặt với mức thuế cao hơn vào thời điểm hiện tại.
![Hàng loạt quốc gia châu Á 'hành động' trước lời đe dọa thuế quan của Tổng thống Donald Trump - ảnh 3](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/12/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-tranthihuyentrang-2025_02_12-_screenshot_2025-02-12_095143_xapq.png)
Theo dữ liệu từ WTO, Nhật Bản hiện áp thuế quan tương đối thấp, khoảng 3,7%, với các nước có thỏa thuận MFN. Kinh tế trưởng Kyohei Morita của Nomura nhận định rằng khả năng Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Nhật Bản là rất thấp.
Trong Hội nghị thượng đỉnh tuần trước, Nhật Bản đã đồng ý tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và bày tỏ quan tâm đến dự án vận chuyển LNG từ phía Bắc Alaska. Ngoài ra, Nhật Bản và Mỹ đã đạt thỏa thuận rằng thay vì mua lại US Steel, Nippon Steel sẽ đầu tư mạnh vào công ty này và cung cấp công nghệ giúp US Steel nâng cao chất lượng sản phẩm ngay tại Mỹ.
Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Mỹ trong 5 năm liên tiếp và đã cam kết nâng tổng vốn đầu tư lên 1.000 tỷ USD vào năm 2024, từ mức 783,3 tỷ USD vào năm 2023. Ông James Brady, Phó Chủ tịch công ty tư vấn Teneo, cho biết dù Nhật Bản không hoàn toàn miễn nhiễm với các chính sách thuế quan của Mỹ, nước này có thể sẽ không bị nhắm mục tiêu như Canada, Mexico hay Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ đàm phán?
Tuần trước, Mỹ đã áp thuế 10% đối với Trung Quốc, trong khi Canada và Mexico được tạm hoãn. Đáp lại, Bắc Kinh đã thực thi thuế trả đũa vào ngày 10/2, bao gồm thuế 15% đối với than đá, khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ, và thuế 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp, ô tô.
![Hàng loạt quốc gia châu Á 'hành động' trước lời đe dọa thuế quan của Tổng thống Donald Trump - ảnh 4](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/12/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-tranthihuyentrang-2025_02_12-_screenshot_2025-02-12_095154_ywza.png)
Theo dữ liệu từ Nomura, gói thuế này sẽ ảnh hưởng đến 13,9 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc trong năm 2024, chiếm 8,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ và 0,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc nói chung.
Ông Tommy Xie, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại OCBC Bank, nhận định rằng Bắc Kinh đang tìm kiếm cách giảm thiểu tác động tiêu cực và sẵn sàng bước vào các cuộc đàm phán với Washington.
Tham khảo CNBC
Shein tăng tốc chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam để đối phó thuế quan Mỹ
Ứng viên nội các của ông Trump nghiên cứu tác động của thuế quan phổ quát, nhắc tới Việt Nam