Thế giới

Apple lần đầu tiên cân nhắc sản xuất iPhone tại một quốc gia Đông Nam Á

Thanh Lê 12/02/2025 - 16:07

Diễn biến mới này xảy ra trong bối cảnh Apple đã có nhiều tháng đàm phán với chính phủ nước này nhằm dỡ bỏ lệnh cấm bán hàng đối với iPhone 16.

Tờ Nikkei Asia đưa tin, các nhà cung ứng của Apple đang thực hiện những bước đầu tiên để có thể sản xuất iPhone tại Indonesia, trong bối cảnh công ty Mỹ này nỗ lực đàm phán nhằm dỡ bỏ lệnh cấm bán hàng trên các dòng điện thoại mới nhất của mình.

Nếu kế hoạch này thành hiện thực, đây sẽ là lần đầu tiên Apple sản xuất iPhone tại quốc gia Đông Nam Á này, nơi gần như không có hệ sinh thái chuỗi cung ứng.

Động thái này đồng thời cũng sẽ giúp Indonesia tạo thêm việc làm và phát triển ngành sản xuất công nghệ cao, bởi chuỗi cung ứng của iPhone được xem là một trong những hệ thống tinh vi nhất trong ngành điện tử tiêu dùng.

z6310751861107_ca0548a626b3fa4b6e4a07fbc3da0d8e.jpg
Apple đã đàm phán với chính phủ Indonesia để dỡ bỏ lệnh cấm bán dòng iPhone 16

Theo các nguồn tin, Apple đã thảo luận với các nhà cung ứng về tính khả thi của việc lắp ráp iPhone tại Indonesia, một sự thay đổi đáng kể so với vài tháng trước, khi các mẫu iPhone mới nhất bị cấm bán tại quốc gia này.

"Một đơn vị lắp ráp iPhone đã thành lập công ty con tại Batam chuyên phục vụ Apple và đã bắt đầu tuyển dụng kỹ sư để chuẩn bị cho kế hoạch này", một trong bốn nguồn tin có hiểu biết trực tiếp về vấn đề này cho biết.

Diễn biến mới này xảy ra trong bối cảnh Apple đã có nhiều tháng đàm phán với chính phủ Indonesia, sau khi nước này cấm bán iPhone 16 do Apple không đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa.

Ban đầu, Apple cam kết đầu tư vào các học viện giáo dục tại địa phương, nhưng chính phủ Indonesia cho rằng điều này chưa đáp ứng đủ tiêu chí nội địa hóa. Sau đó, Apple đề xuất đưa dây chuyền sản xuất thiết bị theo dõi AirTag vào Indonesia, song chính quyền nước này tiếp tục từ chối.

Quyết định cuối cùng về việc lắp ráp iPhone tại Indonesia vẫn phụ thuộc vào kết quả đàm phán giữa Apple và chính phủ Indonesia. Một nguồn tin khác cho biết nếu kế hoạch được thông qua, việc xây dựng nhà máy sản xuất iPhone tại Batam sẽ mất ít nhất một năm.

"Ngoài việc xây dựng nhà máy, quá trình thiết lập hệ thống phân phối điện cho sản xuất cũng mất từ 4 đến 6 tháng. Chưa kể, sau khi dây chuyền sản xuất hoàn tất, Apple cần thực hiện quy trình kiểm định nghiêm ngặt", nguồn tin này cho biết. "Đây sẽ là một cam kết lớn của Apple khi yêu cầu các nhà cung ứng mở rộng hoạt động tại Indonesia".

Indonesia, với dân số đứng thứ tư thế giới, là thị trường tiềm năng quan trọng cho Apple, đặc biệt khi thị trường smartphone toàn cầu đang chậm lại và thị trường Trung Quốc gặp khó khăn do căng thẳng Mỹ-Trung.

Theo dữ liệu của IDC 2024, phần lớn điện thoại bán ra tại Indonesia thuộc phân khúc giá rẻ, với mức giá trung bình chỉ 195 USD. Hãng điện thoại giá rẻ Transsion của Trung Quốc đã chứng kiến lượng xuất xưởng tăng hơn 61% trong năm 2024, trở thành thương hiệu dẫn đầu thị trường.

Hiện tại, thị phần của Apple tại Indonesia chỉ khoảng 1%, trong khi các đối thủ lớn như Samsung, Oppo, Transsion, Xiaomi và Vivo đều đã có sản xuất nội địa hoặc đối tác địa phương.

Phần lớn các điện thoại bán ra tại Indonesia vẫn là các mẫu giá rẻ, với mức giá trung bình chỉ 195 USD, theo dữ liệu IDC cho năm 2024. Ông vua điện thoại giá rẻ Trung Quốc, Transsion, đã chứng kiến lượng xuất khẩu tăng hơn 61% trong năm 2024 và trở thành hãng điện thoại hàng đầu tại thị trường này.

Hầu hết các nhà sản xuất smartphone lớn khác như Samsung, Oppo, Transsion, Xiaomi, Vivo đều đã có dây chuyền sản xuất hoặc đối tác lắp ráp tại Indonesia. Mới đây, thương hiệu Honor của Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ tham gia thị trường này với toàn bộ sản phẩm được sản xuất tại địa phương. Chính quyền Indonesia đã đặt ra yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa 35% (bao gồm linh kiện và phần mềm) đối với các smartphone được bán tại nước này.

Tuy nhiên, việc mở rộng sản xuất sang Indonesia sẽ là thách thức lớn cho Apple khi phải quản lý chuỗi cung ứng tại quốc gia thứ ba sau Trung Quốc và Ấn Độ. Hiện tại, Apple gần như không có hệ sinh thái chuỗi cung ứng tại Indonesia, chỉ với một nhà cung cấp linh kiện duy nhất được chứng nhận.

"Mọi thứ sẽ phải bắt đầu từ con số 0”, một nguồn tin nhận định. “Tiến độ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của Apple đối với các nhà cung ứng, cũng như sự hỗ trợ từ chính phủ địa phương".

Kristy Tsun Tzu Hsu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN Đài Loan thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Chung Hua, cho rằng việc Apple mở rộng sản xuất ra ngoài Trung Quốc và Việt Nam là một chiến lược hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn do chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

"Không phải vì nền công nghiệp của Indonesia bỗng dưng phát triển mạnh mà thu hút chuỗi cung ứng nước ngoài. Nhưng đây là một lựa chọn an toàn để dịch chuyển một phần năng lực sản xuất sang đây, bởi các quốc gia như Việt Nam, nơi đang có thặng dư thương mại gia tăng với Mỹ, rất có thể sẽ trở thành mục tiêu đánh thuế mới của ông Trump", Hsu nhận xét.

Theo Nikkei Asia

>> Lộ diện hai quốc gia châu Á chịu rủi ro cao nhất trước cảnh báo áp thuế ‘ăn miếng trả miếng’ của ông Trump

Hàng triệu iPhone có nguy cơ bị hacker chiếm quyền kiểm soát, Apple phát cảnh báo khẩn

Huawei khoe lợi nhuận hơn 118 tỷ USD, đánh bại Apple ở thị trường tỷ dân

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/apple-lan-dau-tien-can-nhac-san-xuat-iphone-tai-mot-quoc-gia-dong-nam-a-136656.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Apple lần đầu tiên cân nhắc sản xuất iPhone tại một quốc gia Đông Nam Á
    POWERED BY ONECMS & INTECH