Bài 1: Gỡ nút thắt nguồn lực đầu tư
Ngày 19/6/2020, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội (viết tắt là Nghị quyết 115).
Theo Nghị quyết 115, HĐND TP Hà Nội có thẩm quyền quyết định cho phép các quận sử dụng ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nghị quyết 115 lần đầu tiên được Quốc hội ban hành đã giúp TP Hà Nội giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chi ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện thực hiện xây dựng nông thôn mới theo tinh thần chung của Thành ủy Hà Nội; tạo khuôn khổ pháp lý, góp phần huy động tối đa nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô theo Nghị quyết số 15/NQ-TW của Quốc hội khóa XII, Hà Nội có số đơn vị hành chính cấp xã lớn thứ hai của cả nước. Công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi TP không được T.Ư hỗ trợ nguồn lực đầu tư.
Cái khó của Thủ đô
Nhớ lại những ngày đầu thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương nhìn nhận, dù có vị thế là Thủ đô, nhưng công cuộc xây dựng nông thôn mới của Hà Nội vẫn đối diện nhiều khó khăn; thách thức.
Nguyên nhân là do sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô theo Nghị quyết số 15/NQ-TW của Quốc hội khóa XII, số lượng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện xây dựng nông thôn mới của Hà Nội rất lớn. Không chỉ vậy, địa bàn nông thôn được mở rộng, đa dạng địa hình phân bố dân cư, từ đồng bằng đến trung du, miền núi.
Đặc biệt, Hà Nội có 14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc tỉnh Hà Tây trước đây và huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Đây là những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội rất hạn chế; một số địa bàn thuộc huyện Ba Vì, Mỹ Đức thậm chí vẫn nằm trong diện “thôn, xã đặc biệt khó khăn” của cả nước.
Bên cạnh đó, diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn. Người dân tập trung sinh sống chủ yếu ở khu vực nông thôn. Đời sống kinh tế phụ thuộc nhiều vào canh tác nông nghiệp truyền thống, trong khi hạ tầng phục vụ sản xuất còn nhiều hạn chế, chưa được đầu tư đồng bộ…
Cùng với khó khăn về xuất phát điểm, Hà Nội cũng có hạn chế nhất định về nguồn lực đầu tư. Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư Trần Nhật Lam cho biết, ngay từ khi triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã là một trong những địa phương phải tự chủ về nguồn lực.
Điều này đồng nghĩa trong gần 15 năm qua, T.Ư không hỗ trợ Hà Nội kinh phí để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Theo ông Trần Nhật Lam, đây là đặc điểm rất khác, một khó khăn của Hà Nội so với các địa phương khác của cả nước trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Thành quả và nhiệm vụ đặt ra
Thành ủy Hà Nội luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô. Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mà trọng tâm là xây dựng nông thôn mới được TP xem là nhiệm vụ xuyên suốt, với tinh thần “có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc”.
Nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong hai nhiệm kỳ Đảng bộ TP Hà Nội khóa XV và XVI, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 02/CTr-TU giai đoạn 2010 - 2015 và 2016 - 2020, xác định đây là chương trình công tác lớn, trọng tâm toàn khóa để tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, tính đến tháng 6/2020, Hà Nội có 6 đơn vị hành chính cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm. Bên cạnh đó là 356/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Toàn TP chưa có xã nào được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
“Trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 6/2020, nguồn lực Hà Nội huy động để thực hiện xây dựng nông thôn mới vào khoảng 58.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới chủ yếu đến từ nguồn ngân sách Nhà nước, việc thu hút nguồn lực xã hội chưa nhiều” - ông Nguyễn Văn Chí thông tin thêm.
Với con số 356 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào thời điểm tháng 6/2020, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số đơn vị hành chính cấp xã về đích. Tuy nhiên, với việc 12/18 đơn vị hành chính cấp huyện và 26 xã chưa về đích, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đặt ra đối với Hà Nội vẫn là hết sức nặng nề.
Nút thắt được tháo gỡ
Trong bối cảnh nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đặt ra nhiều vấn đề cấp bách, Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII tiếp tục ban hành Chương trình số 04-CTr/TU để tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Quá trình triển khai, Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để huy động nguồn lực nội vùng theo tinh thần chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội. Đặc biệt trong đó có chủ trương “tiếp sức ngoại thành xây dựng nông thôn mới” thông qua các hoạt động “kết nghĩa”, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng, hoàn thiện hạ tầng của các quận dành cho các huyện.
Chủ trương của Hà Nội đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ lớn của Quốc hội. Trên cơ sở đề xuất của TP, ngày 19/6/2020, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội (viết tắt là Nghị quyết 115).
Một trong những nội dung theo Nghị quyết 115 là HĐND TP Hà Nội có thẩm quyền quyết định, cho phép các quận sử dụng ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nghị quyết 115 lần đầu tiên được Quốc hội ban hành đã giúp TP Hà Nội giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chi ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; tạo hành lang pháp lý, cơ sở thuận lợi để các quận cụ thể hóa chủ trương hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới theo tinh thần chung của Thành ủy Hà Nội.
Thành quả xây dựng nông thôn mới của Hà Nội trong những năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, tinh thần nhân văn của Nghị quyết 115; làm sâu sắc thêm tình đoàn kết giữa các quận - huyện; tạo động lực quan trọng để TP tiếp tục phát huy nguồn lực nội sinh, tiến tới gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng hơn nữa, xứng đáng là “lá cờ đầu” trong xây dựng nông thôn mới của cả nước.
(Còn nữa)
>>Chủ tịch Quốc hội dự lễ tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc, HTX tiêu biểu toàn quốc 2024