Bài 1: Phố vắng nhưng “đông” biển cho thuê cửa hàng
Từng là “thủ phủ thời trang” với các thương hiệu, shop thời trang lớn nhỏ hay các cửa hàng nội thất, gia dụng… nhưng đến nay, các con phố vốn buôn bán sầm uất trước kia hiện lại ở trong cảnh hiu hắt. Hàng loạt các cửa hàng đóng cửa im ỉm.
200m phố có tới chục biển hiệu cho thuê cửa hàng
Ngày trước, để “ngoi” lên được một cửa hàng tại phố Kim Mã (quận Ba Đình) thì chắc rằng số tiền bỏ ra để thuê mặt bằng không hề nhỏ. Có những thời điểm tại con phố này, giá thuê mặt bằng tính bằng của một cửa hàng nhỏ khoảng tầm 10 – 20m2 với mặt tiền khiêm tốn nhưng có giá cho thuê lên đến hàng chục triệu đồng là chuyện bình thường. Hơn nữa, thời điểm đó, thuê được một cửa hàng tại con phố này cực kỳ khó khăn. Bởi lẽ, cứ hễ hở ra là đã có ngay người đặt cọc…
Thế nhưng, trái ngược với sự đắt khách thời hoàng kim, thời điểm đầu tháng 6/2024, theo ghi nhận của PV, chỉ một quãng đường ngắn trên phố Kim Mã, đoạn từ ngã tư Núi Trúc đến phố Giang Văn Minh, nhiều mặt bằng thời gian qua luôn trong tình trạng cửa đóng then cài, treo chi chít biển, số điện thoại cho thuê. Một số cửa hàng vốn đã có tên tuổi trong ngành thời trang đã “biến mất”. Mặt bằng vốn rộng rãi, trước tấp nập kẻ đến người đi nay vắng lặng. Thay vào đó là tấm biển cho thuê xơ xác.
Tương tự, không chỉ nổi tiếng “chảnh” từ người bán hàng đến người cho thuê mặt bằng, các con phố Hàng Ngang, Hàng Đào… cũng chịu cảnh hiu hắt.
Tuy nhiên, từ sau đại dịch Covid-19, rất nhiều cửa hàng tại đây không thể cầm cự, lần lượt phải trả mặt bằng vì chi phí quá lớn. Đến nay, dù dịch bệnh đã qua nhưng con phố này vẫn không có lại sự đông đúc bán mua vốn có của nó. Hàng loạt cửa hàng im lìm đóng cửa, chủ nhà phải treo biển cho thuê, ngóng tìm khách mới.
Cùng chung số phận, phố Huế sầm uất, sáng choang với những cửa hàng kinh doanh, nay cũng trong cảnh ảm đạm. Cứ cách 3-4 nhà thì có một nhà đóng cửa, treo biển cho thuê. Thậm chí, ghi nhận cả một dãy nhà liền kề nhau đồng loạt "cửa đóng then cài", im lìm không thấy mở cửa.
Một chủ mặt bằng hai tầng rộng hơn 50m2 tại con phố này cho biết, đã đóng cửa mặt bằng hai tháng nay rồi. "Trước Tết nhiều người hỏi thuê với giá 30 triệu đồng, tuy nhiên sau Tết thì các hộ kinh doanh trả mặt bằng, tôi giảm xuống 25 triệu đồng nhưng vẫn chưa có ai thuê" - người này chia sẻ.
Cũng theo chị, tình trạng ế ẩm này từ cuối năm 2023, một số hộ may mắn tìm được khách thuê, còn lại đều đóng cửa im lìm, mặt bằng bỏ trống treo biển… “ngóng khách”.
Về câu chuyện này, anh Phan Khánh - một môi giới bất động sản cho biết, thời điểm sau Covid-19, nhiều gia đình thắt chặt chi tiêu mà giá thuê mặt bằng ở các con phố làm ăn được tại Hà Nội đều rất cao. Nhiều nhãn hàng, thương hiệu dù muốn thuê nhưng mức giá thuê quá đắt đỏ khiến họ chùn bước.
Anh chia sẻ thêm, trong 1 năm qua, anh đã chứng kiến một hệ thống cửa hàng trên phố Kim Mã đã đóng cửa toàn bộ, trả lại mặt bằng do tình hình kinh doanh ế ẩm. Đáng chú ý, đa số mặt bằng để trống này từng là nơi kinh doanh của các thương hiệu lớn trong ngành thời trang, ẩm thực, cửa hàng tiện lợi, mỹ phẩm…
“Nhu cầu tìm thuê mặt bằng kinh doanh trong giai đoạn hiện nay cũng lớn. Tuy nhiên, nhiều chủ mặt bằng không giảm giá cho thuê dù để trống thời gian dài. Giai đoạn kinh tế có nhiều khó khăn, người thuê mặt bằng kinh doanh cũng cân nhắc nhiều về giá” - anh Phan Khánh cho biết.
Vắng khách thuê nhưng chủ nhà vẫn không xuống giá
Vắng khách thuê, nhà treo biển cho thuê từ rất lâu, nhưng nhiều chủ nhà vẫn kiên quyết để đấy chứ không giảm giá.
Một chủ nhà tại quận Ba Đình chia sẻ, khách thương lượng chủ nhà giảm giá trong bối cảnh khó khăn là có. Nhưng mức thương lượng này nằm trong hoạch định giá của chủ nhà chứ không phải chiều lòng khách thuê.
Người này cho rằng, nếu mỗi lần khó khăn, chấp nhận giảm giá thuê theo mong muốn của khách thuê sẽ tạo thành tiền lệ xấu. Khi đã chiều họ một lần, họ sẽ vin vào đó để tiếp tục nài kéo giá những lần sau. “Cũng giống như trường hợp nhiều người thay bằng mua hoa từ trước mà cứ chờ đến 30 Tết mới đi mua để mong chủ hoa hạ giá. Tôi cũng như các chủ hoa, các chủ hoa thà đập hoa hoặc tặng không để trang trí đường phố cho đẹp chứ không giảm giá thành thì tôi cũng thà đóng cửa chứ không giảm giá nhà” - chị nói.
Về câu chuyện giảm giá thời điểm Covid-19, chị cũng cho rằng, không phải chủ nhà nào cũng sẵn sàng san sẻ với khách thuê. Có chăng họ sẽ thương lượng thời gian thuê hợp đồng thay vì hạ giá thuê theo yêu cầu của khách. Chị cho biết, thậm chí với nhiều chủ mặt bằng còn tranh thủ khó khăn thời Covid-19 để “hất” người thuê cũ để cho khách khác thuê. Chị khẳng định, mặc dù khó tin, nhưng có chuyện ấy. “Không những tạo tiền lệ xấu, nếu giảm giá thuê sâu còn vô tình làm căn nhà mất giá trị trong mắt người khác. Hơn nữa, chị cũng cho rằng, nhìn về tương lai, các mặt bằng ở vị trí trung tâm luôn có nhu cầu. “Giá đất, giá chung cư đều tăng chóng mặt, thậm chí cả giá cho thuê để ở cũng không hề rẻ. Vậy thì không có lý do gì mà giá thuê mặt bằng lại cứ xuống mãi. Hơn nữa, một căn nhà vài chục tỷ đồng mà cho thuê với giá 20, 30 triệu đồng thì khác gì đầu tư tiền chẵn xong đi nhặt… tiền lẻ” - người phụ nữ này nói.
(Còn nữa)
>> Địa phương cách Hà Nội 80km được ‘thổi giá’ đất cả trăm triệu/m2
Giá thuê mặt bằng tăng gần 20 lần, tiểu thương chợ đêm Cần Thơ lo sốt vó
Cận cảnh tuyến phố Hà Nội có giá thuê mặt bằng thuộc top đắt nhất thế giới