Ngành bất động sản vẫn chưa bước qua giai đoạn khó khăn, các dự án chậm tiến độ, lượng giao dịch thấp. Khá hiếm doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn, kể cả ở các vị trí lao động phổ thông.
Trước khó khăn ngành bất động sản hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, tác động đến vấn đề an sinh xã hội, hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống người lao động.
Do “tắc” nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu, nguồn vốn huy động từ khách hàng nên một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro hoặc phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu, tạo cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ nhưng có rủi ro do là sản phẩm hình thành trong tương lai.
Trên thực tế, hiện khá hiếm doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn, kể cả ở các vị trí lao động phổ thông. Đặc biệt, ngành bất động sản vẫn chưa bước qua giai đoạn khó khăn, các dự án chậm tiến độ, lượng giao dịch thấp. Một số doanh nghiệp trong ngành xây dựng thậm chí đã phải cắt giảm chi phí nhân sự hay giảm quy mô nhân viên.
Ví dụ, từ đầu tháng 12/2022, ông lớn ngành xây dựng - Tập đoàn Hòa Bình cho biết bắt đầu áp dụng các phương án tiết giảm chi phí theo lộ trình, trong đó tiết giảm chi phí nhân sự đầu tiên. Cụ thể, Xây dựng Hòa Bình sẽ giảm tỷ lệ hiệu suất công việc và các khoản phụ cấp theo lươngđối với CBNV toàn công ty.
Báo cáo tài chính quý 4/2022 của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) vừa công bố cho thấy doanh nghiệp đã cắt giảm 3.191 nhân sự, trong đó, một công ty con thuộc mảng dịch vụ của tập đoàn sa thải 3.040 người.
Các doanh nghiệp môi giới (phân phối) hoặc chủ đầu tư có bố trí bộ phận môi giới bán hàng có tỷ trọng sa thải 50% nhân sự trở lên bằng nhiều hình thức: dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3-6 tháng, thôi việc, giữ chế độ cộng tác viên, nợ lương nhưng chưa xác định thời hạn chi trả.
Một số đơn vị quy mô dưới 50 nhân viên thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí còn chấm dứt hợp đồng với 70% người lao động do không còn nguồn lực cầm cự. Trong khi đó, các chủ đầu tư có bộ máy tinh gọn hơn - chỉ nuôi đội ngũ phát triển dự án - ghi nhận tỷ lệ cắt giảm 20-25% cùng với giảm lương theo cấp bậc.
Trái ngược với việc hàng loạt doanh nghiệp bất động sản phải đóng cửa, cắt giảm bớt nhân sự thì doanh nghiệp được ví như “gà đẻ trứng vàng” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục muốn tuyển dụng hàng nghìn nhân sự.
Cụ thể, Vinhomes đang có nhu cầu tuyển dụng hàng loạt vị trí từ cấp cao đến thực tập sinh làm việc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Mức thu nhập mà nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam đưa ra khá hấp dẫn, từ 15-25 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh mức thu nhập hấp dẫn, Vinhomes cũng cung cấp một số chế độ phúc lợi khác, bao gồm: được bố trí chỗ ở và bữa ăn ca miễn phí, miễn phí đào tạo nghề, được mua bảo hiểm tai nạn, chi trả tới 100 triệu đồng/vụ,...
Ngoài ra, Vinhomes yêu cầu ứng viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học và có kinh nghiệm làm việc tại các vị trí tương đương từ 2 năm trở lên. Ứng viên cần nắm rõ kiến thức chuyên môn, nhiệt tình, chăm chỉ và có trách nhiệm trong công việc,...
Trong báo cáo tài chính quý 1/2023, Vinhomes ghi nhận doanh thu đạt gần 29.300 tỷ đồng, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đóng góp lớn nhất giúp cho doanh thu Vinhomes đến từ việc công ty đã bàn giao 2.600 bất động sản thấp tầng tại Đại dự án Vinhomes Ocean Park 2.
Tại thời điểm 31/3/2023, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Vinhomes lần lượt là 378.000 tỷ đồng và 160.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 4,4% và 8,0% so với đầu kỳ. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt hơn 111.900 tỷ đồng.