Bất chấp trừng phạt, hàng tỷ USD, Euro vẫn "chảy" vào Nga
Theo dữ liệu hải quan hãng tin Reuters thu thập, khoảng 2,3 tỷ USD và Euro đã được chuyển đến Nga kể từ khi Mỹ và EU ra lệnh cấm xuất khẩu tiền giấy sang Nga do liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine.
Các số liệu chưa được báo cáo trước đây cho thấy Nga đã xoay xở để lách các lệnh trừng phạt ngăn chặn nhập khẩu tiền mặt. Theo Reuters, dữ liệu hải quan cho thấy tiền mặt đã được vận chuyển đến Nga từ UAE và Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia không áp đặt các hạn chế đối với thương mại với Nga. Số còn lại - chiếm hơn một nửa tổng số tiền, không được nêu tên.
Vào tháng 12/2023, Mỹ đã đe dọa sẽ trừng phạt các tổ chức tài chính hỗ trợ Nga lách lệnh trừng phạt và đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty từ các quốc gia thứ ba trong năm 2023 và 2024.
Trong diễn biến liên quan, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã vượt qua đồng USD để trở thành loại tiền tệ nước ngoài được giao dịch nhiều nhất tại Nga.
Dmitry Polevoy, Giám đốc đầu tư tại Astra Asset Management ở Nga, cho biết nhiều công dân Nga vẫn muốn có ngoại tệ tiền mặt để đi du lịch nước ngoài, cũng như nhập khẩu một lượng nhỏ và tiết kiệm trong nước.
"Đối với cá nhân, đồng USD vẫn là một loại tiền tệ đáng tin cậy,” ông Dmitry Polevoy nói với Reuters.
Nga khẳng định USD và Euro là "độc hại" vào năm 2022 khi các lệnh trừng phạt toàn diện tấn công vào khả năng tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu của Moscow. Khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nga tại châu Âu đã bị đóng băng.
Một phát ngôn viên của Ủy ban Châu Âu khẳng định Liên minh châu Âu sẽ hợp tác với các nước thứ ba khi nghi ngờ lệnh trừng phạt đang bị lách luật.
Theo Reuters, các tài liệu cho thấy lượng tiền mặt nhập khẩu tăng đột biến ngay trước xung đột tại Ukraine. Từ tháng 11/2021 đến tháng 2/2022, 18,9 tỷ USD tiền giấy USD và Euro đã vào Nga, so với chỉ 17 triệu USD trong 4 tháng trước đó.
Ngân hàng trung ương Nga đã nhanh chóng hạn chế việc rút tiền mặt bằng ngoại tệ của các cá nhân sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra, nhằm hỗ trợ đồng rúp suy yếu.
Theo dữ liệu, chỉ có 98 triệu USD tiền giấy USD và euro rời khỏi Nga trong khoảng thời gian từ tháng 2/2022 đến cuối năm 2023.
Ngược lại, dòng tiền chảy vào cao hơn nhiều. Đơn vị khai báo ngoại tệ lớn nhất là một công ty ít được biết đến, Aero-Trade, cung cấp dịch vụ mua sắm miễn thuế tại các sân bay và trên các chuyến bay. Công ty đã khai báo khoảng 1,5 tỷ USD tiền giấy trong thời gian đó.
Aero-Trade đã đăng ký 73 lô hàng, mỗi lô hàng trị giá 20 triệu USD hoặc Euro, tất cả đều được thông quan tại sân bay Domodedovo của Moscow, một trung tâm quốc tế gần trụ sở chính của công ty. Các lô hàng được mô tả trong tờ khai hải quan là tiền trao đổi hoặc doanh thu từ hoạt động thương mại trên máy bay.
Chủ sở hữu Aero-Trade Artem Martynyuk nói với Reuters rằng ông nghi ngờ tính xác thực của hồ sơ hải quan và từ chối bình luận thêm. Công ty cho biết trong một tuyên bố rằng "Aero-Trade không tham gia cung cấp ngoại tệ mạnh cho Nga".
Theo hồ sơ hải quan và cá nhân quen thuộc với các giao dịch, hơn 25% trong số 2,27 tỷ USD tiền giấy được các ngân hàng nhập khẩu, phần lớn là để thanh toán cho kim loại quý.
Một số ngân hàng Nga đã nhận được lượng tiền mặt trị giá 580 triệu USD từ nước ngoài trong khoảng thời gian từ tháng 3/2022 đến tháng 12/2023 và xuất khẩu số lượng kim loại quý tương đương. Trong nhiều trường hợp, các lô hàng vàng hoặc bạc đã được chuyển đến các công ty cung cấp tiền giấy, hồ sơ Reuters thu thập được cho thấy.
>> Ông Putin đón tin vui: Doanh thu dầu khí Nga dự kiến tăng 50%, đạt gần 10 tỷ USD trong tháng 6