MAS nhận định khu công nghiệp là mảng mũi nhọn giúp VGC duy trì đà tăng lợi nhuận, bù đắp cho sự thiếu hụt từ mảng vật liệu xây dựng do tác động chững lại của ngành bất động sản.
Phiên 7/6, cổ phiếu VGC của Viglacera tăng 2% lên 41.800 đồng/cp. Thời gian gần đây, mã này ghi nhận những phiên giao dịch tích cực trong bối cảnh giới đầu tư đón nhận thông tin Viglacera có thư mời báo giá cung cấp dịch vụ tư vấn định giá và tư vấn phương án chuyển nhượng vốn Nhà nước.
Trong năm nay, Bộ Xây dựng lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Viglacera, dự kiến thu về hơn 5.800 tỷ đồng. Hiện, VGC đang có vốn điều lệ 4.483,5 tỷ đồng, trong đó Bộ Xây dựng sở hữu 38,58% cổ phần (tương đương 173 triệu cổ phiếu). Cổ đông lớn nhất của VGC hiện là Gelex (GEX) - sở hữu 50,21%.
Đồ thị kỹ thuật VGC |
Phân tích kỹ thuật cổ phiếu VGC, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) (MAS) cho biết VGC sau khi vượt đường MA 200 ngày của mình và đang quay về kiếm định hỗ trợ tại mức này. Khối lượng cổ phiếu duy trì ở mức cao. Theo đó, MAS kỳ vọng VGC sẽ tạo nền quanh MA200 ngày và tiếp tục kiểm định những ngưỡng kháng cự cao hơn. Vì vậy, Mirae Asset khuyến nghị mua VGC với giá mục tiêu 48.500 đồng/cp, tương ứng tỷ suất lợi nhuận là 16%.
Về tiềm năng kinh doanh của Viglacera, dự phóng doanh thu thuần của VGC trong năm 2023 đạt 15.338 tỷ đồng (+5,1% YoY) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.627 tỷ (-15% YoY) dựa trên: 1) Kỳ vọng giá bán VLXD sẽ phục hồi trong nửa cuối năm phần nào đó sẽ giúp biên lợi nhuận gộp cả năm giảm nhẹ về mức 26% so với mức 29% trong năm 2022; 2) Chi phí lãi vay tăng 30% với hơn 327 tỷ đồng; 3) Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tiếp tục giảm nhẹ lần lượt 8% và 5% trong năm.
MAS dự phóng chỉ tiêu của VGC |
EPS dự phóng đạt 3.302 đồng/ cp tương ứng với mức P/E dự phóng đạt 12,2x. Đây cũng là mức P/E thấp so với trung bình 5 năm của doanh nghiệp. Vì vậy, MAS đánh giá khả quan cho VGC: 1) Việt Nam tiếp tục thu hút vốn FDI của các nước và KCN kỳ vọng sẽ tiếp tục được hưởng lợi trong những thời gian tới; 2) Vị thế và năng lực nội tại mạnh mẽ của doanh nghiệp.
MAS nhận định khu công nghiệp là mảng mũi nhọn nhằm giúp VGC duy trì đà tăng doanh thu và lợi nhuận bù đắp cho sự thiếu hụt từ mảng vật liệu xây dựng do tác động chững lại của ngành BĐS trong thời gian vừa qua. VGC hiện đang phát triển 11 khu công nghiệp và tiếp tục phát triển thêm nhiều quỹ đất trong giai đoạn tiếp theo. Hiện tại, quỹ đất sẵn sàng cho thuê của VGC tính tới cuối năm 2022 đạt hơn 823 ha, trong đó tại KCN Yên Phong và Thuận Thành có diện tích sẵn sàng cho thuê hơn 265 ha. Đây cũng là khu vực có giá thuê cao của VGC với 125-150 USD/m2.
Đối với mảng kính, VGC dự kiến sẽ xây dựng giai đoạn 2 nhà máy kính nổi siêu trắng Phú Mỹ nhằm nâng công suất lên 1,500 tấn/ ngày (hiện tại đang ở mức 600 tấn/ ngày điều này sẽ phần nào bổ sung vào năng lực sản xuất và cung cấp ra thị trường ngày khi ngành BĐS nhộn nhịp trở lại.
Về mảng gạch ốp lát, sau khi mua lại nhà máy gạch men Bạch Mã vào cuối năm 2021, VGC đã cải tạo, đầu tư bổ sung dây chuyền sản xuất, giúp VGC tiếp tục giữ vị thế đầu ngành như hiện nay.
Điểm nhấn kỹ thuật VGC |