Bất động sản Nhật Nam: Chiêu cũ tái hồi nhà đầu tư vẫn mắc
Hàng vạn nhà đầu tư đã tin tưởng vào những chiêu trò và lời hứa hẹn chắc nịch của CEO Bất động sản Nhật Nam - Vũ Thị Thúy.
Bất động sản Nhật Nam dùng chiêu trò cũ nhưng vẫn lôi kéo được hàng vạn nhà đầu tư
CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam được thành lập từ năm 2017, người đại diện theo pháp luật là Vũ Thị Thúy. Nhật Nam sở hữu số vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng, đến thời điểm hiện tại, tổng số vốn đã lên đến hơn 800 tỷ.
Công ty Nhật Nam được giới thiệu hữu khối tài sản đa dạng ngành nghề như: nhà hàng, khách sạn, karaoke, chuỗi cafe cao cấp… Trong đó bất động sản vẫn là chủ lực. Công ty này có nhiều chi nhánh trải khắp cả nước như Hà Nội, Phú Quốc, Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Bình Phước.
Công ty Bất động sản Nhật Nam đã huy động vốn của nhà đầu tư bằng việc cam kết trả lợi nhuận cao trung bình khoảng 46%, thậm chí tới 70% hay 80% một năm. Theo đó, nhà đầu tư chỉ cần ký hợp đồng và lĩnh tiền, không cần quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Không những vậy, nếu người dân bỏ vào công ty Nhật Nam số tiền 4 tỷ đồng sẽ lập tức được cấp sổ cổ đông và trở thành cổ đông chiến lược. Mỗi tháng ngoài lợi nhuận 46%/năm, nhà đầu tư được lĩnh thêm 15 triệu đồng/tháng.
Một trong những chương trình "lùa gà" của bất động sản Nhật Nam. Ảnh: Báo Tiền Phong.
Ngoài hứa hẹn mức lãi suất cao, Bất động sản Nhật Nam còn đưa ra nhiều chiêu trò khác để lấy niềm tin nhà đầu tư, huy động vốn. Nhật Nam tặng cổ phiếu nội bộ cho các nhà đầu tư. Gói 100 triệu đồng được tặng 125 cổ phiếu. Gói 5 tỷ đồng tặng 10.000 cổ phiếu. Với giá 1 cổ phiếu do Nhật Nam tự quy định là 16.000 đồng và cam kết 10 tháng sau công ty sẽ mua lại với giá 20.000 đồng/cổ phiếu, hoặc hơn thế.
Lợi nhuận khủng với vô số quyền lợi như "mỡ treo miệng mèo" đã khiến Nhật Nam thu hút được hàng nghìn thậm chí hàng chục nghìn người bỏ vốn vào từ khắp các tỉnh thành.
Ngoài ra, Nhật Nam còn kinh doanh theo mô hình đa cấp để phát triển hệ thống với mô hình kim tự tháp. Cứ 5 môi giới phát triển ra được 10 môi giới, mời chào được doanh số trên 10 tỷ đồng thì hưởng 7% hoa hồng.
Trong các buổi hội thảo, hội nghị huy động vốn đông người, Công ty Bất động sản Nhật Nam đã liên tục giới thiệu, quảng cáo về sự xuất hiện của dàn cố vấn được cho là cán bộ có chức vụ đã nghỉ hưu, để lấy niềm tin của các nhà đầu tư.
"Nếu ai đầu tư vào Nhật Nam mất tiền tôi đền. Gửi tiền vào Nhật Nam tôi cam kết sẽ không bị mất", từng khẳng định. Cũng chính những lời "hứa" chắc nịch của CEO Vũ Thị Thúy, khiến nhiều nhà đầu tư tiếp tục hy vọng và đổ tiền vào.
Tuy nhiên, trong lúc các nhà đầu tư đang hăng say, rót cả nghìn tỷ đồng vào làm giàu cùng Nhật Nam, bỗng dưng tháng 8/2022, công ty Bất động sản Nhật Nam ra văn bản tạm dừng phân chia lợi nhuận 15 ngày để dành tiền lấy thêm dự án đất nền và nhà chung cư.
Nhà đầu tư giăng băng rôn đòi lại tiền. Ảnh: Markettimes.
Tuy nhiên, từ khi phát hành văn bản trên thì qua 1 năm Công ty Bất động sản Nhật Nam vẫn chưa có bất kỳ động thái nào về việc tiếp tục trả tiền khiến hàng loạt nhà đầu tư điêu đứng.
Cuối năm 2022, Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam được thành lập. Cuối tháng 2/2023, Công ty cổ phần Sông Đà Invest được thành lập. Cả hai doanh nghiệp này đều do bà Vũ Thị Thúy làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Và đặc biệt, vẫn dùng một chiêu tái hồi: quảng cáo, mời chào các nhà đầu tư mới, tiếp tục bỏ vốn vào hợp tác kinh doanh, với mức lợi nhuận 92%/2 năm giống y như Công ty Bất động sản Nhật Nam. Hàng ngàn người lại tiếp tục đổ vốn vào mong sở hữu cổ phần, quỹ đất của công ty này.
Ngay sau khi thành lập công ty mới, Công ty Bất động sản Nhật Nam lại ra văn bản đề nghị các nhà đầu tư chuyển đổi hợp đồng đầu tư sang doanh nghiệp mới là Sông Đà Nhật Nam mới được thành lập. Những ai chuyển tiền sang Sông Đà Nhật Nam mới trả tiền. Nếu hợp đồng được chuyển đổi trước tháng 2/2023 thì tháng 6/2023 sẽ được nhận lợi nhuận và đến tháng 9 là nhận hoàn gốc. Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư sau khi đã chuyển đổi hợp đồng xong đến nay vẫn chưa nhận được một đồng nào.
Điều này dẫn đến việc đầu tháng 8/2023, hàng trăm nhà đầu tư đã cầm biểu ngữ phản đối, yêu cầu Nhật Nam phải trả tiền tại trụ sở và văn phòng đại diện của công ty tại TP Hà Nội và TP HCM.
Điều đáng nói, trong báo cáo tài chính từ năm 2019 đến 2022, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thấp và không nộp đồng thuế nào. Như vậy, số tiền của Nhật Nam đã đi đâu?
Mới đây, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cũng ra quyết định thông báo về việc công ty Nhật Nam đã không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh và quyết định phong tỏa hóa đơn và mã số thuế của doanh nghiệp này.
Cơ quan chức năng vào cuộc
Sau loạt bài phản ánh của báo chí đều đi đến kết luận chung, có nhiều yếu tố bất thường, trái pháp luật liên quan tới Bất Động Sản Nhật Nam và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, nhiều đơn vị đã đưa ra cảnh báo với công ty này.
Văn bản cảnh báo của tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Báo Lao động.
Ngày 6/9/2022, Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Hòa Bình đã có Văn bản số 1482/STTTT-TTBCXB đề nghị các cơ quan báo chí, Cổng thông tin điện tử tỉnh; Phòng Văn hóa - Thông tin; Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông các huyện, thành phố thực hiện tuyên truyền, cảnh báo đến người dân, doanh nghiệp thông tin liên quan đến hành vi hoạt động có dấu hiệu phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự của Công ty Nhật Nam.
Trước đó, ngày 18/8/2022 Công an huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai cũng đã ra Thông báo số 1569/TB-CAH về những bất thường trong hoạt động của Công ty Nhật Nam.
Rất nhiều nhà đầu tư cũng đã có đơn tố cáo gửi các cơ quan báo chí, Công an TP.Hà Nội để tố cáo việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khi đầu tư vào công ty này.
Với những hoạt động kinh doanh không rõ ràng, có dấu hiệu lừa đảo, sáng 7/9, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Hà Nội đã thông báo tạm giữ khẩn cấp bà Vũ Thị Thúy - Tổng Giám đốc Bất động sản Nhật Nam để điều tra.
Bà Vũ Thị Thúy - CEO của Bất động sản Nhật Nam. Ảnh: Báo Công Thương.
Bà Vũ Thị Thúy có hành vi đưa thông tin sai sự thật và Công ty cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam có nhiều bất động sản, dự án đầu tư, có lợi nhuận cao để huy động vốn của nhiều cá nhân. Sau đó, sử dụng một phần tiền này để trả lãi cho các cá nhân trên và chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn vi phạm Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Thời điểm bị tạm giữ, bà Vũ Thị Thúy đang là Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Nhật Nam, đồng thời giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Giám đốc CTCP Sông Đà 1.01 (SJC); Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam; Chủ tịch HĐQT CTCP Sông Đà Invest; Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Nam Nhật Khang.
Trước khi bị tạm giữ, bà Thúy và Công ty Sông Đà Nhật Nam đã hoàn tất thoái vốn khỏi Công ty Sông Đà 1.01.
Cụ thể, từ ngày 4 - 25/8, Nhật Nam đã bán 240.800 cổ phiếu SJC, qua đó không còn là cổ đông của Sông Đà 1.01. Động thái của Nhật Nam diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu SJC phục hồi tích cực từ đầu tháng 8, sau chuỗi giảm liên tiếp từ cuối tháng 6. Hiện SJC đang trong diện hạn chế, chỉ được giao dịch thứ 6 hàng tuần.
Bà Vũ Thị Thúy có chồng là ca sĩ Khánh Phương - cũng là một cổ đông của SJC.
Trước khi Nhật Nam rút khỏi Sông Đà 1.01, bà Vũ Thị Thúy cũng hoàn thành thoái toàn bộ 23,5% vốn và không còn là cổ đông lớn tại doanh nghiệp này, từ ngày 31/3. Đến nay, bà Thúy cũng chỉ sở hữu vỏn vẹn 22 cổ phiếu SJC.
Được biết, bà Vũ Thị Thúy là vợ của ông Phạm Khánh Phương, tức ca sĩ Khánh Phương. Mới đây, ông Phương cũng đã bán hết 908.576 cổ phiếu SJC, chiếm 13,1% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01. Theo đó, ông Phương không còn là cổ đông của Sông Đà 1.01.