Bất ngờ FLC Group lọt Top 100 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023
Top 100 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023 được đánh giá và xếp hạng dựa trên thực tế tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp
Ngày 15/8/2023, tại Hà Nội, Brand Finance - Tổ chức hàng đầu thế giới về định giá thương hiệu phối hợp Mibrand Vietnam - Agency chuyên sâu về tư vấn thương hiệu và nghiên cứu thị trường chính thức công bố danh sách Top 100 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023.
Bảng xếp hạng cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ về giá trị thương hiệu của các ngành tại Việt Nam. Trong đó, viễn thông, ngân hàng và thực phẩm là những ngành có đóng góp nhiều nhất vào tổng giá trị bảng xếp hạng với tỉ trọng lần lượt là 31%, 30%, 10%...
Đáng chú ý, Top 100 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023 này lại có một số tên tuổi được xướng tên như FLC, Bảo hiểm PTI, KienlongBank,...
Theo Brand Finance, Top 100 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023 được đánh giá và xếp hạng dựa trên thực tế tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp với các trụ cột chính là: Chỉ số sức mạnh thương hiệu, tác động thương hiệu trong lĩnh vực, kết quả kinh doanh và dự báo tăng trưởng trong tương lai. Ngoài việc định giá giá trị thương hiệu, Brand Finance cũng xác định sức mạnh tương đối của các thương hiệu thông qua thẻ điểm cân bằng gồm các số liệu đánh giá hoạt động đầu tư tiếp thị, vốn cổ đông và hiệu quả kinh doanh, tuân thủ ISO 20671.
Đáng chú ý, một doanh nghiệp có nhiều tin tức không mấy khả quan như FLC Group (FLC) cũng bất ngờ lọt Top Top 100 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023 với vị trí xếp hạng thứ 83, cao hơn cả Nhà Khang Điền (KDH), Tập đoàn Thiên Long (TLG), …
FLC cùng các công ty thành viên cũng vướng vào nhiều sai phạm nghiêm trọng về công bố thông tin theo quy định. Các vị trí lãnh đạo chủ chốt của FLC đã có nhiều biến động, nhiều thành viên quan trọng trong HĐQT tập đoàn lần lượt từ nhiệm.
Cá biệt, dù đã hết quý 2/2023 nhưng vẫn có doanh nghiệp thậm chí chưa công bố BCTC kiểm toán 2 năm trước. Biến cố bắt đầu diễn ra sau những sự vụ vi phạm nghiêm trọng liên quan tới cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết trên thị trường chứng khoán. Đến thời điểm hiện tại, FLC vẫn chưa thể công bố BCTC kiểm toán năm 2021, BCTC kiểm toán bán niên 2022 và cả năm 2022. BCTC tự lập quý 4/2022 và quý 1/2023 cũng chưa được công bố.
Cổ phiếu FLC sau khi bị huỷ niêm yết trên HoSE đã chuyển về giao dịch trên sàn UPCoM song lập tức bị đình chỉ giao dịch do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch Chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy bỏ niêm yết nhằm bảo về quyền lợi của nhà đầu tư. Con đường trở lại sàn chứng khoán của FLC vẫn còn khá xa khi doanh nghiệp sau bao lần cam kết hạn nộp vẫn liên tục lỗi hẹn.
Tiếp nối đà phục hồi của năm 2022, nửa đầu năm 2023, ngành du lịch Việt Nam ghi nhận những tín hiệu đầy lạc quan khi đón gần 5,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt 70% kế hoạch cả năm, nhiều thị trường đã phục hồi vượt mức năm 2019. Khách du lịch nội địa đạt 64 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 343 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, FLC Group lại sở hữu nhiều hệ thống quần thể nghĩ dưỡng đạt tiêu chuẩn 5 sao đã vận hành thành công trên khắp đất nước Việt Nam như hệ thống quần thể nghĩ dưỡng đẳng cấp FLC Quy Nhơn, FLC Sầm Sơn, FLC Vĩnh Phúc, FLC Quảng Bình và FLC Hạ Long.