Công ty dược phẩm Kobayashi hiện đang tiến hành thu hồi một số sản phẩm có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
EFE đưa tin, chỉ trong tháng 3, gần 800 người đã phải đi khám sau khi sử dụng thực phẩm chức năng chứa gạo men đỏ của công ty dược phẩm Kobayashi. Và trong số họ, 157 người phải nhập viện.
Hãng dược Kobayashi ngày 29/3 cũng xác nhận 5 trường hợp tử vong liên quan đến loại thực phẩm chức năng này. Hiện Bộ Y tế Nhật Bản cho biết vẫn chưa rõ nguyên nhân gây bệnh là do thành phần sản phẩm hay do quy trình sản xuất bị lỗi và đang tiếp tục điều tra.
Được biết các bệnh nhân gặp vấn đề về bệnh thận và một số bệnh lý khác sau khi uống loại thực phẩm chức năng được quảng cáo là có tác dụng giảm cholesterol. Một nửa số ca có biểu hiện khó chịu, ăn kém, nước tiểu bất thường và rối loạn thận khi đến viện.
Theo NHK, Bộ Y tế và Cơ quan tiêu dùng Nhật Bản nhận được 1.578 cuộc gọi điện thoại liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm vào tháng trước, trong khi công ty dược phẩm ghi nhận khoảng 22.000 câu hỏi.
Sản phẩm "beni-koji choleste-help" (đã bị thu hồi) của công ty dược phẩm Kobayashi chứa gạo men đỏ. Ảnh: Japan Times |
Mới đây, hãng Kobayashi tuyên bố họ đã tìm thấy chất axit puberulic trong một số loại thực phẩm chức năng, trong đó có sản phẩm "Beni-koji choleste-help".
Đây là một hợp chất tự nhiên có nguồn gốc từ quá trình lên men và có thể gây độc tố ở liều lượng nhất định, mặc dù vẫn chưa biết liệu chất này có gây ra vấn đề trong vụ bê bối mới đây không.
Ngay sau đó, hãng dược Nhật Bản đã thu hồi 300.000 hộp chứa 3 loại thực phẩm chức năng chứa gạo men đỏ - một loại ngũ cốc lên men - do công ty sản xuất.
Một cuộc điều tra gần đây của ngân hàng dữ liệu Teikoku Databank chỉ ra loại gạo men đỏ này được cung cấp cho 225 công ty, dưới hình thức bán trực tiếp hoặc chế biến rồi bán. Điều này có thể ảnh hưởng đến 33.000 doanh nghiệp ở Nhật Bản.
Trong số đó, các nhà bán lẻ thực phẩm và đồ uống chiếm tỷ trọng lớn nhất với con số 5.582. Khoảng 5.171 doanh nghiệp bán lẻ khác, 3.884 doanh nghiệp y tế và hơn 3.115 nhà hàng cũng phải chịu tác động nặng nề.
Bao bì các gói thực phẩm chức năng được sản xuất bởi Kobayashi. Ảnh: Japan Times |
Nỗi lo về “thực phẩm sức khỏe”
Vụ việc đang làm dấy lên mối lo ngại của người dân Nhật Bản về việc phân loại thực phẩm chức năng của nước này, đặc biệt là hệ thống ghi nhãn có từ năm 2015.
Cụ thể, Cơ quan về Vấn đề Người tiêu dùng (CAA) của Nhật Bản năm 2015 đã phát động sáng kiến ghi nhãn "Thực phẩm có công bố chức năng" (FFC).
Hệ thống mới này cho phép những công ty như Kobayashi liệt kê các lợi ích sức khỏe của sản phẩm mà không cần sự chấp thuận của cơ quan chức năng.
Hãng dược chỉ cần nộp hồ sơ đăng ký và tự kiểm chứng độ an toàn. Sáng kiến này bị các chuyên gia y tế đánh giá là thiếu tính khách quan và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chủ tịch Akihiro Kobayashi (thứ 2 từ trái sang) và các giám đốc điều hành lên tiếng xin lỗi trong cuộc họp báo ở Osaka ngày 29/3/2024. Ảnh: Japan Times |
Một cư dân ở Tokyo theo đó đã chỉ trích cách thức hoạt động của Kobayashi, ông nói: “Hệ thống quản lý của họ còn nhiều thiếu sót. Hãng có thể đã không điều tra các báo cáo ban đầu một cách nghiêm túc, dẫn đến việc công bố thông tin bị trì hoãn”.
Một số khác lên tiếng lo ngại rằng các tập đoàn lớn của Nhật Bản quá chú trọng đến lợi ích kinh tế mà bỏ qua sự an toàn.
Trước đó, vào tháng 1, Kobayashi từng nhận được một số báo cáo về trường hợp người dùng phải nhập viện sau khi sử dụng các sản phẩm có chứa gạo men đỏ.
Phía công ty tận 1 tháng sau vẫn chưa có bất kỳ động thái nào thu hồi sản phẩm với lý do không có đủ thông tin.
Japan Times đưa tin, mối nguy hiểm trên chỉ lộ ra vào ngày 22/3 khi hãng dược tự nguyện thu hồi sản phẩm do có nhiều người tiêu dùng gặp vấn đề nghiêm trọng ở thận.
>> 4 sản phẩm của Nhật Bản có nguy cơ gây tổn thương thận bị thu hồi