Xã hội

Bệnh viện duy nhất Việt Nam có trại giam nằm trong khuôn viên: Lịch sử trải dài qua 3 thế kỷ, nơi cuối cùng lưu lại dấu ấn vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

Vĩ Hạ 03/10/2024 - 09:36

Đây cũng là bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam, đã trải qua 160 năm hình thành, phát triển.

Trải qua lịch sử lâu đời, trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM ngày nay vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử quan trọng. Nổi bật nhất là khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán - nơi đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), đã hy sinh vào ngày 6/9/1931 sau khi bị thực dân Pháp bắt, tra tấn dã man và lâm bệnh nặng, được đưa đến đây điều trị. Trước khi ra đi, đồng chí đã để lại lời nhắn nhủ đanh thép: "Hãy giữ vững ý chí chiến đấu."

Bệnh viện đầu tiên trên đất Sài Gòn - Chợ Lớn

Bệnh viện Chợ Quán là tên gọi đầu tiên của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM, thành lập và đi vào hoạt động vào năm 1861. Ảnh tư liệu

Bệnh viện Chợ Quán là tên gọi đầu tiên của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM, thành lập và đi vào hoạt động vào năm 1861. Ảnh tư liệu

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM, ban đầu có tên là Nhà thương Chợ Quán, chính thức mở cửa đón bệnh nhân từ ngày 13/2/1861. Đây là bệnh viện đầu tiên được thành lập trên đất Sài Gòn - Chợ Lớn, nằm bên một nhánh của sông Bến Nghé (nay là kênh Tàu Hũ), gắn liền với lịch sử của vùng đất phương Nam.

Theo lịch sử ghi lại, ban đầu, thực dân Pháp đã sử dụng Nhà thương Chợ Quán như một bệnh viện dã chiến nhằm chuẩn bị cho trận đánh đồn Kỳ Hòa vào ngày 24/2/1861. Sau đó, nơi này trở thành điểm tiếp nhận thương binh từ các trận đánh tại Sài Gòn - Gia Định và Nam Bộ. Có thể nói, Nhà thương Chợ Quán ra đời trong hoàn cảnh đầy đau thương của Sài Gòn và miền Nam Việt Nam dưới ách xâm lược.

Khu

Khu "bịnh nhân" cải huấn được dành điều trị cho bệnh nhân là tù chính trị trong giai đoạn chiến tranh. Ảnh tư liệu

Năm 1864, bệnh viện được giao lại cho chính quyền đương thời quản lý. Trong những năm đầu, nơi này chủ yếu tiếp nhận và điều trị cho những người mắc bệnh hoa liễu, người tù bị bệnh, người già, người nghèo và người mắc bệnh nan y.

Từ năm 1876 đến 1904, bệnh viện được sửa chữa và xây thêm các phòng bệnh truyền nhiễm. Năm 1972 đánh dấu bước phát triển lớn về cơ sở vật chất của Bệnh viện Chợ Quán khi khu nhà chính 6 tầng được xây dựng trên diện tích hơn 12.000m², với sự trợ giúp của Hàn Quốc.

Đến tháng 3/1974, bệnh viện được đổi tên thành Trung tâm Y khoa Hàn - Việt, chuyên điều trị các bệnh truyền nhiễm, tâm thần, phong, nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa cùng các khoa Dược và cận lâm sàng.

Trải qua nhiều biến động lịch sử, Nhà thương Chợ Quán nay đã trở thành Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM - cơ sở điều trị các bệnh truyền nhiễm hàng đầu của khu vực phía Nam.

Kỳ lạ... nhà giam trong bệnh viện

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM là bệnh viện duy nhất tại Việt Nam có khu trại giam nằm trong khuôn viên. Đây là nơi Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Trần Phú hy sinh. Hiện nay, trong khuôn viên bệnh viện vẫn còn đặt tượng đài tưởng niệm Tổng Bí thư Trần Phú, như một biểu tượng của lòng biết ơn và tinh thần cách mạng.

Tượng đài tưởng niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới. Ảnh: PLO

Tượng đài tưởng niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới. Ảnh: PLO

Ngoài đồng chí Trần Phú, nhiều nhà cách mạng khác như Trần Não, Hà Huy Tập, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Văn Trỗi cùng nhiều bệnh nhân tù khác trong hai cuộc kháng chiến cũng từng bị giam giữ tại đây. Khu trại giam này đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia và hiện mở cửa đón khách tham quan.

Ngày nay, các dấu vết của gông cùm, xiềng xích thời thực dân, cũng như những khẩu hiệu đấu tranh bằng máu còn in rõ trên các bức tường, thể hiện rõ nét tinh thần kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng. Từ cổng trại giam, khách tham quan có thể nhìn thấy phòng giam lớn, nơi giam giữ khoảng 20 người, cũng là nơi đồng chí Trần Phú từng bị giam khi mới đến trại giam này.

benh vien benh nhiet doi tp hcm 4
benh vien benh nhiet doi tp hcm 5
Khu trại giam trong bệnh viện đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia. Ảnh: Báo Tiền Phong, Báo Tuổi Trẻ

Khu trại giam trong bệnh viện đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia. Ảnh: Báo Tiền Phong, Báo Tuổi Trẻ

Trong cao điểm dịch Covid-19 năm 2021, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã trở thành "thành trì" điều trị cuối cùng cho TP. HCM và các tỉnh phía Nam. Hiện nay, đây là bệnh viện duy nhất tại TP. HCM tiếp nhận cách ly và điều trị bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Bệnh viện hiện là cơ sở chuyên khoa truyền nhiễm hạng 1, với 10 phòng chức năng, 17 khoa lâm sàng, công suất 550 giường nội trú, 5 khoa cận lâm sàng và gần 800 nhân viên y tế.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM hiện tại. Ảnh: HL/Báo Dân Trí

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM hiện tại. Ảnh: HL/Báo Dân Trí

Lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM chia sẻ, trải qua 3 thế kỷ hoạt động, mỗi chặng đường của bệnh viện đều là những mốc son quan trọng, ghi dấu những giá trị bất biến và trường tồn.

Tập thể cán bộ viên chức, người lao động tại bệnh viện luôn tự hào và phấn đấu không ngừng để xứng đáng với vị trí đầu ngành về nhiễm trùng - truyền nhiễm, góp phần vào sự nghiệp y tế nước nhà, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân TP. HCM và khu vực phía Nam.

>> Bệnh viện tồn tại qua 3 thế kỷ lâu đời nhất Việt Nam tuyển dụng 61 viên chức

Bệnh viện K đầu tư xây dựng cơ sở 4 để phát triển kỹ thuật cao, ứng dụng kỹ thuật điều trị tiên tiến nhất trên thế giới

Hai bệnh viện quy mô bậc nhất miền Bắc vẫn chưa chốt thời điểm đi vào hoạt động sau gần 1 thập kỷ 'bỏ hoang'

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/benh-vien-duy-nhat-viet-nam-co-trai-giam-nam-trong-khuon-vien-lich-su-trai-dai-qua-3-the-ky-noi-cuoi-cung-luu-lai-dau-an-vi-tong-bi-thu-dau-tien-cua-dang-d134766.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Bệnh viện duy nhất Việt Nam có trại giam nằm trong khuôn viên: Lịch sử trải dài qua 3 thế kỷ, nơi cuối cùng lưu lại dấu ấn vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng
POWERED BY ONECMS & INTECH